VÌ SAO BẠN KHÔNG VUI?


Niềm vui, sự phiền não và thống khổ của mỗi người không phải là do
ngoại cảnh, mà được quyết định bởi quan niệm và thái độ suy xét vấn đề
của chúng ta. Nhà thơ Milton cũng từng nói:
“Bản thân ý thức có thể biến địa ngục thành thiên đường, cũng có thể biến
thiên đường thành địa ngục”.
Vì sao rất nhiều người trong chúng ta thường không vui vẻ? Học sinh thì
oán trách bài vở quá nhiều; Công nhân viên chức thì oán trách công việc
chồng chất; Những bà nội trợ oán trách việc nhà bề bộn; Quan chức oán trách
công việc tiếp đãi khách khứa nhiều; Người già oán trách con cháu chẳng
chịu về…
Vậy rốt cuộc điều gì khiến con người mặt mày ủ dột như vậy?

  1. Thiếu tín ngưỡng
    Vì sao những người da đen hay những người Mexico sống nhờ vào tiền
    trợ cấp, thậm chí là đứng đường ăn xin lại vẫn có thể sống vui mỗi ngày? Vì
    sao biết bao nhiêu người sống cuộc sống thịnh vượng, mọi việc đều thuận
    lợi như ý, nhưng vẫn buồn bực không vui? Suy cho cùng là do ý thức tư
    tưởng vẫn còn nhiều vướng mắc. Con người hiện nay đã vứt bỏ tín ngưỡng,
    lại không xây dựng triết lý nhân sinh mới, nên cuộc đời họ mất đi phương
    hướng, rất nhiều người đã lựa chọn sự buồn phiền ngay trong khi họ đang
    hạnh phúc. Niềm vui, sự phiền não và thống khổ của mỗi người chúng ta
    đều không phải do bản thân sự vật quyết định mà là do quan niệm và thái
    độ mà chúng ta suy xét vấn đề. Nhà thơ Milton từng nói: “Bản thân ý thức
    có thể biến địa ngục thành thiên đường, cũng có thể biến thiên đường thành
    địa ngục”.
    Khi con người không có tín ngưỡng, họ rất dễ xây dựng giá trị quan của
    mình trên những sự vật bên ngoài, thậm chí tự mình so sánh với nhau. Họ
    ngưỡng mộ sự thành công của người khác và cảm thấy tự ti về bản thân. Họ
    trầm trồ trước hạnh phúc của người khác nhưng lại than thở cho số phận bất
    hạnh của mình. Họ so sánh với sự đắc chí của người khác mà phẫn nộ vì
    những điều không như ý. Họ so sánh với niềm vui của người khác để phóng
    đại nỗi thống khổ của bản thân.
    Khi con người bị nhốt trong cái tôi nhỏ bé tranh đấu chỉ lợi ích cá nhân,
    họ sẽ không thể cảm thông với nỗi đau và hạnh phúc với thành công của
    người khác. Cuộc sống luôn có cả niềm vui và nỗi buồn, nụ cười và giọt nước
    mắt, thậm chí có bảy, tám phần không như ý. Nếu không mở rộng tâm mình
    để buông bỏ những nỗi đau, thành tựu người khác, chung vui với mọi người
    thì sao có thể hạnh phúc được đây?
    Trong những xã hội tự do và tôn trọng tín ngưỡng, đứng giữa cuộc đời
    bơ vơ và vô định, con người vẫn luôn tìm thấy điểm tựa nâng đỡ tâm hồn.
    Dẫu là phương Đông hay phương Tây thì những vị Thần chân chính đều
    luôn dạy con người làm người tốt, nhân tâm hướng thiện để có được tương
    lai tốt đẹp và được Thần linh che chở. Họ cảm nhận được tình yêu thương
    bao la mà những vị Thần dành cho họ. Họ biết rằng trong mắt các vị Thần,
    mỗi sinh linh đều xứng đáng được hạnh phúc. Họ hiểu được nhân quả, họ
    kính sợ Trời đất, biết thuận theo tự nhiên. Vậy nên tự nhiên họ cũng bao
    dung và biết cách sống hòa hợp với mọi người.
    Có câu rằng: “Người vui thì cảnh cũng vui, người buồn cảnh có vui đâu
    bao giờ”. Khi nội tâm chứa đầy sự ấm áp và thiện lương thì họ sẽ nhìn cuộc
    sống với một ánh mắt hòa ái và tâm thái tích cực.
    Dẫu là phương Đông hay phương Tây thì những vị Thần chân chính đều
    luôn dạy con người làm người tốt, nhân tâm hướng thiện để có được tương
    lai tốt đẹp và được Thần linh che chở.
