TRỞ LẠI MÁI NHÀ XƯA

hay ẨN DỤ CON CHIM TÌM BỜ
TRONG KINH ĐIỂN

Câu chuyện về gã cùng-tử trong kinh Pháp Hoa là một ẩn dụ sinh động,
mô tả về một người vốn giàu có mà cứ tưởng mình thật sự là kẻ nghèo
hèn. Vấn đề là cho đến khi nào chàng cùng tử ấy mới hội đủ điều kiện,
nhân duyên để phản tỉnh và nhận ra mình vốn có kho tàng trong chéo áo.
Cũng vậy, có những kho tàng minh triết, có những đấng phạm hạnh, có
những bậc thiện lành vốn đang hiện hữu ở ngay đây, trong cuộc sống này
nhưng chúng ta cứ mãi mê tìm kiếm ở đâu khác. Câu chuyện con chim
tìm bờ được Phật nêu dẫn trong kinh là một trưởng hợp như vậy.
Điều đặc biệt là, câu chuyện con chim tìm bờ đều xuất xuất hiện trong
cả hai truyền thống kinh điển, từ Pāli cho đến Hán tạng.
Kinh Trường Bộ số 11 (Kevaddha Sutta) ghi:
Này Tỷ-kheo, thuở xưa các hải thương khi đi thuyền vượt biển thường
đem theo con chim có thể thấy bờ. Khi chiếc thuyền vượt biển quá xa
không trông thấy bờ, các nhà hải thương liền thả con chim có thể thấy bờ.
Con chim bay về phía Đông, bay về phía Nam, bay về phía Tây, bay về
phía Bắc, bay lên Trên, bay về các hướng Trung gian. Nếu con chim thấy
bờ xung quanh, con chim liền bay đến bờ ấy. Nếu con chim không thấy
bờ xung quanh, con chim bay trở về thuyền. (HT. Thích Minh Châu, dịch).
Tương tự, kinh Trường A-hàm số 24, Kinh Kiên Cố ghi:
Này Tỳ-kheo, ví như người lái buôn mang con chim ưng cùng đi
biển[1]. Khi ra giữa biển khơi thì thả con chim ra. Chim bay giữa hư không,
trông khắp cả bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, nếu nhìn thấy đất liền thì
liền đáp xuống, nếu không thấy bờ thì chim sẽ bay trở lại đáp xuống
thuyền. (Trung tâm Trí Tịnh, dịch).
Theo kinh Kiên Cố, có vị tỳ-kheo thành tựu thần thông nhưng cứ mãi
đắm mình trong suy nghĩ: Thân này, với bốn đại đất, nước, lửa, gió, do
đâu mà diệt hẳn [2]?
Từ suy nghĩ này, đáng lý phải hỏi ngay đức Thế Tôn đang hiện hữu
bên cạnh nhưng thầy tỳ-kheo ấy lại hướng vào Thiên giới để tham vấn các
vị thiên thần.
Lần lượt, thầy ấy tham vấn từ Tứ Thiên Vương [3], chư Thiên cõi trời
Đao-lợi[4], chư Thiên cõi trời Diệm-ma [5]…cho đến cõi Phạm Thiên.
Khi đến cõi Phạm Thiên, Tỳ-kheo kia liền đến hỏi Phạm Vương:
“Thân này, với bốn đại đất, nước, lửa, gió, do đâu mà diệt hẳn?”
Đại Phạm Vương kia đáp:
“Ta là Phạm Thiên Vương, không ai sánh bằng, thống lãnh cả nghìn
thế giới, giàu sang quyền quý, rất tự tại, có thể tạo ra muôn loài, là cha mẹ
của tất cả chúng sanh.”
Khi đó, Tỳ-kheo kia nói:
“Tôi không hỏi việc đó, tôi chỉ muốn hỏi bốn đại đất, nước, lửa, gió do
đâu mà diệt hẳn?”
Này con trai trưởng giả! Phạm Vương kia vẫn cứ đáp:
“Ta là Đại Phạm Thiên Vương, không ai sánh bằng,… cho đến có thể
tạo ra muôn loài, là cha mẹ của tất cả chúng sanh.”
Vị Tỳ-kheo lại hỏi:
“Tôi không hỏi điều đó, tôi chỉ muốn hỏi bốn đại do đâu mà diệt hẳn
thôi!”
Này con trai trưởng giả! Phạm Thiên Vương kia đáp ba lần như thế,
nhưng vẫn không trả lời được câu hỏi của Tỳ-kheo ấy là bốn đại do đâu
mà diệt hẳn. Lúc đó, Đại Phạm Vương bèn nắm tay phải của Tỳ-kheo, dẫn
tới chỗ vắng và nói:
“Này Tỳ-kheo! Hiện nay, các Phạm Thiên đều tôn ta là người có trí tuệ
bậc nhất, điều gì cũng biết, cũng thấy nên ta không thể trả lời với thầy
rằng ta không thấy, không biết bốn đại do đâu mà diệt hẳn.”
Rồi lại nói tiếp với Tỳ-kheo rằng:
“Thầy thật quá dại khờ nên mới bỏ Như Lai mà tìm đến chư Thiên để
hỏi việc này! Thầy nên trở lại hỏi Thế Tôn việc này. Đức Phật dạy như
thế nào, thầy hãy khéo léo thọ trì như vậy.
Hiện nay, Thế Tôn đang ngự tại vườn ông Cấp-cô-độc, nước Xá-vệ.
Thầy hãy mau đến đó mà hỏi[6].”
Với năng lực thần thông của mình, thầy tỳ-kheo chỉ trong khoảnh khắc
quay trở về chốn cũ, vườn Cấp-cô-độc, rừng Kỳ-đà, nước Xá-vệ để gặp
đức Phật. Nhân đó đức Phật đã viện dẫn ví dụ con chim tìm bờ nêu trên
và hóa giải mối nghi của vị tỳ-kheo kia bằng bài kệ:
Bốn đại này do đâu,
Diệt sạch không còn dấu? [7]
Sắc thô, tế, đẹp, xấu,
Dài, ngắn, diệt do đâu?
Do đâu không danh, sắc,
Diệt hẳn, không dư tàn? [8]
Nên đáp: Thức vô hình,
Vô lượng, tự tỏa sáng [9].
Thức diệt, bốn đại diệt,
Thô, tế, đẹp, xấu diệt,
Danh, sắc này cũng diệt,
Thức diệt, tất cả diệt [10].
Trong câu chuyện này, ngoài việc hóa giải tồn nghi cho vị tỳ-kheo:
Thân này, với bốn đại đất, nước, lửa, gió, do đâu mà diệt hẳn? Điều đặc
biệt là, qua ẩn dụ con chim tìm bờ nêu trên, đã cho thấy đức Phật là một
bậc quán thông về lịch sử văn minh của đất nước Ấn Độ.
Vì lẽ, trong quá trình khai quật di chỉ lịch sử Mohenjo-Daro ở Pakistan,
thuộc nền văn minh lưu vực sông Ấn (The Indus Valley Civilisation), có
niên đại 2.800 trước tây lịch cho đến 1.800 trước tây lịch, các nhà khảo
cổ đã phát hiện ra một bức phù điêu ghi nhận về ẩn dụ con chim tìm bờ,
tạm định danh là Con thuyền Disha Kaka với con chim định hướng (Disha
Kaka Boat with Direction Finding Birds). Tư liệu lịch sử quý giá này hiện
được bảo tồn ở Bảo tàng quốc gia Ấn Độ (India National Museum) tại
New Delhi.
Từ một ví dụ sinh động trong kinh được xác thực bằng hiện vật lịch sử
có niên đại gần ba ngàn năm, đã góp phần minh chứng, kinh điển của Phật
giáo không những là kho tàng văn hóa vĩ đại của nhân loại mà còn đồng
thời khẳng định rằng, lời dạy của Đức Phật là chân lý không bị hạn cuộc
bởi thời gian.
Chúc Phú


