KHI TÔI NÓI TÔI LÀ MỘT PHẬT-TỬ


Giáo sư Richard Gombrich / Tiểu Lục Thần Phong dịch.


Khi tôi nói tôi là một Phật-tử, đấy không có nghĩa là tôi thanh
khiết hay tử tế hơn những người khác, mà đấy có nghĩa là tôi có
quá nhiều sự mê muội vô minh và sự ô nhiễm (tinh thần) cần phải
tẩy bỏ đi. Tôi cần trí huệ của Phật-đà.


Khi tôi nói tôi là một Phật-tử, nó không có nghĩa là tôi khôn
ngoan hơn những người khác mà có nghĩa là tôi bị sai xử quá nhiều
của sự kiêu ngạo. Tôi cần phải học sự khiêm tốn và làm tăng trưởng
cái quan điểm rộng mở hơn.


Khi tôi nói tôi là một Phật-tử, cũng không có nghĩa là tôi tốt hơn
hay tệ hơn người khác, nhưng tôi hiểu rằng tất cả chúng sanh bình
đẳng với nhau.


Khi tôi nói tôi là một Phật-tử, tôi biết rằng tôi chỉ yêu thích
những ai vừa ý mình, trong khi đức Phật yêu thương cả những
người không thích mình, chỉ dẫn họ đầy đủ khôn ngoan và từ bi.
Đấy là lý do tại sao tôi chọn con đường đi theo những lời dạy của
đức Phật.


Khi tôi nói tôi là một Phật-tử, nó không phải là mục đích nhận
những cái mà tôi thích quan tâm, mà đấy là buông bỏ sự bám víu
dính mắc vào những thèm khát của thế gian.


Khi tôi nói tôi là một Phật-tử, không có nghĩa là tôi theo đuổi đời
sống suôn sẻ, mà là chấp nhận sự vô thường và điềm tĩnh, tự tin
như một ông vua đối mặt với những sự đối nghịch bất lợi.


Khi tôi nói tôi là một Phật-tử, tôi không có ý định tác động đến
kẻ khác để tự tư tự lợi cho bản thân, mà là sử dụng trí huệ khôn
ngoan để làm lợi ích cho mình cũng như cho người, đồng thời cảm
thông với tất cả hữu tình chúng sanh


Khi tôi nói tôi là một Phật-tử, không có nghĩa là tôi lánh đời ly
khỏi thế gian theo đuổi sự hư vô, mà là tôi biết sống mỗi ngày với
giáo pháp, sống với hiện tại và thực hành giáo pháp.


Khi tôi nói tôi là một Phật-tử, điều ấy không có nghĩa là cuộc đời
tôi sẽ không còn những thất bại nữa, với giáo pháp thì những thất
bại sẽ chuyển hóa thành nguyên nhân cho sự trưởng thành của tôi.


Khi tôi nói tôi là một Phật-tử, trái tim tôi được chứa đầy lòng
biết ơn vô hạn. Tôi nghĩ tôi vốn được sinh ra với tư cách một con
người, có đầy đủ cơ hội để thực hành giáo pháp trong đời này, có
nhiều cơ hội gặp được những vị thầy thông thái và nghe những lời
dạy của đức Phật. Tôi xúc động sâu xa với nghiệp ái lực khó tin
này.


Khi tôi nói tôi là một Phật-tử, không có nghĩa là thượng đế ở bên
ngoài tôi, mà là tôi tìm thấy Phật tánh trong trái tim tôi.

Advertisement

MƯỜI THỨ TIỀN KHÔNG MUA ĐƯỢC


Jordi Al Emany là người sáng lập một công ty tư nhân. Vừa qua, ông đã
đăng một bài trên mạng xã hội, nói rằng tiền tài không phải vạn năng.
Có 10 thứ cho dù có gia tài bạc triệu cũng không mua được. Bài viết đã
nhanh chóng nhận được sự hoan nghênh trên cộng đồng mạng, mọi người
đều tán thành. Chúng ta hãy cùng xem, rốt cuộc là những điều gì mà cho dù
là tỉ phú thế giới cũng không thể mua được?

