Có câu chuyện kể về một con cáo nhìn thấy giàn nho bên trong bức tường
rào, những chùm chín mọng lúc lỉu trên cây khiến con cáo thèm nhỏ dãi
muốn ăn. Nó đi quẩn quanh khắp nơi để cố tìm kiếm một lối vào, cuối cùng
nó thấy một kẽ hở, nhưng kẽ hở quá nhỏ nên nó không cách nào chui lọt
được.
Thế là, nó chờ ở bên ngoài tường rào nhịn đói suốt 6 ngày, đến lúc thân
mình nó gầy khô lại, nó mới chui vào được hàng rào. Tuy nhiên sau bữa
đánh chén no nê nó phát hiện cái bụng no căng kia khiến nó không cách nào
chui ra ngoài được nữa. Vì vậy, nó lại nhịn ăn 6 ngày, khiến thân thể gầy
khô lần nữa, nó mới có thể chui ra qua kẽ hở nhỏ ban đầu. Vất vả cực nhọc
là thế, cuối cùng chẳng được gì.
Mọi chuyện trên đời đều là đều nằm trong được mất có người vì làm giàu
mà phải đánh đổi sức khỏe, gia đình hay tình cảm. Có người trong sự nghiệp
và thành tựu mất đi ba phần, nhưng chất lượng cuộc sống, sức khỏe hoặc
thời gian lại nhiều hơn ba phần. Có người đạt được sớm một chút, có người
thì đạt được muộn một chút, đến khi rời bỏ thế gian này, mỗi một sự việc
đều sẽ trở thành hư không cả.
Không phải cứ có nhà lầu xe hơi thì sẽ là phú quý, cũng không phải tài
không bằng người tức là cả đời không có thành tựu gì. Mỗi người đều có cái
phúc của riêng mình; có người thuận lợi đường công danh, có người phúc
đường con cháu, có người lại có sức khỏe dồi dào, điều gì không có được thì
không nên miễn cưỡng. Nghèo nàn không phải là không có được thứ này
thứ kia mà là không biết chính bản thân mình đang có điều gì.
Cuộc sống vốn không vẹn toàn, khi bạn vui vẻ, phiền muộn có thể kề
ngay bên, và khi bạn buồn thì niềm vui cũng đang ở đâu đó đợi chờ. Dù vậy,
có những lúc những niềm đau lại giúp chúng ta trưởng thành; cuộc sống
chưa bao giờ cho không ta thứ gì, và cũng không tuyệt đường của ai bao giờ.
Hãy coi những trắc trở, mọi mâu thuẫn trên thế gian đều là để ta trả nợ
nghiệp; trả xong rồi ta sẽ bước trên con đường sáng lạn phía trước.
Khi bụng rất đói, một chiếc bánh mỳ bỗng trở nên thơm ngon hấp dẫn.
Nhưng khi đã thưởng thức 5, 6 chiếc bánh rồi, cảm nhận lúc này không còn
như ban đầu. Khẩu vị càng nặng, thì khả năng cảm nhận hương vị lại càng
kém đi. Cũng có người vẫn vui vẻ dù họ chỉ có vài trăm đồng và cũng có
người phải bỏ ra hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu mới có được niềm
vui như vậy.
Người ta đến thế gian này là để trải nghiệm, tài sản địa vị của mỗi một
người dẫu cao hay thấp, nhưng cảm nhận về niềm vui và hạnh phúc lại
không phân biệt cao thấp sang hèn. Đời người vốn dĩ không cần phải quá
so đo, cũng không nằm ở toan tính. Niềm vui cũng không phải là một phép
cộng cứ cộng là sẽ được nhiều hơn, mà đôi khi ta cần biết sẻ chia.
Minh Hoàng biên tập
Month: August 2021
NHỮNG DẤU LẶNG
Chúng ta thường nghĩ rằng một người thành công, hay một người có ích cho
đời là một người rất bận rộn. Người ta thường nói thì giờ là vàng bạc, vì vậy lúc
nào ta cũng phải biết tận dụng thì giờ của mình, không được hoang phí. Nhưng
có một nhà văn Trung Hoa, ông Lâm Ngữ Đường nói rằng:
”Thì giờ có ích lợi nhất khi nó không bị bắt dùng vào một việc gì hết. Thì giờ
cũng được ví như những khoảng trống trong một căn phòng.”