  2. Thích so sánh
    Cả đời người hầu như đều chỉ để so sánh. Trẻ nhỏ từ bé đã bị mang ra so
    sánh với “con nhà người ta”. Cha mẹ thì so sánh thành tích, năng lực với
    nhau, xem giấy khen của con nhiều hay ít và có đỗ đạt vào trường danh tiếng
    hay không. Sau khi tốt nghiệp họ lại so sánh công việc tốt hay không, lương
    có hậu hĩnh không, phúc lợi có nhiều không… Suốt một thời gian dài sống
    trong sự đòi hỏi của cha mẹ, dần dà tự họ đã hình thành thói quen so sánh:
    So với người khác tôi có ưu tú hay không, mức độ sinh hoạt của tôi có tốt
    hơn người khác hay không…
    So sánh đã trở thành thói quen, tự nhiên sẽ không thấy vui vẻ nữa. Thứ
    người khác có mà mình không có thì nỗ lực giành cho bằng được. Đến khi
    có rồi nếu bản thân thấy vui vẻ thì còn tốt, sợ nhất là sau khi đạt được họ lại
    phát hiện người khác đã lên một tầng thứ mới để rồi bản thân lại càng thêm
    sầu não. Khi điều con người theo đuổi không phải là hạnh phúc mà là hạnh
    phúc hơn người khác thì niềm vui sẽ rời xa chúng ta.
    Chúng ta sinh ra đã thấy Trời ở trên cao, Đất ở dưới thấp, thấy vạn vật
    muôn màu muôn vẻ, trăm hoa khoe sắc thì đều coi là điều tự nhiên. Vạn vật
    có bản sắc riêng của mình, không phân biệt cao thấp, sang hèn mới tạo nên
    một vòng tròn hoàn thiện, một bức tranh hoàn mỹ. Vậy mà chúng ta lại so
    sánh mình với người khác. Nếu ai ai cũng như nhau, đều như một bộ phim
    cùng phiên bản, thì chẳng phải cuộc sống sẽ tẻ nhạt hay sao?
    Kỳ thực, mỗi người mỗi vẻ, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng
    chúng ta đều là tác phẩm độc nhất vô nhị của tạo hóa. Chúng ta mang trong
    mình những sứ mệnh khác nhau khi đến cõi thế gian này. Tạo hóa sinh ra
    con người, Ngài không coi trọng giàu nghèo, sang hèn, đẹp xấu, Ngài chỉ
    quan tâm tới sự hoàn thiện, trưởng thành trong nhân cách và tâm hồn mỗi
    chúng ta.
  3. Vô cảm trước những điều tốt đẹp
    “Gió Đông chẳng nói một lời, không chút tự ti nhưng lại khiến vạn vật nở
    hoa” (Đông Xuân vô nhất thị, trang xuất vạn vật hoa). Chúng ta có thể không
    có khả năng sáng tạo ra vẻ đẹp, nhưng khi đứng trước vẻ đẹp của tự nhiên,
    chúng ta có biết thưởng thức hay không? Chúng ta hầu như đều cất bước
    vội vã, vạn vật xung quanh nhìn mà không thấy. Vậy nên chúng ta không
    thể cảm nhận được vẻ đẹp của tự nhiên, nghệ thuật, tâm hồn, cuộc sống và
    sự sáng tạo.
    Nếu chúng ta có thể dừng đôi chân đang bước vội để lòng mình lắng lại
    trong phút giây, mở rộng trái tim để cảm nhận vạn vật, chúng ta sẽ thấy cuộc
    sống thật đáng yêu. Ven đường có một nhành hoa xinh đẹp dịu dàng e ấp.
    Chợt ngẩng đầu lòng lại thấy yếu mềm trước vẻ đẹp của một chiếc lá đang
    đu đưa theo làn gió. Hay đôi khi chúng ta còn cảm thấy lòng vui phơi phới
    khi nhìn thấy khuôn mặt tươi cười hồn nhiên thơ ngây của những đứa trẻ…
    Những khoảng khắc ấy sẽ khiến tâm hồn chúng ta trẻ trung và hạnh phúc
    hơn rất nhiều.
    Nếu chúng ta có thể dừng đôi chân đang bước vội để lòng mình lắng lại
    trong phút giây, mở rộng trái tim để cảm nhận vạn vật, chúng ta sẽ thấy cuộc
    sống thật đáng yêu.
  4. Không biết cách bố thí
    Trương Thương Anh thời nhà Tống nói rằng: “Chẳng niềm vui nào bằng
    niềm vui hiếu thiện” (Lạc mạc lạc vu hiếu thiện). Một người biết cách cho đi
    chứ không chỉ đơn thuần là đòi hỏi thì trong tâm sẽ luôn vui vẻ. Bố thí không
    phải là đặc quyền của những người giàu. Quyên góp vài trăm triệu cho
    những vùng thiên tai là bố thí, trao cho những người lạ một nụ cười cũng là
    bố thí.