  1. Khỏe mạnh – Đạt Lai Lạt ma:
    Nhân loại, vì kiếm tiền mà hy sinh sức khỏe. Vì chữa bệnh mà hy sinh
    tiền tài. Sau đó, vì lo lắng tương lai nên không cách nào hưởng thụ hiện tại.
    Cứ như vậy mà không cách nào sống cho hiện tại. Khi còn sống, họ quên
    rằng cuộc đời là ngắn ngủi. Đến khi chết, mới phát hiện mình chưa từng một
    lần sống thật tốt.
  2. Tình thương – Tagore:
    Lúc thoát khỏi cảnh nghèo khó, chúng ta sẽ có được tiền tài của mình
    nhưng để có được khoản tiền này, chúng ta đã mất đi bao nhiêu thiện tâm,
    bao nhiêu cái đẹp và bao nhiêu sức lực chứ!
  3. Niềm vui – Nhà chính trị, nhà khoa học về vật lý, điện từ, nhà phát minh
    Mỹ Franklin:
    Tiền tài không thể khiến người ta vui vẻ, vĩnh viễn sẽ không vì trong bản
    chất của nó không hề tồn tại cái gọi là vui vẻ. Người có được càng nhiều, lại
    càng muốn nhiều hơn.
  4. Chính trực – Nhà tiểu thuyết người Anh – Douglas Adams:
    Lúc thật sự phục vụ người khác, điều cần thiết mà tiền tài không thể nào
    mua sắm hay đong đếm, đó chính là sự chân thành và chính trực.
  5. Tôn trọng – Nhà triết học người Mỹ – Ayn Rand:
    Tiền tài là công cụ để tồn tại, thái độ của bạn đối với công việc cũng chính
    là thái độ của bạn đối với cuộc đời của chính mình. Nếu công việc kiếm sống
    là sa đọa, bạn đã hủy diệt ý nghĩa tồn tại của chính mình.
    Bạn đã từng cầm qua đồng tiền bất nghĩa chưa?
    Đã từng vì giành thêm chút lợi nhuận mà giễu cợt người khác chưa?
    Hoặc là hạ thấp tiêu chuẩn đạo đức của mình? Vì để có thể sống qua ngày bạn đã làm những việc không nên làm?
    Nếu là như vậy, tiền tài cũng không mang đến dù chỉ một chút niềm vui.
    Đồ vật bạn mua sẽ trở thành một loại sỉ nhục mà không phải là kính trọng;
    là một loại căm hận mà không phải thành tựu. Như vậy, bạn sẽ cho rằng tiền
    tài là một loại tội ác bởi vì bạn không thể nào có được sự tự tôn từ nó.
  6. Nội tâm thanh tĩnh – Doanh nhân nổi tiếng tại Mỹ – Richard M. DeVos:
    Tiền tài không thể nào mua được sự thanh bình trong nội tâm, nó không
    thể chữa trị mối quan hệ bị xé rách, hoặc làm cho cuộc sống không ý nghĩa
    trở nên ý nghĩa.
  7. Đạo đức – Ký giả kiêm tác giả người Mỹ – George Lorimer:
    Thứ có thể mua được bằng tiền dĩ nhiên là tốt nhưng không nên quên
    rằng điều không thể mua được bằng tiền sẽ càng tốt hơn.
  8. Giáo dục – Phóng viên kiêm tác giả người Mỹ – Neil de Grasse Tyson:
    Con người không dùng sự cảm thông và chia sẻ để cảm nhận tình cảm
    và ý nghĩ của người khác hay những sinh vật khác trên trái đất, có lẽ giáo
    dục chính quy của chúng ta nên thêm vào giáo dục sự cảm thông và chia
    sẻ. Thử tưởng tượng, nếu giáo dục gồm có đọc, viết, toán học, cảm thông
    và chia sẻ, thì thế giới này sẽ không còn như cũ nữa.
  9. Trí tuệ – Steve Jobs nhà sáng lập Apple:
    Tôi không phải vì kiếm tiền mà quay về Apple. Thần may mắn vẫn luôn
    quan tâm đến tôi; năm 25 tuổi, tôi đã kiếm được tài sản 100 triệu đô-la. Lúc
    ấy rất rõ ràng rằng tôi sẽ không bị tiền tài nô dịch. Bởi vì tôi chắc chắn không
    có khả năng tiêu hết số tiền kia, hơn nữa, tôi cũng không dùng tiền tài để
    kiểm chứng trí tuệ của mình.
  10. Giác ngộ tâm linh – Bodhi Mind:
    Tiền tài có thể mua phòng ốc để ở nhưng không thể mua được một mái
    nhà ôn hòa; nó có thể mua một chiếc giường nhưng không mua được một
    giấc ngủ thoải mái dễ chịu; nó có thể mua một chiếc đồng hồ nhưng không
    mua được thời gian; nó có thể mua được quyển sách nhưng không mua
    được tri thức; nó có thể mua máu huyết nhưng không mua được sức khỏe.
    Vì vậy, tiền tài không phải là vạn năng.