Khoảng trống ấy đâu có sử dụng cho việc gì, nhưng nó rất cần thiết.
Ta có thể ví dụ cuộc sống như là một bản nhạc. Trong một bản nhạc bao giờ
cũng có những dấu lặng, và những khoảng cách giữa hai nốt nhạc. Thiếu những
khoảng trống ấy, thì bản nhạc không thể là một bản nhạc, nó chỉ là một âm thanh
kéo dài vô nghĩa.
Một nhạc sĩ dương cầm tài danh, Artur Schnabel, chia sẻ về nghệ thuật chơi
đàn của ông như sau:
”Tôi không nghĩ là mình chơi đàn hay hơn bất cứ một nhạc sĩ nào khác, những
nốt nhạc trong một bài nhạc đều giống y như nhau, chúng cũng chỉ có vậy.
Nhưng tôi biết cách sử dụng những khoảng cách giữa hai nốt nhạc. Mà nghệ
thuật nằm ở những nốt nghỉ đó. Chúng làm cho bản nhạc hay hơn.”
Thật ra, mọi vật trong vũ trụ đều có một nhịp điệu riêng, từ sự chuyển động
của một hạt nguyên tử nhỏ bé, cho đến trái đất, mặt trăng, và các dãy ngân hà xa
xôi. Tất cả đều có một rhythm riêng của nó. Chúng quanh ta, trời có mưa nắng,
thiên nhên cây cá có bốn mùa, thủy triều có lên xuống…
Sự sống quanh ta cũng vậy, cũng có những sự mất còn, đến đi cần thiết. Cõ
những lúc ta bước tới, nhưng cũng có những lúc ta cần dừng lại. Nếu như ta chỉ
biết đi tới mà ko dừng nghỉ, thì sự sống này chỉ còn có một chiều duy nhất, nó sẽ
lạc mất nhịp điệu.
Bạn hãy làm cho cuộc sống mình được tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, trong
sáng hơn, bằng cách chú ý và trân quý đến những khoảng trống, những dấu lặng
trong đời. Và nghệ thuật sống đẹp của chúng ta nằm ở nơi những khoảng trống
đó.
Trích sách: Đừng lỗi hẹn với thực tại
Tác giả: Nguyễn Duy Nhiên
GIEO NHÂN LÀNH SẼ GẶP QUẢ LÀNH
Ngày xưa có hai vợ chồng nọ, vợ là người thiện tín hết lòng kính ngưỡng
Đức Phật và tin Tam Bảo, trong khi người chồng thì lại không. Một hôm,
trong lúc chồng đi vắng, thấy Đức Phật đi khất thực ngang qua, cô vội mang
bát cơm ra cúng dường Ngài và cung kính đảnh lễ Đức Phật. Trước tấm lòng
chân thành và tôn kính của cô, Đức Phật chú nguyện cho cô sẽ được vô lượng
phước báu về sau. Vừa ngay lúc đó người chồng về tới, nghe Đức Phật chú
nguyện như vậy, anh ta ngỗ ngược vô lễ nói :
Này ! Ông sa-môn Cù Đàm, chỉ có một bát cơm thôi làm gì mà có chuyện
được phước nhiều như vậy ? Ông có nói khoác lấy lòng để lần sau được
dưng cơm tiếp không vậy ? Thôi đủ rồi, ông hãy đi khỏi đây đi.
Trước thái độ xấc xược lỗ mãn của anh ta, Đức Phật vẫn không tỏ ra khó
chịu mà mĩm cười ôn tồn nói :
Này anh ! Anh từ đâu về ?
Tôi từ trên Thành về – Anh chồng cộc lốc đáp.
Thế, khi đi ngang qua khu rừng anh có thấy cây Ni Câu không ?
Đức Phật hỏi tiếp.
Cây to đùng như vậy ai mà chẳng thấy. Mỗi năm cây ấy cho bao nhiêu
trái, anh có đếm hết được không ?