    Vào năm thứ ba khi “Người đẹp miệng rộng” Diêu Thần đảm nhận chức
    vị phát ngôn viên của khu vực Trung Quốc sở dân tị nạn của Liên hợp quốc,
    3 năm trước cô lần lượt tới các khu vực dân tị nạn của Philippines, Thái Lan
    và Ethiopia. Cô nói: “Mỗi khi khoác ba lô trên vai đi khắp nơi trên toàn thế
    giới, giúp đỡ những người cần viện trợ, tôi cảm thấy nguồn năng lượng chân
    chính đã quay trở về với tôi. Làm công việc này tôi có cảm giác như giấc mơ
    của mình đã trở thành hiện thực”.
    Diêu Thần lại nói: “Mục đích cuối cùng của tôi khi làm tình nguyện viên,
    làm từ thiện là giúp đỡ người khác, đồng thời tẩy tịnh bản thân mình, khiến
    bản thân mình thăng hoa. Đến cuối cùng người nhận được sự giúp đỡ lại
    chính là tôi, giúp tôi cảm thấy mình có ích cho xã hội”.
  5. Sự đơn điệu và quy luật
    Khi con người thiếu đi sự nhiệt tình và giải trí trong cuộc sống, thì cuộc
    sống của họ cứ lặp đi lặp lại. Cuộc sống của học sinh được nối từ 3 điểm
    thành một đường thẳng. Họ sống chỉ vì học từ cấp 1 lên cấp 2, từ cấp 2 lên
    cấp 3 và thi tốt nghiệp trung học mà thôi. Cuộc sống đơn điệu dường như
    chỉ có học tập và sách vở.
    Cuộc sống của công nhân viên chức cũng chỉ loanh quanh với việc đi làm,
    ăn cơm và đi ngủ. Thời gian quý báu cuối tuần cũng chẳng đủ để họ nghỉ
    ngơi, khó lòng có thể đi du lịch hay vui chơi đây đó. Có lẽ đến khi già họ
    mới có nhiều thời gian đi du lịch đó đây. Nhưng khi ấy sức khỏe không còn,
    họ không thể chịu đựng nổi những chuyến đi dài ngày rong ruổi khắp chốn
    như vậy. Tiệc tùng thịnh soạn cũng không còn phù hợp với độ tuổi của họ.
    Vì sao chỉ trong một thời gian ngắn mà công ty Foxconn lại xảy ra nhiều
    vụ “nhảy lầu” tự tử như vậy? Bởi lẽ con người đâu phải kiến đen, cuộc sống
    quá đơn điệu và lặp lại theo quy luật sẽ khiến con người mất đi niềm vui.
    Có lẽ đến khi già họ mới có nhiều thời gian đi du lịch đó đây. Nhưng khi
    ấy sức khỏe không còn, họ không thể chịu đựng nổi những chuyến đi dài
    ngày rong ruổi khắp chốn như vậy.
  6. Nỗi âu lo không nơi nào không có mặt
    Con người chẳng giây phút nào không đắm mình trong những dòng suy
    tư miên man không dứt. Họ lo lắng xã hội bất công, lo không có tiền chẳng
    có quyền, lo lắng vật giá không ngừng leo thang, thực phẩm không an toàn.
    Họ lo lắng về việc giáo dục con cái, môi trường bị ô nhiễm… Dường như có
    quá nhiều chuyện lo không xuể. Nhưng chỉ có những người vô ưu vô lo mới
    có thể sống vui vẻ. Cứ mãi lo lắng thì còn tận hưởng niềm vui vào thời gian
    nào được đây?
  7. Áp lực quá lớn
    Con người ngày nay không còn coi trọng giá trị đạo đức và khí chất như
    văn hóa truyền thống khi xưa. Ngày nay sự truy cầu danh vọng tiền tài và
    mỹ nữ đã được đẩy lên đến cực điểm nên người ta phải đối diện với quá
    nhiều áp lực: Áp lực từ công việc, áp lực kết hôn, áp lực nuôi dưỡng con cái,
    áp lực giao tiếp xã hội.
    Dưới áp lực nặng nề này họ bận rộn tới mức hầu như không có thời gian
    giải tỏa những căng thẳng ấy, cứ tích tụ dần theo thời gian. Gia đình vốn dĩ
    là nơi neo đậu bình yên của tâm hồn, là nơi nuôi dưỡng sự tự tin và tái tạo
    lại sinh lực. Nhưng khi những giá trị đạo đức về trách nhiệm, bổn phận của
    vợ chồng, cha mẹ con cái và quan niệm hiện đại biến dị như nữ mạnh hơn
    nam, mong con hóa rồng, không coi trọng đạo hiếu dâu con… bị xáo trộn,
    thì gia đình đôi khi lại trở thành những “tổ nóng” hay “lò luyện đan”. Vậy
    nên những người sống dưới sự dẫn dắt của chế độ vô Thần thường mang vẻ
    mặt không vui.