LỜI HAY Ý ĐẸP

  1. Một cốc nước sạch vì một giọt nước bẩn mà trở nên vẩn đục,
    nhưng một cốc nước đục không thể vì một giọt nước sạch mà trở
    nên tinh khiết.
  2. Nếu Bạn thực sự tài năng thì Bạn sẽ không sợ mình không có
    may mắn.
  3. Đừng sợ đi chậm. Chỉ sợ đứng yên.
  4. Trên đời không có sự phân biệt rõ ràng giữa bi kịch và hỷ kịch.
    Nếu Bạn có thể bước ra từ bi kịch, đó là hỷ kịch.
    Nếu Bạn chìm đắm mãi trong hỉ kịch, đó là bi kịch.
  5. Nếu không đọc sách, đi vạn dặm đường chẳng qua cũng chỉ
    là một người đưa thư.
  6. Cái khuy áo đầu tiên sai, cái sau cùng khó mà chữa được.
  7. Bạn bè thực sự không phải là những người có thể ngồi với
    nhau nói chuyện cả ngày không hết mà là những người ngay cả
    khi chẳng nói với nhau câu nào vẫn không cảm thấy ngại ngùng.
  8. Ngựa thường dễ bị khuỵu chân trên những con đường đất
    mềm, con người dễ ngã gục trong những lời đường mật.
  9. Đừng sợ rằng Bạn không biết một cái gì đó. Hãy sợ rằng Bạn
    không chịu tìm hiểu về nó.
  10. Thời gian tốt nhất để trồng cây là vào 20 năm trước.
    Thời gian tốt thứ hai là ngay bây giờ.
    Hy vọng với 10 câu nói hay của người Do Thái trên có thể giúp
    Bạn thay đổi và phát triển bản thân mỗi ngày, vượt qua mọi khó
    khăn trở ngại trong cuộc sống, để có một cuộc sống hạnh phúc và
    thành công hơn.

