Trung Bộ Kinh – 5. Kinh Không Uế Nhiễm

  1. Kinh Không Uế Nhiễm

(Anangana sutta)

Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Ở tại đây, Tôn giả Sariputta (Xá-lợi-phất) gọi các Tỷ-kheo. “Chư Hiền Tỷ-kheo”. –“Thưa Hiền giả”, các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sariputta. Tôn giả Sariputta nói như sau:

— Này chư Hiền, ở đời có bốn hạng người. Thế nào là bốn? Chư Hiền, ở đây, có hạng người có cấu uế, nhưng không như thật tuệ tri: “Nội thân ta có cấu uế”. Lại nữa chư Hiền, ở đây, có hạng người có cấu uế, và như thật tuệ tri: “Nội thân ta có cấu uế”. Lại nữa chư Hiền, ở đây có hạng người không có cấu uế, nhưng không như thật tuệ tri: “Nội thân ta không có cấu uế”. Lại nữa, chư Hiền, ở đây, có hạng người không có cấu uế và như thật tuệ tri: “Nội thân ta không có cấu uế”.

Chư Hiền, ở đây, hạng người có cấu uế nhưng không như thật tuệ tri: “Nội thân ta có cấu uế”. Trong hai hạng người có cấu uế, hạng người này vì vậy được gọi là hạng người hạ liệt. Chư Hiền, ở đây, hạng người có cấu uế và như thật tuệ tri: “Nội thân ta có cấu uế”. Trong hai hạng người có cấu uế, hạng người này vì vậy được gọi là hạng người ưu thắng.

Chư Hiền, ở đây, có hạng người không có cấu uế nhưng không như thật tuệ tri: “Nội thân ta không có cấu uế”. Trong hai hạng người không có cấu uế, hạng người này vì vậy được gọi là hạng người hạ liệt. Chư Hiền, ở đây, hạng người không có cấu uế và như thật tuệ tri: “Nội thân ta không có cấu uế”. Trong hai hạng người không có cấu uế, hạng người này vì vậy được gọi là hạng người ưu thắng.

Ðược nói như vậy, Tôn giả Mahamoggallana (Ðại Mục-kiền-liên) nói với Tôn giả Sariputta như sau:

— Tôn giả Sariputta, do nhân gì, do duyên gì, trong hai hạng người có cấu uế này, một hạng người được gọi là hạ liệt, một hạng người được gọi là ưu thắng? Tôn giả Sariputta, do nhân gì, do duyên gì trong hai hạng người không có cấu uế này, một hạng người được gọi là hạ liệt, một hạng người được gọi là ưu thắng?

— Ở đây, Hiền giả, hạng người có cấu uế nhưng không như thật tuệ tri: “Nội thân ta có cấu uế”. Với người này, có thể chờ đợi như sau: “Người này sẽ không khởi lên ước muốn, sẽ không cố gắng, sẽ không tinh tấn để diệt trừ cấu uế ấy. Người này sẽ từ trần, trong khi còn có tham, còn có sân, còn có si, trong khi còn cấu uế, trong khi tâm còn ô nhiễm”. Này Hiền giả, giống như một cái bát bằng đồng, mang từ chợ về hay mang từ nhà thợ rèn về, phủ đầy bụi bặm, và người chủ cái bát ấy không dùng đến, không lau chùi và quăng cái bát ấy vào chỗ đầy bụi bặm. Này Hiền giả, như vậy cái bát ấy, sau một thời gian càng ô nhiễm hơn, càng đầy bụi bặm hơn.

— Này Hiền giả, sự thật là vậy.

— Này Hiền giả, như vậy hạng người có cấu uế nhưng không như thật tuệ tri: “Nội thân ta có cấu uế”. Với người này, có thể chờ đợi như sau: “Người này sẽ không khởi lên ước muốn, sẽ không cố gắng, sẽ không tinh tấn để diệt trừ cấu uế ấy. Người này sẽ từ trần, trong khi còn có tham, còn có sân, còn có si, trong khi còn cấu uế, trong khi tâm còn nhiễm”.

Ở đây, này Hiền giả, hạng người có cấu uế, và như thật tuệ tri: “Nội thân ta có cấu uế”. Với người này, có thể chờ đợi như sau: “Người này sẽ khởi lên ước muốn, sẽ cố gắng, sẽ tinh tấn để diệt trừ cấu uế ấy. Người này sẽ từ trần, trong khi không còn tham, không còn sân, không còn si, trong khi không còn cấu uế, trong khi tâm không còn ô nhiễm”. Này Hiền giả, giống như cái bát bằng đồng, mang từ chợ về hay mang từ nhà thợ rèn về, phủ đầy bụi bặm, và người chủ cái bát ấy dùng đến, lau chùi và không quăng cái bát ấy vào chỗ đầy bụi bặm. Này Hiền giả, như vậy cái bát ấy, sau một thời gian được thanh tịnh hơn, được sạch sẽ hơn.

— Này Hiền giả, sự thật là vậy.

— Này Hiền giả, như vậy hạng người có cấu uế và như thật tuệ tri: “Nội thân ta có cấu uế”. Với hạng người này, có thể chờ đợi như sau: “Người này sẽ khởi lên ước muốn, sẽ cố gắng, sẽ tinh tấn, để diệt trừ cấu uế ấy. Người này sẽ từ trần, trong khi không còn tham, không còn sân, không còn si, trong khi không còn cấu uế, trong khi tâm không còn ô nhiễm”.

Ở đây, này Hiền giả, hạng người không có cấu uế nhưng không như thật tuệ tri: “Nội thân ta không có cấu uế”. Với người này, có thể chờ đợi như sau: “Người này sẽ tư niệm tịnh tướng. Do tư niệm tịnh tướng, tham sẽ làm ô nhiễm tâm của người này. Người này sẽ từ trần, trong khi còn có tham, còn có sân, còn có si, trong khi còn cấu uế, trong khi tâm còn ô nhiễm”. Này Hiền giả, giống như một cái bát bằng đồng, mang từ chợ về hay mang từ nhà thợ rèn về, thanh tịnh và sạch sẽ. Và người chủ cái bát ấy không dùng đến, không lau chùi và quăng cái bát ấy vào chỗ đầy bụi bặm. Này Hiền giả, như vậy cái bát ấy, sau một thời gian, càng ô nhiễm hơn, càng bụi bặm hơn.

— Này Hiền giả, sự thật là vậy.

— Này Hiền giả, như vậy hạng người không có cấu uế nhưng không như thật tuệ tri: “Nội thân ta không có cấu uế”. Với người này có thể chờ đợi sau: “Người này sẽ tư niệm tịnh tướng. Do tư niệm tịnh tướng, tham sẽ làm ô nhiễm tâm của người này. Người này sẽ từ trần trong khi còn có tham, còn có sân, còn có si, trong khi còn cấu uế, trong khi tâm còn ô nhiễm”.

Ở đây, này Hiền giả, hạng người không có cấu uế và như thật tuệ tri: “Nội thân ta không có cấu uế”. Với người này có thể chờ đợi như sau: “Người này sẽ không tư niệm tịnh tướng. Do không tư niệm tịnh tướng, tham sẽ không làm ô nhiễm tâm của người này. Người này sẽ từ trần, trong khi không có tham, không có sân, không có si, trong khi không còn cấu uế, trong khi tâm không còn ô nhiễm”. Này Hiền giả, giống như một cái bát bằng đồng, mang từ chợ về hay mang từ nhà thợ rèn về, thanh tịnh và sạch sẽ và người chủ cái bát ấy dùng đến, lau chùi và không quăng cái bát ấy vào chỗ đầy bụi bặm. Này Hiền giả, như vậy cái bát ấy, sau một thời gian, càng được thanh tịnh hơn, càng được sạch sẽ hơn.

— Này Hiền giả, sự thật là vậy.

— Này Hiền giả, như vậy hạng người không có cấu uế, và như thật tuệ tri: “Nội thân ta không có cấu uế”. Với người này có thể chờ đợi như sau: “Người này sẽ không tư niệm tịnh tướng. Do không tư niệm tịnh tướng, tham sẽ không làm ô nhiễm tâm người này. Người này sẽ từ trần, không có tham, không có sân, không có si, không còn cấu uế, tâm không còn ô nhiễm”.