  8. Không dám là chính mình
    Người cổ đại coi trọng đạo đức và gia đình, xã hội luôn là cái nôi nuôi
    dưỡng những người tài đức vẹn toàn. Họ được khuyến khích trở thành
    những người kế nghiệp, truyền thừa truyền thống của cha ông, giữ gìn giang
    sơn, xã tắc. Những đạo nghĩa đó khiến họ tự nghiêm khắc tu dưỡng tài đức
    của bản thân và tìm thấy giá trị của cuộc sống. Mối quan hệ với mọi người
    xung quanh do đó cũng hài hòa hơn.
    Con người ngày nay ngay khi chào đời đã mang trên mình sự kỳ vọng
    của mẹ, sự trông chờ của cha, sự mong ngóng của họ hàng. Nhiều bậc phụ
    huynh chỉ coi con mình như món đồ trang sức để thỏa mãn lòng hiếu danh
    của bản thân, để họ hàng được nở mày nở mặt khắp xa gần. Để khoác trên
    mình một vẻ ngoài đẹp đẽ và hòa nhập vào giới giàu sang, họ sẵn sàng đánh
    đổi những nguyện vọng ban sơ thuần khiết và chân chính của bản thân.
    Vì nhận được rất nhiều sự kỳ vọng như vậy nhưng lại không có một nền
    tảng giá trị nhân sinh quan đúng đắn nên họ không thể kiên trì là chính
    mình. Họ bị cuốn vào xã hội kim tiền, và bị đánh giá bởi vẻ ngoài hào
    nhoáng. Họ không quan tâm xem đó có phải là người đức cao vọng trọng
    không. Họ cũng chẳng mấy để mắt tới những giá trị đạo đức cần gìn giữ và
    truyền lại cho con cháu. Điều họ quan tâm nhiều hơn là kiếm được bao nhiêu
    tiền, biệt thự có sang không, đi du lịch ở đâu thì đẹp, ăn uống hưởng thụ ở
    đâu thì đẳng cấp. Để khoác trên mình một vẻ ngoài đẹp đẽ và hòa nhập vào
    giới giàu sang, họ sẵn sàng đánh đổi những nguyện vọng ban sơ thuần khiết
    và chân chính của bản thân.
    Chỉ khi đạo đức thăng hoa trở lại, chỉ khi những giá trị truyền thống và
    sinh mệnh được cả xã hội coi trọng thì con người mới có cơ hội được sống
    chân thực với những gì tốt đẹp trong tâm hồn mình.
  9. Sự phong bế trong tâm hồn
    Năm 1979, tại Mỹ đã có học giả viết cuốn sách kể về sự phong bế trong
    tâm hồn người Mỹ. Trong sách nói rằng tâm hồn người Mỹ đã bị phong bế.
    Vì sao vậy? Bởi vì năm đó thanh niên Mỹ không có lý tưởng cao xa, chỉ hăm
    hở với thế giới vật chất phồn hoa trước mắt, chạy đua không mệt mỏi vào
    những chuyện vặt vãnh trong cuộc sống thường nhật. Nhưng thanh niên
    Mỹ ngày nay tràn đầy nhiệt huyết về việc tôn vinh tự do, nhân quyền và giá
    trị sống của con người. Họ được sống trong một thế giới tôn trọng đức tin,
    họ không nghe theo những người cầm quyền mà nghe theo tiếng gọi lương
    tri từ những vị thánh thần.
    Còn chúng ta hôm nay phải chăng cũng chịu nhận quá nhiều những tư
    tưởng vô Thần chật hẹp từ nền giáo dục phổ cập mà đang tự phong bế chính
    mình? Họ không biết kính sợ Trời đất, không tin nhân quả và quan niệm cái
    chết sẽ chấm dứt sinh mệnh một kiếp người. Nên người với người thiếu đi
    sự bao dung và tình yêu thương, chỉ có chữ “Lợi” được đặt lên hàng đầu.
    Họ sẵn sàng tranh đấu, lừa dối và tổn hại nhau, tung ra những món hàng
    giả, thực phẩm độc, văn hóa phẩm đồi trụy nhằm thỏa mãn cơn khát dục
    vọng và ham muốn vật chất của con người.
    Nhưng điều đáng nói là con người luôn là một tế bào trong chỉnh thể xã
    hội, luôn gắn chặt với lợi ích của cả cộng đồng. Vậy nên chính bản thân họ
    cũng trở thành nạn nhân cho những quan niệm méo mó của mình, hại người
    hóa ra lại là hại chính mình, suốt ngày phiền muộn vì tranh đấu ngược xuôi.
    Chỉ khi tìm lại những giá trị truyền thống, nhân tâm hướng thiện thì tâm
    hồn người ấy mới được bình yên, hạnh phúc. Khi con người biết lấy khổ làm
    vui, biết chia sớt nỗi đau và san sẻ hạnh phúc với người khác thì nỗi phiền
    muộn trong lòng họ cũng sớm tan biến, thay vào đó là nụ cười rạng ngời từ
    sâu thẳm tâm hồn mình.