Ông này lạ chưa, cây to như vậy, trái của nó vô số kể làm sao mà tính đếm
được, chỉ có nước lấy thúng mà lường còn không xuể. Nhưng ông hỏi điều
ấy để làm gì ?
Bấy giờ Đức Phật mới bảo :
Anh thấy đấy, đầu tiên chỉ có một hạt bé tí mà sinh ra cây Ni Câu to đùng
như anh nói đấy, rồi lại cho cả trăm ngàn trái như anh đã thấy. Như vậy thì
có nói khoác không ? Loài thực vật mà còn như vậy huống chi là loài hữu
tình. Nữ thí ch , vợ của anh đây đã thành tâm hoan hỷ cúng dường cho Như
Lai một bát cơm thôi tất nhiên sẽ được vô lượng phước báu, cũng như một
hạt Ni Câu thôi mà cho cả trăm ngàn trái vậy.
Nghe đến đây, anh chồng chợt bừng tỉnh, vội quỳ thộp xuống dưới chân
trước mặt Đức Phật, hối hận ăn năn về hành động thô lỗ vô lễ của mình và
cầu xin sám hối :
Kính bạch Thế Tôn, kính mong Thế Tôn từ bi tha thứ cho con. Từ đây con
xin quy y Thế Tôn và mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử.
Lành thay !
( Sưu tầm : Chuyện cổ Phật Giáo )
BÀI HỌC ĐẠO LÝ
Khi ta gieo một nhân lành, không chỉ gặt được một quả lành thôi mà sẽ là
rất nhiều, không chỉ mỗi mình ta thừa hưởng mà cả những người thân và
người xung quanh đều được hưởng.
Ví như khi ta sống tốt với mọi người, biết thương yêu giúp đỡ và chia sẽ
những phước báu mà ta có qua việc bố thí, cúng dường, … với lòng thành
tâm hoan hý thì chẳng những ta sẽ nhận lại những may mắn tốt đẹp cho
chính mình mà cả gia đình người thân và cả con cháu đời sau của mình cũng
thừa hưởng những ân đức ấy.
Và để có được đời sống an lạc hạnh phúc đời này và đời sau ta phải luôn
biết làm phúc, gieo nhân tốt thì mới hái được quả tốt về sau.
Cầu cho toàn thể chúng sinh đời này và mãi mãi đời sau được bén duyên
với Phật Pháp. Cuộc sống bình an, hạnh phúc, giàu có thịnh vượng…!!!
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT !
LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY
“Những việc bất thiện mỗi người đã làm nhiều như nước biển, những
ngộ nhận trong tâm mỗi người nhiều như sóng giữa biển khơi.
Có người muốn ngày mai của mình khác đi, vui hơn và tươi sáng thêm,
nhưng chỉ nỗ lực một ít rồi thôi; kẻ đó cũng giống như người cầm sợi tóc
nhúng vào biển, lấy đi từng giọt nước nhỏ, mong muốn làm khô cạn biển
khơi”. (1)
Có lẽ ai cũng biết, hạnh phúc hay bình yên là kết quả từ sự nỗ lực cá nhân,
nhưng phần đông chúng ta đã nỗ lực rất ít cho hạnh phúc của mình. Chỉ
những con bị chết mới trôi theo dòng nước, nhưng có người còn đang sống
vẫn bỏ mặc cuộc đời mình trôi xuôi.
Biết hạnh phúc nằm ở đâu thôi thì vẫn chưa đủ, phải có can đảm để bắt
đầu, và thật nhiều can đảm để không bỏ cuộc.
Đau là khi muốn yêu thương một người nào đó, nhưng trong tâm lại
không đủ sức để thương. Mệt mỏi là khi muốn đi hết con đường thật dài
phía trước nhưng đôi chân lại không đủ lực. Hối tiếc là khi rất muốn thương
cuộc sống nhưng lại không có được đôi tay thật rộng để ôm hết tình người.
Một trái tim có thật nhiều năng lực yêu thương, một đôi chân thật khoẻ
và một đôi tay thật rộng để ôm hết tình người, những thứ đó chắc chắn
không phải tự nhiên mà có, để có được chúng, ai cũng phải nỗ lực thật nhiều.