Này Hiền giả Moggallana, do nhân này, do duyên này, trong hai người có cấu uế này, một người được gọi là hạ liệt, một người được gọi là ưu thắng. Này Hiền giả Moggallana, do nhân này, do duyên này, trong hai người không có cấu uế này, một người được gọi là hạ liệt, một người được gọi là ưu thắng.

— Này Hiền giả, cấu uế gọi là cấu uế, danh từ gì là đồng nghĩa cái gọi là cấu uế?

— Này Hiền giả, các ác bất thiện pháp, cảnh giới của dục là đồng nghĩa cái gọi là cấu uế.

Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: “Nếu ta có phạm giới tội, mong rằng các Tỷ-kheo chớ có biết về ta rằng là đã phạm giới tội”. Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: các Tỷ-kheo có thể biết được các Tỷ-kheo ấy đã phạm giới tội. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: “Các Tỷ-kheo đã biết được ta đã phạm giới tội”. Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.

Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: “Nếu ta có phạm giới tội, mong rằng các Tỷ-kheo hãy quở trách ta ở chỗ kín đáo, không phải ở giữa Tăng chúng”. Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: các Tỷ-kheo quở trách Tỷ-kheo ấy ở giữa Tăng chúng, không phải ở chỗ kín đáo. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: “Các Tỷ-kheo quở trách ta ở giữa Tăng chúng, không phải ở chỗ kín đáo”. Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ, và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.

Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: “Nếu ta có phạm giới tội, mong rằng một Tỷ-kheo đồng đẳng hãy quở trách ta, chớ không phải một vị không đồng đẳng”. Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: một Tỷ-kheo không đồng đẳng quở trách Tỷ-kheo ấy, không phải một Tỷ-kheo đồng đẳng. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: “Một Tỷ-kheo không đồng đẳng quở trách ta, không phải một Tỷ-kheo đồng đẳng”. Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.

Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: “Mong rằng bậc Ðạo Sư hãy hỏi ta nhiều lần trong khi giảng pháp cho chúng Tỷ-kheo! Mong rằng bậc Ðạo Sư không hỏi Tỷ-kheo khác nhiều lần trong khi giảng pháp cho chúng Tỷ-kheo!”. Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: bậc Ðạo Sư hỏi một Tỷ-kheo khác nhiều lần trong khi giảng pháp cho chúng Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư không hỏi Tỷ-kheo ấy nhiều lần trong khi giảng pháp cho chúng Tỷ-kheo. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: “Bậc Ðạo Sư hỏi một Tỷ-kheo khác nhiều lần trong khi giảng pháp cho chúng Tỷ-kheo. Bậc Ðạo Sư không hỏi ta nhiều lần trong khi giảng pháp cho chúng Tỷ-kheo”. Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.

Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: “Mong rằng các Tỷ-kheo hãy để ta đi trước trong khi vào làng để dùng cơm! Mong rằng các Tỷ-kheo không để một Tỷ-kheo khác đi trước trong khi vào làng để dùng cơm!” Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: các Tỷ-kheo để một Tỷ-kheo khác đi trước trong khi vào làng để dùng cơm, các Tỷ-kheo không để Tỷ-kheo ấy đi trước trong khi vào làng để dùng cơm. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: “Các Tỷ-kheo để một Tỷ-kheo khác đi trước trong khi vào làng để dùng cơm, các Tỷ-kheo không để ta đi trước trong khi vào làng để dùng cơm”. Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.

Này Hiền giả, sự tình xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo khởi lên ý muốn như sau: “Mong rằng tại chỗ ăn, ta được chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, đồ ăn khất thực tốt nhất! Mong rằng Tỷ-kheo khác tại chỗ ăn không được chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, đồ ăn khất thực tốt nhất!” Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: một Tỷ-kheo khác tại chỗ ăn được chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, đồ ăn khất thực tốt nhất; còn Tỷ-kheo ấy tại chỗ ăn không được chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, đồ ăn khất thực tốt nhất. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: “Một Tỷ-kheo khác tại chỗ ăn được chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, đồ ăn khất thực tốt nhất. Tại chỗ ăn, ta không được chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, đồ ăn khất thực tốt nhất”. Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.

Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: “Mong rằng tại chỗ ăn sau khi ăn xong, ta sẽ thuyết tùy hỷ pháp, không phải Tỷ-kheo khác tại chỗ ăn, sau khi ăn xong, sẽ thuyết tùy hỷ pháp!” Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: một Tỷ-kheo khác tại chỗ ăn, sau khi ăn xong, thuyết tùy hỷ pháp; Tỷ-kheo ấy tại chỗ ăn, sau khi ăn xong, không thuyết tùy hỷ pháp. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: “Một Tỷ-kheo khác tại chỗ ăn, sau khi ăn xong, thuyết tùy hỷ pháp. Ta tại chỗ ăn, sau khi ăn xong, không thuyết tùy hỷ pháp”. Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.

Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: “Mong rằng, ta sẽ thuyết pháp cho các Tỷ-kheo tụ tập tại ngôi tịnh xá, chớ không phải một Tỷ-kheo khác thuyết pháp cho các Tỷ-kheo tụ tập tại ngôi tịnh xá!” Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: một Tỷ-kheo khác thuyết pháp cho các Tỷ-kheo tụ tập tại ngôi tịnh xá; còn Tỷ-kheo ấy không thuyết pháp cho các Tỷ-kheo tụ tập tại ngôi tịnh xá. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: “Một Tỷ-kheo khác thuyết pháp cho các Tỷ-kheo tụ tập tại ngôi tịnh xá, còn ta không thuyết pháp cho các Tỷ-kheo tụ tập tại ngôi tịnh xá”. Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.

Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: “Mong rằng, ta sẽ thuyết pháp cho các Tỷ-kheo-ni tụ tập tại ngôi tịnh xá,… (như trên)… ta sẽ thuyết pháp cho các Nam cư sĩ… ta sẽ thuyết pháp cho các Nữ cư sĩ tụ tập tại ngôi tịnh xá, chớ không phải một Tỷ-kheo khác thuyết pháp cho các Nữ cư sĩ tụ tập tại ngôi tịnh xá!” Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: một Tỷ-kheo khác thuyết pháp cho các Nữ cư sĩ tụ tập tại ngôi tịnh xá; còn Tỷ-kheo ấy không thuyết pháp cho các Nữ cư sĩ tụ tập tại ngôi tịnh xá. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: “Một Tỷ-kheo khác thuyết pháp cho các Nữ cư sĩ tụ tập tại ngôi tịnh xá; còn ta không thuyết pháp cho các Nữ cư sĩ tụ tập tại ngôi tịnh xá”. Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.

Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: “Mong rằng các Tỷ-kheo cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường ta; các vị Tỷ-kheo chớ có cung kính, tôn trọng, lễ bái cúng dường một Tỷ-kheo khác!” Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: các Tỷ-kheo cung kính, tôn trọng lễ bái, cũng dường một Tỷ-kheo khác, các Tỷ-kheo không cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường Tỷ-kheo ấy. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: “Các Tỷ-kheo cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường một Tỷ-kheo khác chớ không cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường ta”. Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.

Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo khởi lên ý muốn như sau: “Mong rằng các Tỷ-kheo-ni… (như trên)… các Nam cư sĩ… (như trên)… các Nữ cư sĩ cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường ta. Các Nữ cư sĩ không cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường một Tỷ-kheo khác!” Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: các Nữ cư sĩ cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường một Tỷ-kheo khác, các Nữ cư sĩ không cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường Tỷ-kheo ấy. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: “Các Nữ cư sĩ cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường một Tỷ-kheo khác; các Nữ cư sĩ không cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường ta”. Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.

Này Hiền giả, sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: “Mong rằng ta nhận được các y phục tối thắng, Tỷ-kheo khác không nhận được các y phục tối thắng!” Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: một Tỷ-kheo khác nhận được các y phục tối thắng, Tỷ-kheo ấy không nhận được các y phục tối thắng. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: “Một Tỷ-kheo khác nhận được các y phục tối thắng; ta không nhận được các y phục tối thắng”. Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.