[1] Nguyên tác Tí ưng nhập hải (臂鷹入海): Thương nhân đi biển mang theo con chim
tìm bờ.
[2] Thử thân tứ đại, địa, thủy, hỏa, phong, hà do vĩnh diệt (此身四大, 地, 水, 火, 風何
由永滅?
[3] Tứ thiên vương (四天王 – Cātummahārājikā devā): Tầng thứ nhất trong sáu tầng
trời cõi Dục.
[4] Đao-lợi (忉利 – Tāvatiṁsa): Tầng thứ hai trong sáu tầng trời cõi Dục.
[5] Diệm-ma (焰摩 – Yāma): Còn gọi Dạ-ma (夜摩), tầng thứ ba trong sáu tầng trời cõi
Dục.
[6] Kiên Cố kinh 堅固經 (T. 01. 0001. 24. 0101b14). Bản dịch của Trung tâm Trí Tịnh.
[7] Tham chiếu, D.11: Kattha āpo ca paṭhavī tejo vāyo na gādhati? (Ở đâu, địa đại,
thủy đại, hỏa đại, phong đại không có chân đứng? HT. Thích Minh Châu, dịch)
[8] Tham chiếu, D.11: Kattha nāmañ ca rūpañ ca asesaṃ uparujjhati? (Chỗ nào cả danh
và sắc tiêu diệt hoàn toàn? HT. Thích Minh Châu, dịch)
[9] Nguyên tác Thức vô hình, vô lượng tự hữu quang (識無形,無量自有光). Tham
chiếu, D.11: Viññāṇaṃ anidassanaṃ anantaṃ sabbato pabhaṃ. (Thức là không thể thấy,
vô biên, biến thông hết thảy xứ. HT. Thích Minh Châu, dịch). Kinh Trung A-hàm, kinh
Phạm Thiên thỉnh Phật, số 78, ghi: Thức vô lượng cảnh giới (識無量境界).
[10] Tham chiếu, D.11: Vññāṇassa nirodhena eth’ etaṃ uparujjhatīti (Khi thức diệt, ở
đây mọi thứ đều diệt tận. HT. Thích Minh Châu, dịch).