RỒI TÔI SẼ HẠNH PHÚC


Lúc tôi khoảng 14 tuổi, đang học trung học ở Luân Đôn. Cha mẹ và thầy
giáo khuyên tôi đừng đi chơi đá banh buổi tối và cuối tuần mà nên ở nhà học
bài để lo thi bằng trung học đệ nhất cấp.
Họ nói là khi thi đậu thì tôi sẽ cảm thấy sung sướng, hạnh phúc.
Tôi nghe lời, lo học và thi đậu, nhưng tôi chẳng thấy hạnh phúc gì cả, vì
sau đó phải học tiếp hai năm để thi tú tài.
Cha mẹ và các thầy giáo khuyên tôi đừng đi chơi với bạn bè buổi tối hoặc
chạy theo con gái cuối tuần mà nên ở nhà lo học bài.
Họ nói bằng tú tài rất quan trọng, nếu thi đậu thì tôi sẽ sung sướng, hạnh
phúc.
Một lần nữa, tôi lại vâng lời cha mẹ và các thầy giáo nên tôi thi đậu tú tài.
Nhưng lại một lần nữa, tôi chả thấy sung sướng gì hết, vì sau đó tôi phải
tiếp tục vào đại học, học ít nhất ba năm để lấy bằng cử nhân.
Má tôi và các giáo sư (lúc này ba tôi đã mất) khuyên tôi không nên lân la
ở các quán cà phê hoặc phòng trà, mà nên ở nhà lo học.
Họ nói bằng cử nhân là một bằng cấp giá trị của đại học, nếu có được thì
tôi sẽ hạnh phúc lắm.
Nhưng lần này tôi bắt đầu nghi ngờ. Bởi vì tôi có vài người bạn lớn tuổi
hơn, đã học xong và có bằng cấp, nhưng hiện nay họ đang vất vả với những
việc làm đầu tiên; có người phải làm thêm giờ để có tiền mua xe.
Những người bạn này nói với tôi: “Khi nào tôi có đủ tiền mua được một
chiếc xe hơi thì tôi sẽ sung sướng”.
Đến khi họ có đủ tiền mua được chiếc xe hơi rồi, tôi thấy họ cũng chẳng
sung sướng gì hơn.
Bây giờ họ phải làm việc cực hơn để sửa soạn mua một cái gì đó, hoặc
họ đang tìm kiếm một người bạn đời.
Họ nói: “Khi nào tôi lập gia đình đàng hoàng thì lúc đó tôi sẽ hạnh phúc”.
Sau khi lập gia đình, họ cũng chẳng hạnh phúc gì hơn. Tệ hơn nữa, họ
phải làm thêm hai, ba công việc, lo để dành tiền mua nhà.
Họ nói: “Khi nào mua được một căn nhà thì tôi hạnh phúc lắm”.
Nhưng mua được nhà rồi, hàng tháng vẫn phải trả nợ ngân hàng, như
thế thì đâu có hạnh phúc gì.
Ngoài ra họ bắt đầu sinh con đẻ cái. Nửa đêm con khóc phải dậy thay tã
hay cho nó bú.
Khi con bệnh hoạn thì bao nhiêu tiền để dành phải trút ra lo thuốc men
cho nó.
Và rồi hai mươi năm trôi qua trước khi họ có thể làm những gì mong ước.
Họ nói: “Khi nào con cái tôi học xong, có nghề nghiệp và tự lập được thì
chúng tôi sẽ hạnh phúc”.
Đến khi tụi nó rời khỏi nhà ra riêng thì lúc đó đa số cha mẹ sắp đến tuổi
về hưu.
Do đó họ ráng làm tiếp vài năm để lãnh tiền hưu trí nhiều hơn.
Họ nói: “Khi nào tôi về hưu thì lúc đó mới thật là sung sướng, hạnh phúc”.
Nhưng trước khi về hưu, và ngay cả sau khi về hưu, họ bắt đầu biết đạo
và đi nhà thờ.
Bạn có để ý đa số những người đi nhà thờ là những người lớn tuổi không?
Tôi hỏi tại sao bây giờ họ lại thích đi nhà thờ?
Họ trả lời: “Tại vì sau khi chết, tôi sẽ được hạnh phúc!”
Những ai nghĩ rằng “khi nào tôi có được cái này, cái nọ thì tôi sẽ hạnh
phúc”, họ không biết rằng hạnh phúc đó chỉ là một giấc mơ trong tương lai.
Giống như người đuổi theo cái bóng của mình, họ sẽ không bao giờ nếm
được hạnh phúc trong cuộc đời.
Thích Trí Siêu trích dịch từ sách
“Who ordered this truckload of dung?”
của Ajahn Brahm.