Này Hiền giả sự tình này xảy ra, ở đây, một Tỷ-kheo có thể khởi lên ý muốn như sau: “Mong rằng ta nhận được các đồ ăn khất thực tối thắng… (như trên)… các sàng tọa tối thắng, các dược phẩm trị bịnh tối thắng. Tỷ-kheo khác không nhận được các dược phẩm trị bịnh tối thắng!” Này Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra: một Tỷ-kheo khác nhận được các dược phẩm trị bịnh tối thắng, còn Tỷ-kheo ấy không nhận được các dược phẩm trị bịnh tối thắng”. Tỷ-kheo này nghĩ rằng: “Một Tỷ-kheo khác nhận được các dược phẩm trị bịnh tối thắng; còn ta không nhận được các dược phẩm trị bịnh tối thắng”. Do đó, vị này trở thành phẫn nộ và bất mãn. Này Hiền giả, phẫn nộ và bất mãn, cả hai thuộc về cấu uế.

Này Hiền giả, các ác bất thiện pháp, cảnh giới của dục này là đồng nghĩa cái gọi là cấu uế.

Này Hiền giả, đối với Tỷ-kheo nào, các ác, bất thiện pháp, cảnh giới của dục này còn được thấy và nghe là chưa được diệt trừ, nếu Tỷ-kheo ấy là vị sống trong rừng núi, tại các trú xứ xa vắng, sống hạnh khất thực, thứ lớp khất thực từng nhà một, theo hạnh mang phấn tảo y, mặc y phục thô xấu, thời các đồng phạm hạnh không cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường Tỷ-kheo ấy. Vì sao vậy? Vì các bậc Tôn giả này còn được thấy và còn được nghe các ác, bất thiện pháp, cảnh giới dục của Tỷ-kheo chưa được diệt trừ.

Này Hiền giả, ví như một bát bằng đồng, mang từ chợ về hay từ nhà người thợ rèn về, bát ấy thanh tịnh, sạch sẽ. Nhưng người chủ của bát ấy đựng đầy bát với xác rắn, xác chó hay xác người, đậy lại với một cái bát đồng khác rồi mang về hàng chợ lại. Có người thấy vậy bèn hỏi: “Bạn mang cái gì có vẻ đẹp đẽ ngon lành vậy?” Khi cầm cái bát lên, mở ra và nhìn vào, thì với người ấy, không ưa thích khởi lên, sự ghê tởm khởi lên, và sự yếm ố khởi lên. Những người đói còn chưa muốn ăn các thứ ấy, huống nữa là những người đã no.

Này Hiền giả, đối với Tỷ-kheo nào, các ác, bất thiện pháp, cảnh giới của dục này còn được thấy và được nghe là chưa được diệt trừ, nếu Tỷ-kheo ấy là vị sống trong rừng núi, tại các trú xứ xa vắng, sống hạnh khất thực, thứ lớp khất thực từng nhà một, theo hạnh mang phấn tảo y, mặc y phục thô xấu, thời các đồng phạm hạnh không cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường Tỷ-kheo ấy. Vì sao vậy? Vì các bậc Tôn giả này còn được thấy và còn được nghe các ác, bất thiện pháp, cảnh giới của dục này là chưa được diệt trừ.

Này Hiền giả, đối với Tỷ-kheo nào mà các ác, bất thiện pháp, cảnh giới của dục này được thấy và được nghe là đã diệt trừ, nếu Tỷ-kheo ấy sống gần làng mạc, chấp nhận biệt thỉnh thực, mang y người gia chủ cúng, thời các đồng phạm hạnh cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường vị Tỷ-kheo ấy. Vì sao vậy? Vì các bậc Tôn giả này được thấy và được nghe các ác, bất thiện pháp, cảnh giới của dục của vị Tỷ-kheo ấy đã được diệt trừ.

Này Hiền giả, ví như một bát đồng, mang từ hàng chợ về hay từ nhà người thợ rèn về, bát ấy thanh tịnh, sạch sẽ. Người chủ cái bát ấy dựng đầy với gạo ngon, cơm lành, các hột đen đã lấy ra, các loại đồ ăn, đậy lại với một bát đồng khác rồi mang về hàng chợ lại. Các người thấy vậy bèn hỏi: “Bạn mang cái gì có vẻ đẹp đẽ ngon lành vậy?” Khi cầm cái bát lên, mở ra và nhìn vào, thì đối với người ấy, ưa thích khởi lên, sự không ghê tởm khởi lên, sự không yếm ố khởi lên. Người no còn muốn ăn các thứ ấy huống nữa là người đói.

Này Hiền giả, cũng vậy, đối với vị Tỷ-kheo nào, mà các ác, bất thiện pháp, cảnh giới của dục này được thấy và được nghe là đã diệt trừ, nếu Tỷ-kheo ấy sống ở biên giới gần làng mạc, chấp nhận biệt thỉnh thực, mang y người gia chủ cúng, thời các đồng phạm hạnh cung kính, tôn trọng lễ bái cúng dường Tỷ-kheo ấy. Vì sao vậy? Vì các bậc Tôn giả này được thấy và được nghe các ác, bất thiện pháp cảnh giới của dục này đã được diệt trừ.

Ðược nghe nói vậy, Tôn giả Mahamoggallana thưa với Tôn giả Sariputta:

— Hiền giả Sariputta, một ví dụ khởi lên cho tôi!

— Hiền giả Moggallana, hãy nói lên ví dụ ấy.

— Hiền giả, một thời tôi ở thành Vương Xá, tại Giribbaja. Này Hiền giả, rồi tôi đắp y vào buổi sáng, mang theo y bát, vào thành Vương Xá để khất thực. Lúc bấy giờ, Samiti, con một người làm xe, đang đẽo một vành xe, và tà mạng ngoại đạo Panduputta, trước là con của một người làm xe, đang đứng một bên. Rồi tà mạng ngoại đạo Panduputta trước là con một người làm xe, khởi lên ý nghĩ như sau: “Mong rằng Samiti, con người thợ xe, hãy đẽo đường cong này, đường méo này và các mắt gỗ này, để vành xe này không có cong, không có đường méo, không có mắt gỗ, được trơn tru và được đặt vào trong trục chính”. Này Hiền giả, tà mạng ngoại đạo Panduputta, trước là con một người làm xe suy nghĩ như thế nào, thời đúng như vậy, Samiti, con người làm xe, đẽo đường cong này, đường méo này và các mắt gỗ này của vành xe ấy. Này Hiền giả, tà mạng ngoại đạo Panduputta trước là con người làm xe, hoan hỷ nói lên lời hoan hỷ như sau: “Hình như người này đang đẽo (vành xe ấy) như là với tâm của anh ta, anh ta biết tâm ta vậy”.

Này Hiền giả, những ai không có lòng tin, vì mục đích sinh sống, không phải vì lòng tin mà xuất gia, sống đời sống vô gia đình, những vị gian ngụy, xảo trá, khi cuống, trạo cử, kiêu mạn, dao động, lắm lời, tạp thoại, không hộ trì các căn, không tiết độ trong ăn uống, không chú tâm cảnh giác, không tha thiết với hạnh Sa-môn, không nhiệt thành tôn trọng Phật pháp, ưa sống sung túc, biếng nhác, dẫn đầu về đọa lạc, chối bỏ trọng trách sống viễn ly, giải đãi không tinh tấn, lãng quên không chú niệm, không định tâm, tâm tán loạn, liệt tuệ, đần độn. Tôn giả Sariputta với pháp môn này, như là với tâm của Tôn giả, Tôn giả biết tâm của những hạng người ấy.

Những kẻ Thiện nam tử, do lòng tin, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; những vị nào không gian ngụy, không xảo trá, không khi cuống, không trạo cử, không kiêu mạn, không dao động, không lắm lời, không tạp thoại, hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác, tha thiết với hạnh Sa-môn, nhiệt thành tôn trọng Phật pháp, không sống trong sung túc, không biếng nhác, bỏ rơi gánh nặng về đọa lạc, dẫn đầu về viễn ly, tinh cần, tinh tấn, nỗ lực, chú tâm cảnh giác, định tâm, nhất tâm, có trí tuệ, không đần độn. Những vị này sau khi nghe pháp môn này của Tôn giả Sariputta, hình như đang uống, hình như đang nếm với lời nói và tâm ý. Thật lành thay, một vị Tôn giả đồng phạm hạnh đã khiến cho vượt khỏi bất thiện và an trú vào chánh thiện!