    Theo Sound of hope
Advertisement

ĐI ĐÂU KHÔNG QUAN TRỌNG BẰNG ĐI VỚI AI


Đi chung với Người Nông Nổi,
Đi qua con đường nào cũng thấy chông chênh.
Đi chung với Người Sâu Sắc,
Có đi đến đâu cũng thấy lòng nhẹ tênh như mặt nước.
Đi chung với Người Bất An,
Có đang ở chốn linh thiêng niệm trăm bài Kinh
cũng thấy giông bão bên mình.
Đi chung với Người An Nhiên,
Có đang ở giữa tâm bão cũng thấy lòng bình yên đến lạ.
Có người như sương đêm,
Đi với nhau càng lâu càng thấy lạnh, cả hai vai ướt lúc nào chẳng hay.
Có người mỗi lần nghĩ đến,
Thấy lòng hoang mang như người đi lạc giữa đường,
đi tiếp hay quay trở về đều mịt mù như nhau.
Có người như vết thương,
Chạm đến là đau.
Có người như những tia nắng ban mai,
Mỗi lần chuyện trò lòng cảm thấy ấm áp lạ thường.
Có người như làn hương trầm trước Phật,
Nhẹ nhàng, thanh thản, bình yên…!
Sưu Tầm

IM LẶNG HÙNG TRÁNG


Một thời, Thế Tôn ở tại Ràjagaha, nơi vườn xoài của Jìvaka. Lúc bấy giờ
là đêm rằm sáng trăng, Ajàtasattu vua nước Magadha muốn đi đến vườn
xoài Jìvaka để chiêm bái Thế Tôn. Ngồi trên voi chúa, vua Ajàtasattu cùng
với các cung phi và tùy tùng xuất hành ra khỏi Ràjagaha, dưới ánh sáng
các ngọn đuốc, với oai nghi của bậc đại vương thẳng tiến đến vườn xoài
Jìvaka.
Khi đến không xa vườn xoài, Ajàtasattu bỗng sợ hãi, kinh hoàng, râu
tóc dựng ngược, nói với Jìvaka:
Này Jìvaka, ngươi có phản ta chăng? Ngươi nạp ta cho kẻ thù chăng?
Tại sao trong một đại chúng lớn như thế, 1.250 vị mà không có một tiếng
đằng hắng, một tiếng ho hay tiếng ồn?
Tâu đại vương, thần không phản bội hay lường gạt ngài đâu. Nơi căn
nhà tròn kia, chỗ có những ngọn đèn, Thế Tôn đang ngồi ở chính giữa,
trước mặt chúng Tỷ-kheo.
Ajàtasattu đến gần, nhìn các Tỷ-kheo đang yên lặng an tịnh như một
hồ nước trong, cảm hứng nói rằng: “Mong cho hoàng tử Udàyibadha cũng
được sự trầm lặng của các vị Tỷ-kheo này”.
(ĐTKVN, Trường Bộ I, kinh Sa Môn Quả [trích], VNCPHVN ấn hành, 1991, tr.98)
LỜI BÀN:
Trong suy nghĩ của mọi người, nơi nào có sự tập trung đông đảo thì
thường ồn ào, náo nhiệt. Vì thế, vua Ajàtasattu (A-xà-thế) đã một phen
hoảng vía đến độ râu tóc dựng ngược, tưởng như rơi vào ổ phục kích bởi
khi đến gần hội chúng 1.250 người của Thế Tôn mà bốn bề hoàn toàn lặng
lẽ, tĩnh mịch.
Sau này, vua Ajàtasattu mới biết im lặng như Chánh pháp là một trong
những đặc điểm của các hội chúng Tỷ-kheo.
Thời Thế Tôn, hầu hết các Tỷ-kheo đều có đời sống nội tâm sung mãn,
giác tỉnh cao độ, do vậy những hội chúng Tỷ-kheo thời ấy đa phần thanh
tịnh và hòa hợp.
Ngày nay, chốn thiền môn vẫn còn duy trì được được sự im lặng cao quý
ấy. Đặc biệt là những thiền viện, tu viện lớn với đông đảo người tu quy tụ
nhưng vẫn giữ được sự im lặng, trang nghiêm nhờ tuân thủ nghiêm mật quy
củ thiền môn. Có điều, trong những lễ lạt, hội họp… hiện nay, đa phần các
Tỷ-kheo chưa thiết lập được sự nói năng như Chánh pháp trong hội chúng.
Do đó sự ồn ào, náo nhiệt kiểu hội chúng Bà la môn mà Thế Tôn thường quở
trách, điều không nên có ấy vẫn thường xảy ra.