Thứ không nỗ lực nhưng vẫn có được, có lẽ, chỉ có tuổi tác mà thôi.
Cuộc sống là một bài học dài về tình thương, không thương ai được thì ít
ra phải tự thương được bản thân mình. Tất cả chúng ta, không ai muốn mình
phải khổ đau cả, chỉ là cuộc sống chẳng chịu nhường nhịn ai, làm nhiều
người phải chùn chân rồi bỏ cuộc, không nỗ lực để thương ngày mai của
mình nữa. Bỏ mặc, buông xuôi.
Hạnh phúc và khổ đau được cất giấu ngay bên trong thói quen hàng ngày
của chính chúng ta. Chúng ta thường nghĩ gì, thường nói gì, và thường nỗ
lực cho điều gì mỗi ngày?
Thói quen luôn chứa trong nó một sức mạnh rất lớn, đủ để nghiền nát cả
một kiếp người.
Cuộc sống thì vẫn vậy, nhưng người đời có hai hướng đi: có kẻ sau khi
đau khổ sẽ nỗ lực thật nhiều để ngày mai được hạnh phúc, có kẻ sau khi đau
khổ lại oán trách, buông xuôi. Phía sau sự bình yên của một người là tâm từ
bi của chính họ.
Thói quen của chúng ta ở đâu, thì ngày mai của chúng ta cũng sẽ ở đó.
Muốn đến được một nơi khác, vui hơn; thì điều đầu tiên cần làm là đừng để
đôi chân đứng tại vị trí cũ nữa.
Mong người luôn an.
Vô Thường
Núi 7.8.2021
Om Mani Padme Hum
[1] Nguyên Hán văn: 如以一毛端,而取大海水,欲令盡乾竭,懈怠者亦然。 Dòng 5-6,
khung thứ nhất, trang 68, bộ kinh mang mã số 0279, 大方廣佛華嚴經 (Kinh Hoa Nghiêm), tập
10 大正新脩大藏經。Bốn câu tụng trên có liên quan đến đoạn văn xuôi Bồ-tát Văn-Thù-Sư-
Lợi hỏi Bồ-tát Cần-Thủy trước đó, nên hiện tại, khi tách riêng bốn câu kệ ra, phải mượn thêm
một ít nghĩa từ đoạn văn xuôi để bốn câu tụng được rõ nghĩa.
CÒN SINH TỬ THÌ CÒN CẦN PHƯỚC ĐỨC
Đi xa thì cần tư lương, đi trong sinh tử thì cần phước đức. Nên lòng sợ
đường dài mà thiếu phước lắm. Thiếu phước là mất cơ hội gặp người hiền,
đất lành, sinh ra gặp đời tất thảy mọi việc lận đận lao đao, thì tâm ý đâu mà
học được Phật pháp, cơ hội đâu mà sống đời an lành. Vậy nên mỗi ngày, mỗi
ngày, nguyện làm cho được một điều phước thiện.
Việc gì mà làm mình bỏ bớt được chút tham, thêm được chút rộng lượng,
bỏ được chút sân hận, thêm được chút từ bi, bỏ được chút ngu si, thêm được
phần nhìn rõ sự thật, và có thể làm cho một ai đó giữa đời này được an lành,
dù trong thoáng chốc, thì đều thành việc thiện cả. Dù là một việc lành, hay
lời nói lành, hay một ý nghĩ lành, cũng nguyện làm mỗi ngày.
Mong đời này, đời sau, có còn sinh tử, thì mong phước che chở, như dù
che mưa. Trừ khi nào lòng nguội lạnh như băng, một đời giải quyết cả sinh
lẫn tử thì thôi chẳng có bận lòng với phước nhân thiên. Chớ giờ biết đời này
chưa thể xong, sợ muôn kiếp mà không đủ phước, thì sanh tử nhọc nhằn, cơ
hội gặp Phật học pháp lại càng khó khăn.
Lòng ngại muôn trùng…
“Nếu người làm điều thiện,
Nên tiếp tục làm thêm.
Hãy ước muốn điều thiện,
Chứa thiện, được an lạc.”
Kinh Pháp Cú 118
Chúc mọi người an vui trong thiện pháp!
Namo Buddhaya
Nguyên Linh.