Này Hiền giả, ví như một người đàn bà hay người đàn ông, còn đang tuổi trẻ, tánh ưa trang sức, sau khi gội đầu xong, sau khi được một vòng hoa sen xanh hay một vòng vũ sanh hoa, hay một vòng thiện tư hoa, dùng hai tay cầm lấy vòng hoa ấy và đặt trên đỉnh đầu. Này Hiền giả, cũng vậy những Thiện nam tử vì lòng tin đã xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, không gian ngụy… (như trên)… Thật lành thay một Tôn giả đồng phạm hạnh đã khiến cho vượt khỏi bất thiện và an trú vào chánh thiện!

Như vậy hai vị cao đức ấy cùng nhau thiện thuyết, cùng nhau tùy hỷ.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Advertisement

Trung Bộ Kinh (Phẩm Số 4) – Kinh Sợ hãi khiếp đảm

Trung Bộ Kinh – Phẩm Số 4

Kinh Sợ hãi khiếp đảm
(Bhayabherava sutta)

Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Rồi Bà-la-môn Janussoni đến chỗ Thế Tôn ở, khi đến xong, nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Janussoni bạch Thế Tôn:

— Tôn giả Gotama, có những Thiện nam tử, vì lòng tin Tôn giả Gotama, đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Ðối với những vị này, Tôn giả Gotama là vị lãnh đạo. Ðối với những vị này, Tôn giả Gotama giúp ích rất nhiều. Ðối với những vị này, Tôn giả Gotama là vị khích lệ sách tấn. Các vị này chấp nhận tuân theo quan điểm của Tôn giả Gotama.

— Này Bà-la-môn, thật sự là vậy. Này Bà-la-môn, thật sự là vậy. Này Bà-la-môn, có những Thiện nam tử, vì lòng tin nơi Ta, đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Ta là vị lãnh đạo của họ. Ta đã giúp ích rất nhiều cho họ. Ta là vị khích lệ sách tấn cho họ. Và các vị này chấp nhận tuân theo quan điểm của Ta.

— Tôn giả Gotama, thật khó kham nhẫn những trú xứ xa vắng trong rừng núi hoang vu! Thật khó khăn đời sống viễn ly! Thật khó thưởng thức đời sống độc cư! Con nghĩ rằng rừng núi làm rối loạn tâm trí vị Tỷ-kheo chưa chứng Thiền định.

— Này Bà-la-môn, thật sự là vậy. Này Bà-la-môn, thật sự là vậy. Này Bà-la-môn, thật khó kham nhẫn những trú xứ xa vắng trong rừng núi hoang vu! Thật khó khăn, đời sống viễn ly! Thật khó thưởng thức đời sống độc cư! Ta nghĩ rằng rừng núi làm rối loạn tâm trí vị Tỷ-kheo chưa chứng Thiền định.

Này Bà-la-môn, xưa kia khi Ta chưa chứng ngộ chánh đẳng giác, khi còn là Bồ-tát, Ta nghĩ như sau: “Thật khó kham nhẫn những trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu! Thật khó khăn, đời sống viễn ly! Thật khó thưởng thức đời sống độc cư! Ta nghĩ rằng rừng núi làm rối loạn tâm trí vị Tỷ-kheo chưa chứng Thiền định!”

Này Bà-la-môn, rồi Ta suy nghĩ: “Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, thân nghiệp không thanh tịnh, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu, do nguyên nhân nhiễm trước, thân nghiệp không thanh tịnh, những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện khởi lên. Ta không có thân nghiệp không thanh tịnh, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu. Thân nghiệp Ta thanh tịnh. Ta là một trong những bậc Thánh, với thân nghiệp thanh tịnh, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu”. Này Bà-la-môn, Ta tự quán sát thân nghiệp hoàn toàn thanh tịnh này, tự cảm thấy lòng tự tin được xác chứng hơn, khi sống trong rừng núi.

Này Bà-la-môn, tùy thuộc vấn đề này, Ta suy nghĩ như sau: “Những Sa-môn, hay Bà-la-môn nào, có khẩu nghiệp không thanh tịnh… (như trên)… có ý nghiệp không thanh tịnh… (như trên)… có mạng sống không thanh tịnh sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu, do nguyên nhân nhiễm trước mạng sống không thanh tịnh, những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện khởi lên. Ta không có mạng sống không thanh tịnh, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu. Mạng sống Ta thanh tịnh. Ta là một trong những bậc Thánh, với mạng sống thanh tịnh, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu”. Này Bà-la-môn, Ta tự quán sát mạng sống hoàn toàn thanh tịnh này, tự cảm thấy lòng tự tin được xác chứng hơn, khi sống trong rừng núi.

Này Bà-la-môn, tùy thuộc vấn đề này, Ta suy nghĩ như sau: “Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào tham dục, có ái dục cường liệt, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu, do nguyên nhân nhiễm trước tham dục, có ái dục cường liệt, những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện khởi lên. Ta không có tham dục, ái dục cường liệt, sống tại các trú xứ xa vắng trong rừng núi hoang vu. Ta không có tham dục, Ta là một trong những bậc Thánh, không có tham dục, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu”. Này Bà-la-môn, Ta tự quán sát Ta không có tham dục như vậy, tự cảm thấy lòng tự tin được xác chứng hơn, khi sống trong rừng núi.

Này Bà-la-môn, tùy thuộc vấn đề này, Ta suy nghĩ như sau: “Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có tâm sân hận ác ý, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu, do nguyên nhân nhiễm trước, có tâm sân hận ác ý, những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện khởi lên. Ta không có tâm sân hận, ác ý, sống tại các trú xứ xa vắng trong rừng núi hoang vu. Ta có từ tâm. Ta là một trong những bậc Thánh có từ tâm, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu”. Này Bà-la-môn, Ta tự quán sát Ta có từ tâm như vậy, Ta cảm thấy lòng tự tin được xác chứng hơn, khi sống trong rừng núi.

Này Bà-la-môn, tùy thuộc vấn đề này, Ta suy nghĩ như sau: “Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào bị hôn trầm thụy miên chi phối, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu, do nguyên nhân nhiễm trước bị hôn trầm thụy miên chi phối, những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện khởi lên. Ta không bị hôn trầm thụy miên chi phối, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu. Ta không có hôn trầm thụy miên. Ta là một trong những bậc Thánh không có hôn trầm thụy miên, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu”. Này Bà-la-môn, Ta tự quán sát Ta không có hôn trầm thụy miên như vậy, tự cảm thấy lòng tự tin được xác chứng hơn, khi sống trong rừng núi.

Này Bà-la-môn, tùy thuộc vấn đề này, Ta suy nghĩ như sau: “Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào dao động, tâm không an tịnh, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu, do nguyên nhân nhiễm trước bị dao động, tâm không an tịnh, những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện khởi lên. Ta không có dao động, tâm không phải không an tịnh, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu. Ta không có dao động, tâm được an tịnh. Ta là một trong những bậc Thánh không có dao động, tâm được an tịnh, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu”. Này Bà-la-môn, Ta tự quán sát tâm Ta được an tịnh như vậy, tự cảm thấy lòng tự tin được xác chứng hơn, khi sống trong rừng núi.

Này Bà-la-môn, tùy thuộc vấn đề này, Ta suy nghĩ như sau: “Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào nghi hoặc, do dự, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu, do nguyên nhân nhiễm trước nghi hoặc, do dự, những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện khởi lên. Ta không có nghi hoặc, do dự, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu. Ta diệt trừ được do dự. Ta là một trong những bậc Thánh diệt trừ được nghi hoặc, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu”. Này Bà-la-môn, Ta tự quán sát tâm Ta diệt trừ được nghi hoặc như vậy, tự cảm thấy lòng tự tin được xác chứng hơn, khi sống trong rừng núi.