Tất nhiên, không ai chỉ trích, trách cứ hay phiền hà gì khi tập trung đông
đúc mà ồn ào. Tuy vậy, sự an tịnh, im lặng hùng tráng vẫn là nền tảng của
thiền môn, là phẩm chất của hội chúng xuất gia. Vì thế, luôn chánh niệm,
không giao động trước mọi hoàn cảnh, thiết lập một hội chúng trang nghiêm
và thanh tịnh như hội chúng của Thế Tôn nơi vườn xoài Jìvaka năm xưa, để
cho tứ chúng nương tựa là điều những người con Phật tu học trong bối cảnh
hiện nay cần lưu tâm, thực hiện.
QUẢNG TÁNH

LUÔN NHẮC BẢN THÂN MỖI NGÀY SỐNG THIỆN

  1. RỒI MÌNH SẼ GIÀ.
    Sự già đối với chúng ta rất hiển nhiên trong cuộc sống hằng ngày. Rồi
    một ngày không xa, mình cũng già như bao người khác. Đó là sự thật!
    Tuổi già sẽ đến với chúng ta, điều đó là chắc chắn và cũng không một ai
    thoát khỏi sự thật này. Do đó, chúng ta nên cố gắng luôn suy xét và tâm
    niệm!
    Đừng nên tự mãn cho rằng: mình còn trẻ, còn khỏe, còn mạnh.
  2. RỒI MÌNH SẼ BỆNH, SẼ ĐAU.
    Chúng ta hãy nhìn xem người bệnh họ như thế nào? Khi bị nỗi đau của
    bệnh tật chi phối, sẽ khiến chúng ta mệt mỏi, đau đớn thống khổ. Nỗi khổ
    của thân sẽ không bỏ qua bất kì người nào. Trong tương lai cái khổ, cái đau
    sẽ hành hạ chúng ta.
    Trước khi chưa già, chưa bệnh, chưa bị đau đớn từ thân thể, chúng ta phải
    biết nỗ lực học hỏi giáo Pháp và thực hành thiền để vun bồi đạo lộ tâm linh,
    hành trình giác ngộ.
  3. RỒI MÌNH SẼ CHẾT
    Ai rồi cũng phải chết. Đó là điều hiển nhiên trong cuộc sống. Dường như
    chúng ta không hề quan tâm, để ý. Khi cái chết bắt đầu tìm đến chúng ta, có
    lẽ nỗi sợ hãi, nỗi lo lắng kinh hoàng sẽ chinh phục mình dễ dàng.
  4. RỒI MÌNH SẼ BỎ LẠI TẤT CẢ SAU CÁI CHẾT.
    Gia đình của ta, người thân của ta, sự nghiệp của ta,tiền tài của ta, hội
    chúng của ta,… tất cả đều bỏ lại. Sự chết sẽ chấm dứt tất cả mà cái tôi , cái ta
    đã bao năm gầy dựng đều sẽ bị tan vỡ.
  5. RỒI NHÂN QUẢ SẼ THEO MÌNH SAU CÁI CHẾT.
    Tất cả đều bỏ lại sau cái chết, chỉ có nghiệp thiện và bất thiện theo mình
    nhiều kiếp sống tương lai.
    Thân, khẩu, ý sống bất thiện sẽ cho quả đau khổ!
    Thân, khẩu, ý sống thiện sẽ cho quả an lạc!
    Vì danh, vì lợi, vì cái tôi quá lớn mà bất chấp làm những điều xấu ác, làm
    hại người, làm đau khổ chúng sanh, gieo tạo nghiệp bất thiện. Sau khi chết
    người đó phải chịu nỗi thống khổ trong 4 đường dữ (Điạ ngục, Ngạ quỷ, Súc
    sanh và A-tu-la)
    Người sống biết bố thí, trì giới, hành thiền sẽ được an lạc cõi người, cõi
    trời.
    Vì vậy, các con phải luôn tâm niệm, ghi nhớ và suy xét kĩ 5 sự thật này.
    Hãy sống thiện mỗi ngày các con nhé!
    (Lời dạy của Ngài Đại Trưởng Lão Mahabodhi Myaing Sayadaw)
    Nguồn: trích dẫn từ Myanmar

Đến một tuổi nào đó..

Con người ta hình như đến một tuổi nào đó sẽ ngộ ra rằng cuộc đời thật
ra chẳng có gì quan trọng. Cuối cùng rồi như nhau cả. Bạn có thể có một
cuộc đời sung sướng, hạnh phúc hay bạn đã phải lầm than, nghèo túng, khổ
đau. Cuối con đường có khác gì nhau đâu. Lúc xuôi tay, quân vương hay kẻ
cơ hàn đều là sự giã biệt. Có thể có kẻ sẽ có tiền hô hậu ủng, kèn trống vang
trời. Có người bó trong chiếc chiếu rách đi giữa mưa rơi. Nhưng cả hai đều
chẳng còn biết gì, tất cả đều đang làm cho người sống.
Đến một tuổi nào đó, người ra sẽ nghiệm thấy rằng cuộc đời chỉ là con số
không to tướng. Sinh ra, lớn lên, già đi rồi mất hút. Mọi thứ danh vọng chỉ
là trò hư ảo. Mọi thứ của cải làm ra cũng chỉ là thứ phù phiếm có rồi mất.