Advertisement

BIẾT RÕ VIỆC ĐANG LÀM

Trong bài kinh Tứ niệm xứ, Bốn lãnh vực quán niệm, đức Phật có
dạy cho chúng ta cách thực tập chánh niệm như sau,
“Khi đi, vị khất sĩ lại cũng ý thức rằng mình đang đi; khi đứng, ý
thức rằng mình đang đứng; khi ngồi, ý thức rằng mình đang ngồi; khi
nằm, ý thức rằng mình đang nằm. Bất cứ thân thể mình đang được sử
dụng trong tư thế nào, vị ấy cũng ý thức được về tư thế ấy của thân
thể…
Khi đi tới hoặc đi lui, vị khất sĩ cũng biết rõ việc mình đang làm; khi
nhìn trước nhìn sau, cúi xuống, duỗi lên, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức
sáng tỏ ấy; khi mặc áo, mang bình bát, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức
sáng tỏ ấy; khi ăn cơm, uống nước, nhai thức ăn, nếm thức ăn, vị ấy
cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy; khi đi đại tiện, tiểu tiện, vị ấy cũng
chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy; khi đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, thức, nói
năng, hoặc im lặng, vị ấy cũng biết rõ việc mình đang làm.”
“Furthermore, when going forward and returning, he makes
himself fully alert; when looking toward and looking away… when
bending and extending his limbs… when carrying his outer cloak, his
upper robe, and his bowl… when eating, drinking, chewing, and
savoring… when urinating and defecating… when walking, standing,
sitting, falling asleep, waking up, talking, and remaining silent, he
makes himself fully alert.”
Biết rõ việc mình đang làm
Trong đoạn kinh ấy, Phật dạy chúng ta hãy đem chánh niệm vào tất
cả những việc mình làm trong đời sống hằng ngày. Ngài không bỏ ra
ngoài bất cứ một việc làm nhỏ nhặt nào hết, thận trọng và chú tâm
mỗi khi làm một gì, dù có tầm thường đến đâu, “vị ấy cũng biết rõ việc
mình đang làm”, he makes himself fully alert.
Theo như lời dạy thì trong bất cứ một hoàn cảnh nào, dù có thể là
ngay giữa những khó khăn hay khổ đau, chúng ta cũng vẫn có thể tu