Này Bà-la-môn, tùy thuộc vấn đề này, Ta suy nghĩ như sau: “Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào khen mình, chê người sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu, do nguyên nhân nhiễm trước khen mình, chê người, những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện khởi lên. Ta không có khen mình, chê người, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu. Ta không có khen mình, không có chê người, Ta là một trong những bậc Thánh không có khen mình, không có chê người, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu”. Này Bà-la-môn, Ta tự quán sát tâm Ta không có khen mình, không có chê người như vậy, tự cảm thấy lòng tự tin được xác chứng hơn, khi sống trong rừng núi.

Này Bà-la-môn, tùy thuộc vấn đề này, Ta suy nghĩ như sau: “Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào run rẩy, sợ hãi sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu, do nguyên nhân nhiễm trước run rẩy, sợ hãi, những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện khởi lên. Ta không có run rẩy, sợ hãi, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu. Ta không có lông tóc dựng ngược, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu”. Này Bà-la-môn, Ta tự quán sát Ta không có lông tóc dựng ngược, Ta là một trong những bậc Thánh, không có lông tóc dựng ngược như vậy, tự cảm thấy lòng tự tin được xác chứng hơn, khi sống trong rừng núi.

Này Bà-la-môn, tùy thuộc vấn đề này, Ta suy nghĩ như sau: “Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào ham muốn lợi dưỡng, cung kính, danh vọng, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu, do nguyên nhân nhiễm trước ham muốn lợi dưỡng, cung kính, danh vọng, những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện khởi lên. Ta không có ham muốn lợi dưỡng, cung kính, danh vọng, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu. Ta là người ít dục. Ta là một trong những bậc Thánh ít dục, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu”. Này Bà-la-môn, Ta tự quán sát Ta là người ít dục như vậy, tự cảm thấy lòng tự tin được xác chứng hơn, khi sống trong rừng núi.

Này Bà-la-môn, tùy thuộc vấn đề này, Ta suy nghĩ như sau: “Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào biếng nhác, kém tinh tấn, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu, do nguyên nhân nhiễm trước biếng nhác, kém tinh tấn, những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện khởi lên. Ta không có biếng nhác, kém tinh tấn, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu. Ta siêng năng, tinh tấn. Ta là một trong những bậc Thánh siêng năng, tinh tấn, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu”. Này Bà-la-môn, Ta tự quán sát Ta siêng năng, tinh tấn như vậy, tự cảm thấy lòng tự tin được xác chứng hơn, khi sống trong rừng núi.

Này Bà-la-môn, tùy thuộc vấn đề này, Ta suy nghĩ như sau: “Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào thất niệm, không tỉnh giác, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu, do nguyên nhân nhiễm trước thất niệm, không tỉnh giác, những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện khởi lên. Ta không có thất niệm, không phải không tỉnh giác, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu. Ta an trú niệm. Ta là một trong những bậc Thánh an trú niệm, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu”. Này Bà-la-môn, Ta tự quán sát Ta an trú niệm như vậy, tự cảm thấy lòng tự tin được xác chứng hơn, khi sống trong rừng núi.

Này Bà-la-môn, tùy thuộc vấn đề này, Ta suy nghĩ như sau: “Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không định tĩnh, tâm bị tán loạn, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu, do nguyên nhân nhiễm trước không định tĩnh, tâm bị tán loạn, những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện khởi lên. Ta được định tĩnh, tâm không bị tán loạn sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu. Ta thành tựu định tâm. Ta là một trong những bậc Thánh thành tựu định tâm, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu”. Này Bà-la-môn, Ta tự quán sát Ta thành tựu định tâm như vậy, từ cảm thấy lòng tự tin được xác chứng hơn, khi sống trong rừng núi.

Này Bà-la-môn, tùy thuộc vấn đề này, Ta suy nghĩ như sau: “Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào liệt tuệ, đần độn, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu. Do nguyên nhân nhiễm trước liệt tuệ, đần độn, những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện khởi lên. Ta không có liệt tuệ, đần độn, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu. Ta thành tựu trí tuệ. Ta là một trong những bậc Thánh thành tựu trí tuệ, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu”. Này Bà-la-môn, Ta tự quán sát Ta thành tựu trí tuệ như vậy, tự cảm thấy lòng tự tin được xác chứng hơn, khi sống trong rừng núi.

Này Bà-la-môn, tùy thuộc vấn đề này, Ta suy nghĩ như sau: “Trong những đêm được biết đến, được xác định, đêm mười bốn, đêm mười lăm, đêm mồng tám mỗi nửa tháng, trong những đêm như vậy, Ta hãy đến ở tại các trú xứ hãi hùng, lông tóc dựng ngược, như tự miếu tại các thảo viên, tự miếu tại các rừng núi, tự miếu tại các cây cối, để Ta có thể thấy sự sợ hãi khiếp đảm ấy”. Này Bà-la-môn, sau một thời gian, trong những đêm được biết đến, được xác định, đêm mười bốn, đêm mười lăm, đêm mồng tám mỗi nữa tháng, trong những đêm như vậy, Ta đến ở tại các trú xứ hãi hùng, lông tóc dựng ngược như vậy, như tự miếu tại các thảo viên, tự miếu tại các rừng núi, tự miếu tại các cây cối. Này Bà-la-môn, trong khi ta ở tại các chỗ ấy, một con thú có thể đến, hay một con công làm rơi một cành cây, hay gió làm rung động các lá rơi; Ta khởi lên ý nghĩ: “Nay sự sợ hãi khiếp đảm ấy đã đến!”. Này Bà-la-môn, rồi Ta suy nghĩ: “Sao Ta ở đây, chỉ để mong đợi sự sợ hãi khiếp đảm chớ không gì khác? Trong bất cứ hành vi cử chỉ nào của Ta mà sợ hãi khiếp đảm ấy đến, trong hành vi cử chỉ ấy, Ta hãy trừ diệt sợ hãi khiếp đảm ấy”.

Này Bà-la-môn trong khi Ta đi kinh hành qua lại mà sợ hãi khiếp đảm ấy đến, thì này Bà-la-môn, Ta không đứng, Ta không ngồi, Ta không nằm, nhưng Ta trừ diệt sợ hãi khiếp đảm ấy trong khi Ta đi kinh hành qua lại. Này Bà-la-môn, trong khi Ta đang đứng mà sự sợ hãi khiếp đảm ấy đến, thì này Bà-la-môn, Ta không kinh hành qua lại, Ta không ngồi, Ta không nằm, nhưng Ta trừ diệt sợ hãi khiếp đảm ấy trong khi Ta đang đứng. Này Bà-la-môn, trong khi Ta đang ngồi mà sợ hãi khiếp đảm ấy đến, thì này Bà-la-môn, Ta không nằm, Ta không đứng, Ta không kinh hành qua lại, nhưng Ta trừ diệt sợ hãi khiếp đảm ấy trong khi Ta đang ngồi. Này Bà-la-môn, trong khi Ta đang nằm mà sợ hãi khiếp đảm ấy đến, thì này Bà-la-môn, Ta không ngồi, Ta không đứng, Ta không kinh hành qua lại, nhưng Ta trừ diệt sợ hãi khiếp đảm ấy trong khi Ta đang nằm.

Này Bà-la-môn, có một số Sa-môn, Bà-la-môn nghĩ rằng ngày giống như đêm, nghĩ rằng đêm giống như ngày. Như vậy, Ta nói rằng những Sa-môn, Bà-la-môn ấy sống trong si ám. Này Bà-la-môn, Ta nghĩ rằng đêm là đêm, nghĩ rằng ngày là ngày. Này Bà-la-môn, ai nói một cách chơn chánh sẽ nói như sau: “Vị hữu tình nào không có si ám, sinh ra ở đời vì hạnh phúc cho muôn loài, vì an lạc cho muôn loài, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người. Vị ấy khi nói một cách chân chánh về Ta sẽ nói như sau: “Là vị hữu tình không có si ám, sinh ra ở đời vì hạnh phúc cho muôn loài, vì an lạc cho muôn loài, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người”.

Này Bà-la-môn, Ta tinh cần, tinh tấn, không lười biếng. Ta an trú chánh niệm, không có loạn, thân được khinh an, không có dao động, tâm được định tĩnh, chuyên nhất.