Mọi thứ hoan lạc hay khổ ải cũng chỉ là gia vị của cuộc đời. Sinh ra thì phải
sống, phải chiến đấu để tồn tại, phải khát vọng để vươn lên. Thế rồi, khi tuổi
già đã tới, những bi kịch của tàn phai tác động đến mỗi người, sẽ thấy hoá
ra mình đã bỏ cả tuổi thanh xuân để chạy theo toàn những thứ ảo vọng.
Tranh dành nhau cái danh, lấn lướt nhau đoạt lợi. Được danh lợi rồi lại tham
vọng nhiều hơn, lớn hơn. Cuối cùng cũng chỉ là một cuộc chơi, để rồi trắng
tay lúc trở về cát bụi.
Đến một thời điểm nào đó của cuộc sống, nhìn lại đọan đường ta đã đi,
ta phát hiện ta chỉ để lại lắm điều lầm lỗi. Lầm lỗi với cha mẹ, với những
người thân yêu. Lầm lỗi với bạn bè, với xã hội. Lầm lỗi với những người ta
đã gặp, những người đã đi qua đời ta. Tất cả đều do cái tôi quá lớn của mỗi
người. Không biết quên mình mà chỉ sống cho mình. Do vậy, những suy
nghĩ và hành động ích kỷ cứ mãi quẩn quanh để đưa đến lỗi lầm.
Sống đến tuổi nào đó, người ta mới hiểu được rằng tự thắng được mình
mới là điều quan trọng. Tuổi trẻ háo thắng chỉ chăm chăm thắng người, hơn
người. Cảm thấy tự mãn và sung sướng trong thắng lợi. Có biết đâu rằng cái
thắng lợi mình có là cái thất bại và đớn đau cho người khác. Đâu có biết rằng
chính cái thắng lợi ấy là chiếc bẫy tiếp theo của cuộc đời mình. Trong mọi
hoàn cảnh, tự thắng chính mình là điều khó nhất. Làm được điều đó là ta đã
có thể tự hào.
Đến một tuổi nào đó, người ta mới hiểu được rằng lắng nghe mới là điều
cần thiết. Biết lắng nghe là biết thu thập cả thế giới cho riêng mình. Biết lắng
nghe thì mới phân biệt được phải trái phân minh. Biết lắng nghe thì mới có
sẻ chia. Muốn lắng nghe thì phải học im lặng. Con người ta chỉ mất vài năm
để học nói, nhưng mất cả đời để học im lặng. Im lặng để lắng nghe. Không
chỉ lắng nghe ngôn ngữ của con người, ta phải tập lắng nghe tiếng của thiên
nhiên, tiếng của cỏ cây, giun dế, của gió, của nắng, của mưa bão. Tiếng sóng
vỗ, tiếng chim kêu đều mang lại cho ta những cảm xúc của cuộc đời. Thiếu
chúng nó, cuộc đời chỉ là khoảng trống vô vị.
Tới một tuổi nào đó, con người nên đến với thế nhân bằng những nụ cười.
Hãy cười với nhau bằng tâm hồn mở tất cả các cửa, với tấm lòng thân thiện.
Hãy chào nhau dù chỉ gặp một lần vì biết đâu ngày mai không còn cơ hội để
gặp, không còn dịp để gởi nhau nụ cười. Sinh tử là ranh giới mỏng manh.
Đời vốn vô thường. Già sẽ đưa đến tật bệnh, bệnh làm cho người ta héo úa,
đau đớn khó chịu. Nếu lạc quan và trang bị nụ cười với mọi người, nỗi đau
sẽ giảm đi, héo úa sẽ bớt đi, nụ cười chính là son phấn trang điểm cho tuổi
già.
Đến một tuổi nào đó, con người sẽ hiểu được rằng điều cơ bản của con
người là sự cô đơn. Con người sinh ra một mình và mất đi cũng chỉ một
mình. Không ai sống thay ta và cũng chẳng ai chết thay ta. Gia đình, chồng
vợ, con cái, bạn bè đều là người thân đấy, nhưng mỗi người có một cuộc
sống, mỗi người có mỗi số phận và định mệnh riêng. Do vậy, mỗi người phải
tự quyết định đời mình, không chờ đợi một ai có thể thay mình. Trong hành
trình sống, con người là một thực thể cô độc, không ai hoán đổi được. Tới
tuổi già chính là lúc gặm nhấm nỗi cô đơn nhiều nhất.