tập được. Vì bất cứ một việc làm nào của ta cũng có thể giúp mình tiếp
xúc được lại với sự vận hành của pháp. Điều kiện giác ngộ đang có mặt
ở mọi nơi chung quanh ta, nếu như ta đừng nắm bắt hay xua đuổi một
kinh nghiệm nào, và chỉ cần “biết rõ việc mình đang làm” mà thôi.
Và có lẽ Phật cũng muốn nhắc nhở rằng, thật ra chúng ta đâu cần
phải đợi chờ một hoàn cảnh thuận lợi, hay tìm kiếm một pháp môn
đặc biệt nào, mà chỉ cần có mặt và thấy rõ những tư thế, phản ứng,
cảm xúc, tâm ý của mình trong mỗi việc đang làm, ngay bất cứ nơi nào
mà mình đang có mặt.
Ta có thể nào luôn biết được chăng?
Nhưng chúng ta có thể lúc nào cũng “biết rõ việc mình đang làm”
không? Việc ấy có thể thực hiện được chăng? Trong đoạn kinh trên,
đức Phật kể ra tất cả những hành động bình thường trong đời sống
hằng ngày. Ngài không hề nói việc làm nào là quan trọng hơn việc nào,
tất cả đều cần phải được biết rõ như nhau.
Có lần trong một buổi nói chuyện, tôi có chia sẻ về đoạn kinh trên
với mọi người. Sau đó, có một bạn đến nói rằng, nếu như trong cuộc
sống hằng ngày mà ta cứ phải liên tục chú ý đến mỗi hành động chi li
của mình, thì việc ấy không thực tế chút nào, mà còn là chuyện bất khả
thi nữa!
Tôi nghĩ nhận xét của người bạn ấy cũng có phần nào đúng, chúng
ta khó có thể nào mà cứ liên tục chú tâm đến mọi việc xảy ra. Nếu như
“Ta” lúc nào cũng cứ phải chú ý đến từng hành động, mỗi việc làm của
mình, thì chắc chắn sẽ là mệt mỏi lắm. Nhưng chúng ta nên tìm hiểu
sâu hơn lời Phật dạy về việc “biết rõ việc mình đang làm”, và với một
cái nhìn rộng lớn hơn.
Với một thái độ buông thư và rộng mở
Các vị thiền sư thường hay nói về một cái tánh biết, knowing, sẵn
có trong tất cả chúng ta. Có lẽ là “Ta” sẽ không thể nào biết rõ hết mọi
việc mình đang làm, nhưng “cái biết”, knowing, tự nó có thể làm được
việc đó. Khi ta rộng mở và để yên, thì cái biết của mình sẽ phát sinh

lên tự nhiên thôi. Không cần cố gắng tai ta vẫn nghe, không cần nỗ lực
mắt ta vẫn thấy…
Mà nhiều khi, những cố gắng của ta lại thường gây nên những khó
khăn và trở ngại không cần thiết, vì đó là sự dụng công của một cái
Tôi, cái Ngã. Và thường khi hễ cái Ngã có mặt thì cái Biết tự nhiên sẽ
vắng mặt.
Ta không thể “biết rõ việc mình đang làm” bằng một sự dụng công
hay gắng sức nào, nhưng chỉ có thể bằng một thái độ buông xả và rộng
mở, cho phép những gì đang có mặt được có mặt, để thấy rõ những gì
đang xảy ra. Vì khi ta rộng mở ra, thì cái “Ta” của mình sẽ bớt đi năng
lực kiểm soát chủ quan của nó, và nhờ vậy mà cái thấy biết của mình
cũng sẽ dễ dàng có mặt hơn trong giờ phút hiện tại.
Mà thật ra ta cũng không cần trở về với giờ phút hiện tại, bởi vì hiện
tại lúc nào cũng đang hiện hữu, ta có đi nơi nào khác đâu mà cần phải
trở về? Vấn đề khởi lên khi “Ta” cố gắng để có mặt trong giờ phút hiện
tại này. Cũng như một con cá thong dong giữa đại dương lại cố gắng
trở về lại với nước, hay con chim đang bay trong không trung lại muốn
tìm kiếm một bầu trời.
Nếu như ta bớt đi sự tìm kiếm của mình thì hiện tại chỉ là một thực
tại đang-là tự nhiên thôi. Hiện tại đâu phải là một khoảng không gian
hay thời gian đóng kín hay giới hạn nào, mà ta phải cố gắng mới có
thể bước vào. Chỉ cần biết buông ra thì hiện tại nhiệm mầu sẽ có mặt.
Và được như vậy rồi thì đi đến bất cứ nơi nào, hay đang ở trong
một hoàn cảnh nào, ta cũng có một cơ hội để sống trong chánh niệm
và tỉnh giác, “when going forward and returning, he makes himself
fully alert…”
Nguyễn Duy Nhiên