ĐỘNG TĨNH NHƯ NHIÊN


Một bữa học trò tới hỏi Thầy:

  • Thưa Thầy, mấy bữa nay lòng con không yên, tâm con động.
    Làm sao đây?
    Thiền Sư:
  • Động thì cứ động, sao phải mong tĩnh.
    Vài bữa sau, học trò lại chạy tới:
  • Mấy hôm rày con ngắm trời xanh trong, nước suối văn vắt,
    thấy lòng yên tĩnh lạ thường.
  • Tĩnh thì cứ tĩnh sao phải nói ra thành động.
  • Bao năm rồi con theo Thầy, nhưng tự cảm thấy chưa hiểu được
    gì.
    Lòng con lúc tĩnh, lúc rối…
    Thiền Sư:
  • Ta cũng như con, lúc rối lúc tĩnh… Nhưng ta không thấy phải
    nói ra điều đó thành ngôn ngữ. Ta chỉ… như ngồi yên trên CON
    THUYỀN Ý THỨC, mặc cho sóng lòng chao đảo hay yên bình.
    (Sưu Tầm)

ĐIỂN CỐ BÁT-CA ĐẮC ĐẠO


Ngày xưa, tại một ngôi chùa nọ, có một vị thiền sư trụ trì tu luyện đã mấy
chục năm trời ròng rã, nhưng không hiểu vì sao vẫn chưa đắc đạo. Mặc dù
thiền sư này không kể ngày đêm sớm tối, quanh năm suốt tháng cần lao
gian khổ gõ mõ tụng kinh, ăn chay niệm Phật và luôn phát tâm nguyện từ bi
hỷ xả với tất cả chúng sinh, không bao giờ dám phạm vào những điều cấm
kỵ của giáo lý nhà Phật.
Rồi một ngày kia, có một đám trẻ đang nghịch ngợm kéo tới leo lên trên
cây đa cao lớn sum suê trước cổng chùa để phá và bắt một tổ chim Bát-ca[1]
mới nở trong một cái hốc cây đa. Sau khi lũ trẻ đã bỏ đi, một chú tiểu trong
chùa ra gốc cây đa quét lá rụng, thì bỗng phát hiện một con chim Bát-ca còn
non bị thương rất nặng rơi dưới gốc cây. Chú tiểu nhìn con chim Bát-ca non
nớt còn chưa mọc đủ lông cánh đang bị lũ kiến bâu vào đốt thì động lòng
thương xót, liền nhặt lấy mang vào trong chùa bẩm với sư cụ. Vị thiền sư
bèn ra sức chạy chữa và chăm sóc cho con Bát-ca.
Sau một thời gian được sư cụ chăm sóc thì con Bát-ca từ từ hồi phục và
trở nên khỏe mạnh như thường. Sư cụ bèn nhờ một Phật tử ra chợ mua một
cái lồng chim để nhốt con Bát-ca vào đó, rồi treo lồng chim ngay bên cạnh
căn phòng nơi mình vẫn ngồi tụng kinh gõ mõ hàng đêm. Con Bát-ca dần
dần lớn lên trong tiếng gõ mõ, tiếng tụng kinh và tiếng chuông chùa đều đặn
hàng ngày của sư cụ, vì thế dần dần nó nghe và bắt chước được cả tiếng
người, tiếng mõ và tiếng chuông.
Cứ tối đến, mỗi khi bắt đầu nghe tiếng mõ, tiếng chuông và tiếng tụng
kinh đều đều của sự cụ rền rĩ vang lên, là con chim Bát-ca cũng bắt chước
bập bẹ đọc theo: “Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát, Nam mô A Di Đà Phật…
cốc cốc… cốc… boong”.
Lâu ngày thành thói quen, có những lần sư cụ bị bệnh nặng, không thể