Này Bà-la-môn, Ta ly dục, ly các ác pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ.

Diệt tầm, diệt tứ, Ta chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm.

Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, Ta chứng và an trú Thiền thứ ba.

Xả lạc và xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, Ta chứng và an trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng trí. Ta nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Ta nhớ rằng: “Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, các món ăn như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra tại chỗ này. Tại chỗ này, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, các món ăn như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ này, Ta được sanh ra ở đây”. Như vậy Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.

Này Bà-la-môn, trong đêm canh đầu Ta chứng được minh thứ nhất, vô minh diệt, minh sanh; bóng tối diệt, ánh sáng sanh, trong khi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến sanh tử trí về chúng sanh. Ta với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống và sự chết của chúng sanh. Ta tuệ tri rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh làm những ác hạnh về thân, ác hạnh về lời nói, ác hạnh về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh nào thành tựu những thiện hạnh về thân, thành tựu những thiện hạnh về lời nói, thành tựu những thiện hạnh về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi Trời, trên đời này. Như vậy với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, Ta thấy sự sống chết của chúng sanh. Ta tuệ tri rằng, chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ.

Này Bà-la-môn, trong đêm canh giữa, Ta chứng được minh thứ hai, vô minh diệt, minh sanh; bóng tối diệt, ánh sáng sanh, trong khi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Ta thắng tri như thật: “Ðây là khổ”, thắng tri như thật: “Ðây là nguyên nhân của khổ”, thắng tri như thật: “Ðây là khổ diệt”, thắng tri như thật: “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”, thắng tri như thật: “Ðây là những lậu hoặc”, thắng tri như thật: “Ðây là nguyên nhân các lậu hoặc”, thắng tri như thật: “Ðây là các lậu hoặc diệt”, thắng tri như thật: “Ðây là con đường đưa đến các lậu hoặc diệt”.

Nhờ biết như vậy, nhờ thấy như vậy, tâm của Ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên trí hiểu biết: Ta đã giải thoát. Ta đã thắng tri: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

Này Bà-la-môn trong đêm canh ba, Ta chứng được minh thứ ba, vô minh diệt, minh sanh; bóng tối diệt, ánh sáng sanh, trong khi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

Này Bà-la-môn, Ông có thể có tư tưởng như sau: “Nay Sa-môn Gotama chưa diệt trừ tham, chưa diệt trừ sân, chưa diệt trừ si, nên sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu”. Này Bà-la-môn, chớ có hiểu như vậy. Do Ta quán sát hai mục đích mà Ta sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu. Tự thấy sự hiện tại lạc trú và vì lòng thương tưởng chúng sanh trong tương lai.

— Chúng sanh trong tương lai được Tôn giả Gotama thương tưởng, vì Tôn giả là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!… Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Con quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử; từ này trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

KINH 197. THỊ HIỆN [37]

 

 

Tôi nghe như vầy: Một thời, Phật trú trong Chi-đề Thị-lợi-sa, tại Già-xà[38], cùng với một ngàn vị Tỳ-kheo mà trước kia là những Bà-la-môn bện tóc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn vì một ngàn vị Tỳ-kheo thị hiện ba sự giáo hóa[39]. Những gì là ba? Đó là, thị hiện thần túc biến hóa, thị hiện tha tâm, thị hiện giáo giới.

Thị hiện thần túc là, Đức Thế Tôn tùy theo sự thích hợpï mà thị hiện nhập thiền định chánh thọ[40]; vượt qua hư không đến phương Đông hiện bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi; vào hỏa tam-muội[41], rồi cho ra ánh lửa màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, pha lê; cả nước, lửa đều hiện; hoặc dưới thân ra lửa, trên thân ra nước, hoặc trên thân ra lửa, dưới thân ra nước, bốn phía chung quanh lại cũng như vậy. Thế Tôn sau khi thị hiện thần biến rồi, trở lại ngồi giữa đại chúng, đó gọi là thị hiện thần túc.

Thị hiện tha tâm là, như tâm người kia, tự thân an trú và chứng nghiệm, biết rằng ý của người kia như vậy, thức của người kia như vậy, người kia đang nghĩ như vậy, hay không đang nghĩ như vậy, đang xả như vậy. Đó gọi là thị hiện tha tâm.

Thị hiện giáo giới là, như Thế Tôn nói: ‘Này các Tỳ-kheo, tất cả bị thiêu đốt[42]. Thế nào tất cả bị thiêu đốt? Mắt bị thiêu đốt. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc và thọ với cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, hay cảm thọ không khổ không lạc, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, tất cả đều bị thiêu đốt. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, bị thiêu đốt; pháp, ý thức, ý xúc và thọ với cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, hay cảm thọ không khổ không lạc, phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc tất cả cũng bị thiêu đốt. Bị cái gì thiêu đốt? Bị lửa tham thiêu đốt, lửa nhuế thiêu đốt, lửa si thiêu đốt, lửa sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não thiêu đốt.”

Bấy giờ, một ngàn vị Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, không còn khởi lên các lậu hoặc, tâm được giải thoát.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

 

Bài Thứ 6: Lục Ðộ


Thứ nhất: Bố Thí Ba La Mật

  Mở Ðề 

Ðạo Phật thường được gọi là Ðạo Từ bi, vì tình thương trong Ðạo Phật rất bao la, sâu rộng. Ðức Phật tổ vì từ bi mà xuất gia để tìm đạo cứu khổ cho chúng sinh. Vậy người Phật tử, khi noi theo dấu chân Phật, cũng phải lấy từ bi làm động tác chính cho sự tu hành của mình.

Nhưng làm thế nào để thể hiện được lòng từ bi và làm cho nó tăng trưởng? Phương pháp mầu nhiệm nhất là thực hành pháp môn Bố thí Ba la mật, một trong sáu pháp môn (lục độ) mà đức Phật đã chế ra cho kẻ tu hành có tâm trí rộng lớn thực hành để độ mình và độ người ra khỏi biển sanh tử luân hồi và đến bờ giác ngộ.

 

  1. Chánh Ðề 
  2. Ðịnh Nghĩa 

Bố thí là cùng khắp: Thí là cho, là trao tặng. Bố thí là cho cùng khắp, cho tất cả mọi người, mọi vật, mọi nơi.

Ba la mật nguyên âm tiếng Phạn là Paramita. Người Trung hoa dịch nghĩa là “Bỉ ngạn đáo”, nói theo tiếng Việt là “đến bờ bên kia”.

Bố thí Ba la mật, tức là một môn tu hành bằng phương pháp bố thí, có công năng như một chiếc thuyền, đưa mình và người từ bờ mê lầm của chúng sinh sang bờ giác ngộ của chư Phật.

 

  1. Thành Phần Của Bố Thí Ba La Mật  

Bố thí Ba la mật gồm các loại sau đây: Tài thí, Vô úy thí. Dưới đây chúng ta lần lượt tìm hiểu ý nghĩa của các loại bố thí ấy:

  1. Tài thí. Tài thí tức là đem tiền bạc, của cải, vật thực của mình ra cho. Tài thí có hai loại:
  2. a) Nội tài. Là những vật chí thân quí báu nhất của mình như thân mạng, đời sống của mình. Thí nội tài ở đây tức là hy sinh thân mạng để cứu vớt kẻ khác ra khỏi nguy nan. Trong các chuyện tiền thân của đức Phật Thích Ca, chúng ta đã thấy nhiều gương thí nội tài, như cấu chuyện Ngài lái buôn kia, trong khi đi biển bị thuyền chìm đã tự hy sinh thân mạng bằng cách buông tay khỏi cột buồm mà mình đang bám vào, để nhường chỗ cho những hành khách xấu số khác khỏi chết đuối.

Thí nội tài là một cử chỉ hy sinh cao đẹp nhất mà chỉ những người giàu lòng từ bi, bác ái mới làm được. Nếu còn xem thân mạng mình là quý, là trọng hơn thân mạng kẻ khác thì chắc chắn không bao giờ thực hiện được loại bố thí này.