dậy để tụng kinh gõ mõ được, nhưng cũng cứ đến đúng giờ đó là con chim
Bát-ca lại tự giác nhớ tới nhiệm vụ tụng kinh, gõ mõ, đánh chuông và niệm
Phật của mình:
“Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát, Nam mô A Di Đà Phật… cốc cốc cốc…
boong”.
Nhưng chỉ được khoảng năm sáu năm thì con Bát-ca già yếu, nó cứ ăn
ít dần rồi một ngày kia tự nhiên lăn ra chết. Sư cụ thương xót con chim lắm,
mới đem xác nó ra chôn tại một góc vườn sau chùa. Thời gian thấm thoắt
thoi đưa, rồi vì quá bận rộn với việc tu hành, sư cụ cũng lãng quên dần hình
ảnh của con Bát-ca lúc nào không biết.
Khá lâu sau, nhân một lần ra thăm vườn, sư cụ bất chợt nhớ tới con chim
Bát-ca nhỏ bé tội nghiệp, bèn tới góc vườn nơi chôn con Bát-ca để thăm lại
nấm đất khi trước do chính tay sư cụ đắp cho nó. Lúc tới nơi sư cụ bỗng
bàng hoàng sửng sốt khi nhìn thấy ngay trên đầu nấm mộ của con Bát-ca
có một bông hoa sen đang nở.
Sư cụ lặng người bần thần suy nghĩ: Như vậy chứng tỏ con Bát-ca không
tu mà đã đắc đạo, Phật tổ đã biết tới tấm lòng chí thành của nó! Như vậy
chứng tỏ muốn đắc đạo, lòng người phải thật sự vô tư trong sáng, không
được có một chút mảy may tự tư vị lợi. Cầu mà giống như không cầu, không
cầu mà giống như cầu. Tu mà giống như không tu, không tu mà giống như
tu! Cái lẽ “sắc sắc không không” của nhà Phật thật là rộng lớn, thật là sâu
sắc, huyền diệu vô biên mà khó lắm thay! Cửa Phật tiếng là “Từ bi phương
tiện”, nhưng thực sự bước vào được không dễ chút nào!
Sư cụ chợt như bừng tỉnh! Thì ra, sau mấy chục năm trời khổ công tu
luyện, tới nay tuổi đã cao, sức đã yếu, cho đến khi đứng trước nấm mồ của
chim Bát-ca đã đắc đạo này, sư cụ mới ý thức được rằng trong suốt cuộc
đời tu luyện của mình, hôm nay mới là ngày đầu tiên sư cụ thực sự giác ngộ
ra được phần nào giáo lý của đạo Phật.
Thế rồi buổi tối hôm đó, trước khi tụng kinh gõ mõ như thường lệ, người
vừa gõ mõ thỉnh chuông vừa cất giọng rền rĩ, đều đều đọc một bài kệ không
có trong kinh Phật:
Hữu nhất phi cầm khiếu Bát-ca,
Vãn thượng tùy tăng niệm A Di…
Tử mai bình địa liên hoa phát,
Ngã bối vi nhân phản bất như!
Nam mô A Di Đà Phật… cốc… cốc… boong!
Tạm dịch nghĩa như sau:
Có một con chim gọi Bát-ca,
Tối tối theo sư niệm Di Đà…
Chết rồi trên mộ hoa sen mọc,
Chẳng tu đắc đạo lại hơn ta!
Nam mô A Di Đà Phật… cốc cốc… boong!

  • Nguyễn Văn Nghĩa –
    Trích: Suối nguồn, Số 1.T5/2011
    Chú thích: Từ Hán Việt gọi chim Bát-ca, dân gian gọi là chim Sáo.