  1. b) Ngoài tài. Ngoại tài là những vật thường dùng của mình như thức ăn đồ mặc, tiền bạc, xe cộ, ruộng vườn, nhà cửa v.v…Ðem những vật ấy ra cho những người túng thiếu, nghèo khổ thì gọi là thí ngoại tài.
  2. Pháp thí. Ðem lời hay, lẽ phải, những chân lý đúng đắn, những lời dạy quí báu của đức Phật để chỉ bày, khuyên bảo người khác; hoặc y theo giới luật của Phật tu hành thành thật để làm khuôn mẫu cho người bắt chước, bỏ dữ theo lành, cải tà quy chánh đều là pháp thí. Pháp thí có một giá trị rất lớn lao hơn cả tài thí, và tài thí chỉ giúp người khác đở túng thiếu về phương diện vật chất trong một thời gian, hay nhiều nhất là cứu giúp một đời người. Nhưng pháp thí giúp đỡ người rất nhiều về phương diện tinh thần, không riêng gì đối với người nghèo khó, mà cả người giàu sang, chức tước; không phải chỉ có ảnh hưởng tốt trong một giai đoạn, mà gieo nhân lành cho nhiều đời kiếp về sau. Vì những lẽ đó, nên người Phật tử chân chính, không bao giờ bỏ mất một dịp nào mà không làm pháp thí, cả về phương diện khẩu giáo (dùng lời lẽ đúng Phật pháp để chỉ dạy, lẫn phương diện thân giáo (dùng đời sống chân chính hợp đạo để chỉ dạy).
  3. Vô úy thí. Vô úy nghĩa là không sợ. Vô úy thí là làm cho người khác không sợ, hết sợ. Phép thí này mới nghe thì tưởng như là không quan trọng gì cả. Nhữnh nếu suy nghĩ một cách chín chắn, chúng ta sẽ thấy đức Phật thật vô cùng thâm thúy khi chế ra pháp thí này.

Chúng ta hãy nghĩ lại mà xem, có phải trong một đời người, cái sợ đã chiếm nữa cuộc đời rồi không? Khi nhỏ chúng ta sợ la rầy, sợ đánh đập, sợ ma quỉ…khi tráng niên sợ thiếu ăn, thiếu mặc, sợ giặc, sợ thiếu công danh, sự nghiệp; khi già sợ đau, sợ ốm, sợ già, sợ chết…Chỉ toàn sợ và sợ. Ðó là chưa nói đến gặp thời buổi loạn lạc, còn phải sợ sưu cao, thuế nặng, sợ quan tham, lại nhũng, sợ trộm cướp, lưu manh, sợ tù, sợ tội, sợ chém, sợ giết…Bao nhiêu thứ sợ chồng chất lên đầu người, làm cho họ không dám ngửng lên, lưng họ còm xuống, đầu gối họ sắp quỵ. Muốn có một hình ảnh tượng trưng cho sự sợ hãi, thì hãy lấy hình ảnh của người dân quê Việt nam trong thời Pháp thuộc thì rõ: Hai tay họ sẵn sàng chắp lạy, mắt không dám nhìn lên, lưng còng xuống và hai đầu gối sẵn sàng để quỳ xuống mỗi khi nghe tiếng nạt của ông quan hay ông thực dân hống hách.

Ðời sống đã khổ, lại càng khổ thêm vì sợ. Cho nên làm cho người hết sợ, chính là đã cứu cho họ bớt đi quá nửa khổ đau trong kiếp sống. Lòng từ bi của đức Phật không nở thấy chúng sinh khổ sở vì sợ, nên đã chế ra phép thí vô úy.

Muốn thực hành pháp môn này, hành giả trước tiên phải luyện cho mình một đức tính đừng sợ gì cả. Mà kẻ tu hành chân chính, hiểu rõ giáo lý của Phật, thì còn sợ nỗi gì? Tiền của, họ không tham lam cho nên không sợ mất; danh lợi, họ không màn, nên không sợ thiếu, sanh mạng, họ xem như giả tạm, nên không sợ chết. Do cái tâm lý đó mà cõi lòng họ luôn luôn không xao động, nét mặt họ luôn luôn bình tĩnh trước mọi sự đổi thay, gian nan nguy hiểm. Người tu hạnh thí vô úy sẵn sàng để nhảy xuống nước vớt người sắp chết chìm, nhảy vào lửa để cứu người sắp chết thiêu, xông vào đám cướp để cứu người lương thiện, đến gõ cửa công, để minh oan cho người vô tội…

Tóm lại, người tu hạnh thí vô úy, hễ đi đến đâu thì đem đến đó một nỗi binh tĩnh, an vui cho mọi người và mọi vật.

 

III. Phải Bố Thí Như Thế Nào Mới Ðúng Chánh Pháp 

Chúng ta đã biết qua các lối Bố thí Ba la mật. Ðến đây, chúng ta cũng cần biết rõ thái độ của người tu hạnh bố thí phải như thế nào.

Sự bố thí như đã nói trên, thật ra không khó và không hiếm. Rất nhiều người có thể làm được. Trong đời, chúng ta thường thấy có nhiều kẻ giàu có đem bạc ngàn bạc vạn ra bố thí, có nhiều người bỏ cả tài sản ra lập nhà thương, ký nhi viện, trường học, có nhiều người dám liều mạng xông vào lửa để cứu kẻ sắp chết thiêu, nhảy xuống nước cứu người sắp chết đuối; có những kẻ anh hùng đem tài năng ra bảo vệ kẻ yếu hèn, hay dám đương đầu với bọn xâm lăng để giữ gìn đất nước.

Về phương diện thí pháp, có nhiều người đi đâu cũng đem đạo lý ra giảng nói, đi đâu cũng tỏ ra ta đây hiểu đạo, chứng quả.

Nếu nhìn bề ngoài, thì những hành động ấy đều là bố thí cả. Nhưng nếu xét về tâm lý và động lực thúc đẩy bên trong, thì có thể có hai trường hợp khác xa nhau.

  1. Bố thí chấp tướng. Nghĩa là bố thí với một dụng tâm không trong sạch. Chúng ta đã biết bố thí do từ tâm mà ra. Bố thí là một pháp môn để tự độ và độ tha. Những nếu bố thí với một dụng tâm khác như cầu danh, cầu tài lợi (cho ít mà cầu được trả nhiều), hoặc vì ganh đua, hoặc vì muốn làm nhục người chịu ơn, hoặc vì bị ép buộc, hoặc cho với một tâm lý khinh rẻ, hối tiếc hoặc cho với một tâm lý lừa lọc, bất công, thiên vị; nếu bố thí với một tâm lý, một thái độ như thế, thì tất là bố thí chấp tướng.

Chẳng hạn đem tiền của ra lập nhà thương, trường học để được nêu trên báo, để được nhắc nhở đến luôn; hoặc nhảy xuống sông cứu người chết đuối để được “người đẹp” tán thưởng; hoặc giết giặc để mong được tấm huy chương, hoặc giảng đạo lý để tỏ ra mình học rộng biết nhiều. Những hành vi bên ngoài đẹp đẽ ấy, bên trong thật không có giá trị gì.

Bố thí với tâm lý, với động lực như thế, không phải là Bố thí Ba la mật; và phước đức của những hành động ấy thuộc về hữu lậu rất mỏng manh, như mây nổi giữa hư không, gặp gió thổi liền tiêu tan.

  1. Bố thí không chấp tướng. Nghĩa là bố thí với một dụng ý trong sạch, đúng với ý nghĩa của nó.

Trong khi bố thí, hành giả vì tâm từ bi bình đẳng, xem chúng sinh như con, nên không sinh tâm vị kỷ, không phân biệt bỉ thử, thân sơ. Hành giả vì biết tài sản cũng như thân mạng mình đều là giả tạm, vô thường, nên không tham lam, tiếc nuối. Hành giả vì biết cái ngã không có thật, nên khi cho không thấy có kẻ cho và người nhận, không tự cao, tự đại.

Bố thí với một tâm địa trong sạch như trên sẽ được phước vô lậu thanh tịnh, mới đúng là Bố thí Ba la mật.

 

  1. Công Ðức Bố Thí Ba La Mật  

Pháp bố thí là cái nhân lành của quả phúc ở thế gian và xuất thế gian. Trong lục độ vạn hạnh, pháp bố thí đứng đầu, vì nó tương đối dễ làm hơn tất cả các pháp, mà công đức lại lợi lạc được cả đôi bên người nhận và kẻ cho:

  1. Ðối với người nhận. Người đời không ai là đầy đủ. Kẻ được phần này thì thiếu phần khác: kẻ được vật chất thì mất tinh thần, kẻ đầy đủ tinh thần thì thiếu thốn vật chất.

Kẻ đang thiếu thức ăn mà được ăn, kẻ đang thiếu mặc mà được mặc, kẻ đang đau xót mà được vỗ về, an ủi, kẻ đang lo sợ mà được đùm bọc che chở thì thật là may mắn sung sướng vô cùng. Trong một xã hội có được nhiều người giàu lòng từ bi bác ái, luôn luôn tìm cách giúp người, thì xã hội ấy chắc chắn sẽ được an vui thịnh đạt.

  1. Ðối với người cho. Sự bố thí đã đành là lợi lạc cho người nhận, những đối với người cho cũng không kém phần quý báu. Ngoài sự sung sướng được thấy mình làm việc phải, được thấy quần sinh sung sướng, vui mừng, hành giả còn nhờ bố thí mà tiến mau, tiến xa trên đường đạo. Mỗi khi đem của cải ra cho, là hành giả có một dịp để chiến thắng lòng tham lam, bỏn sẻn, ích kỷ và nới rộng lòng từ bi; mỗi khi hy sinh tánh mạng để cứu giúp người, là hành giả có dịp để thử thách lòng tham sống, sợ chết, và trau dồi đức tánh lợi tha, bình tĩnh. Mỗi khi cho mà không kể kẻ thân người thù, là hành giả có dịp để chiến đấu với ngã chấp ngã ái, ngã mạn. Nếu hành giả thí pháp, thì đó là những cơ hội để mình tự nhắc nhở, ghi nhớ những lời đức Phật dạy, những công đức mà Ngài đã làm để noi theo.

 

  1. Kết Luận 

Chúng ta đã thấy rõ giá trị của pháp Bố thí Ba la mật. Công đức của nó không những chỉ riêng cho người nhận, mà lẫn cả người cho nữa. Nó vừa độ người mà vừa độ mình. Có công năng đưa mình và người từ bờ mê lầm đến bờ giác ngộ, từ địa vị phàm phu đến quả vị Bồ Tát.

Vậy xin khuyên các Phật tử đều phát tâm Bồ đề, tu hạnh Bố thí Ba la mật, để trên cầu thành quả Phật, dưới hóa độ chúng sinh, đền ơn Tam Bảo.

129. KINH OÁN GIA (TRUNG A HÀM KINH )

Tôi nghe như vầy: Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: “Có bảy pháp oán gia[02] để gây thành oán gia; tức là khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế. “Những gì là bảy?

  1. “Oán gia thì không muốn oán gia có sắc đẹp. Vì sao oán gia không muốn oán gia có sắc đẹp? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không xả bỏ sân nhuế, thì người ấy tuy luôn tắm gội, dùng danh hương thoa mình, nhưng sắc thân[03] vẫn xấu. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế. Đó là pháp oán gia thứ nhất gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế.
  2. “Lại nữa, oán gia thì không muốn oán gia ngủ nghỉ an lành. Vì sao oán gia không muốn oán gia ngủ nghỉ an lành? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, thì người ấy tuy nằm trên giường vua, trải bằng thảm lông chim, phủ bằng gấm vóc lụa là, có nệm mềm, hai đầu kê gối, được phủ bằng thảm quý, bằng da sơn dương[04], nhưng giấc ngủ vẫn âu lo, đau khổ. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế. Đó là pháp oán gia thứ hai để gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế.
  3. “Lại nữa, oán gia thì không muốn oán gia có lợi lớn. Vì sao oán gia không muốn oán gia có lợi lớn? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, thì người ấy đáng lẽ được lợi, hai điều ấy không trái nhau, thật là bất lợi lớn. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế. Đó là pháp oán gia thứ ba để gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế.
  4. “Lại nữa, oán gia thì không muốn oán gia có bằng hữu. Vì sao oán gia không muốn oán gia có bằng hữu? Người hay sân nhuế bị tác động bởi tâm sân nhuế, bị chi phối bởi tâm sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, thì người ấy nếu có bằng hữu thân thiết, họ cũng tìm cách lánh mặt bỏ đi. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế. Đó là pháp oán gia thứ tư để gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế.
  5. “Lại nữa, oán gia thì không muốn oán gia có sự khen ngợi. Vì sao oán gia không muốn oán gia có sự khen ngợi? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, người ấy danh ô tiếng xấu đồn khắp. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế. Đó là pháp oán gia thứ năm để gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế.
  6. “Lại nữa, oán gia thì không muốn oán gia quá giàu sang. Vì sao oán gia không muốn oán gia quá giàu sang? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, người ấy tạo nghiệp thân, khẩu, ý như vậy khiến mất nhiều tài vật. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế. Đó là pháp oán gia thứ sáu để gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế.
  7. “Lại nữa, oán gia thì không muốn để oán gia khi thân hoại mạng chung được đến chỗ an lành, sanh ở cõi trời. Vì sao oán gia không muốn oán gia đến chỗ an lành? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, thân khẩu ý tạo ác nghiệp. Người ấy sau khi thân, khẩu, ý tạo ác nghiệp, thân hoại mạng chung chắc chắn đến chỗ ác, sanh trong địa ngục. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế. Đó là pháp oán gia thứ bảy để gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế.

“Đó là cả bảy pháp oán gia gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế.” Khi ấy Đức Thế Tôn nói tụng rằng:

Người sân, sắc da xấu;

Nằm ngủ, khổ không yên.

Đáng lẽ được của nhiều,

Trở lại bị bất lợi.

Kẻ bằng hữu thân thiết,

Xa lìa người sân nhuế.

Luôn luôn tập sân nhuế,

Tiếng xấu đồn khắp nơi.

Sân gây nghiệp thân khẩu,

Nhuế buộc ràng nghiệp ý.

Người bị nhuế chế ngự,

Mất tất cả tài vật.

Sân nhuế sanh bất lợi,

Sân nhuế sanh tâm nhơ.

Sợ sệt sanh bên trong,

Người không thể biết được.

Người sân không biết nghĩa,

Người sân không hiểu pháp,

Không mắt, mù mịt tối,

Là người ưa sân nhuế.

Nhuế dậy, sắc da ghê,

Như lửa mới bốc khói,

Từ đó sanh ghét ghen,

Duyên sân lại do đó.

Việc làm của người sân,

Dù thiện và bất thiện,

Sau khi cơn sân qua,

Nóng lòng như lửa đốt.

Gọi là nghiệp phiền nhiệt,

Và các pháp buộc ràng.

Tất cả Ta đã nói,

Các ngươi hãy nghe kỹ.

Người sân nghịch hại cha,

Và với cả anh em,

Cũng giết hại chị em,

Người sân nhiều tàn khốc.

Sanh ra và lớn lên,

Được thấy thế gian này,

Nhờ mẹ được sống còn,

Khi sân cũng sát hại.

Không xấu, không hổ thẹn,

Sân triền, không nói năng,

Người bị sân chế ngự,

Miệng nói không chừa gì.

Tạo tác tội nghịch si,

Để mình tự yểu mạng,

Khi làm không tự biết,

Do sân sanh sợ hãi.

Tự buộc trói thân mình,

Ái lạc không cùng cực,

Dù ái niệm tự thân,

Người sân cũng tự hại.

Hoặc tự đâm bằng dao,

Hoặc nhảy xuống hang sâu,

Hay dùng dây thắt cổ,

Uống các loại thuốc độc,

Đó là tượng sân nhuế.

Là chết bởi vì sân,

Tất cả đều dứt hết,

Dùng tuệ mới biết được.

Nghiệp bất thiện dù nhỏ,

Người trí biết liền trừ.

Nên nhẫn nại hạnh này,

Màu da không dữ dằn,

Không nhuế, cũng không ưu,

Khói tắt không lay động,

Chế ngự đoạn sân nhuế,

Tịch diệt, không còn lậu.

Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.