Đên một lúc nào đó người ta sẽ có những nuối tiếc. Tiếc vì chưa làm được
những điều muốn làm, chưa đến được những nơi muốn đến. Quỹ thời gian
không còn, chuyến tàu sầm sập đến hoàng hôn. Chợt giật mình thời gian
quá ngắn. Bởi thế nên muốn làm gì thì làm ngay, muốn đi đâu thì đừng lần
lửa. Có ước muốn thì hãy thực hiện, kể cả việc trả thù một ai đó. Nhưng mà
nếu tha thứ được thì nên tha thứ, nếu quên được thì nên quên. Sống tập quên
cái cần quên cũng là một thứ thuốc chữa tâm hồn. Nhớ nhiều chỉ vác nặng.
Sống mà mang nặng quá chỉ khổ thân.
Tới một lúc nào đó, người ta hiểu được là sống là để làm cho đủ bốn bổn
phận đối với cuộc đời. Bổn phận với quá khứ là trả hiếu với mẹ cha. Bổn
phận với tương lai là nuôi dạy con cái. Bổn phận với cuộc sống là giúp đỡ
kẻ hoạn nạn, yêu thương mọi người và cuối cùng là bổn phận lấp đầy đời
mình bằng tiêu pha, sinh hoạt hàng ngày. Con người làm ra tiền dù ít hay
nhiều cũng chỉ quẩn quanh từng đó bổn phận. Có kẻ làm không đủ thì là
thiếu trách nhiệm. Thế cho nên làm người là làm tròn bổn phận. Tới tuổi già,
làm xong bổn phận ta có thể ung dung để hưởng những ngày còn lại trong
sự thanh thản.
Duy Ngọc
Namo Buddhaya

AM NHỎ TRONG GIÓ


Khoảng ba mươi năm về trước, tôi đang nhập thất một mình ở Phương
Vân Am (hồi đó gọi là Nông trại Khoai Lang) ở miền Bắc nước Pháp. Am ở
trong cánh rừng có tên là Forêt d’Othe. Tôi thường thích ngồi thiền và đi
thiền hành trong rừng. Vào một buổi sáng rất đẹp trời, tôi quyết định sẽ tận
hưởng cả ngày ở trong rừng nên đã chuẩn bị cơm nắm, muối mè, và một ít
nước uống. Cứ nghĩ rằng sẽ được trọn vẹn một ngày, nhưng mới khoảng ba
giờ chiều thì mây đen thi nhau kéo tới đầy trời.
Sáng sớm hôm đó, trước khi ra khỏi am tôi đã tôi đã mở toàn bộ của sổ
và cửa chính của am để đón nắng ấm và không khí trong lành. Ngay khi
nghe trời trở gió ầm ầm, thì tôi biết đã đến lúc mình phải quay về và trông
nom cái am.
Vừa mới về đến nơi, một khung cảnh hỗn độn, tối tăm và tan tác hiện
ngay ra trước mắt. Gió đã thổi những tờ giấy trên bàn bay tứ tung khắp nơi
trong am. Tôi lập tức đóng hết cửa ra vào và cửa sổ lại, rồi nhóm lửa trong
lò sưởi. Trong khi chờ đợi lò sưởi ấm lên, tôi chậm rãi thu dọn giấy tờ ngổn
ngang thành một chồng để trên bàn, đặt lên đó một hòn gạch, và dọn dẹp
mọi thứ trong am cho gọn gàng. Chẳng mấy chốc, hơi ấm tỏa ra từ lò sưởi
đã mang năng lượng ấm áp và an ổn trở về lại. Ngồi bên lò sưởi, hơ ấm đôi
tay và lắng tai nghe tiếng mưa gió bên ngoài.
Có những ngày mà ta cảm thấy đó không phải là ngày của mình, việc gì
cũng trái với ý ta, càng cố gắng thì mọi chuyện càng trở nên tồi tệ. Ai cũng
đã từng trải qua những ngày như vậy. Đó là thời điểm mà ta nên dừng lại,
buông bỏ hết chỉ trở về với hải đảo tự thân.
Trước tiên hãy đóng hết những cánh cửa chính và cả những cánh cửa sổ
mở ra thế giới bên ngoài như: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý – đó là “sáu căn”
tức là sáu cửa sổ của tâm ta. Đóng chúng lại là để phòng hộ, để gìn giữ.
Không để cho những ngọn gió từ bên ngoài tiếp tục thổi vào và làm xáo trộn
tâm tư ta.
Hãy đóng hết cửa chính và cửa sổ, nhóm lên ngọn lửa của chánh niệm
bằng cách trở về với hơi thở ý thức. Làm lắng dịu lại tâm tư đang hỗn loạn
của mình bằng cách nhận diện và ôm ấp từng cảm xúc trong ta, giống như
cách tôi thu lượm từng trang giấy mà gió đã thổi tan tác kia. Sử dụng năng
lượng của chánh niệm và của định lực để nhận diện và ôm ấp những bức
xúc, bực bội, bất an, lo lắng trong lòng. Đó là cách để chúng ta thiết lập lại
sự bình an.
Nếu chỉ nương tựa vào những điều kiện bên ngoài, ta sẽ mãi mãi lao đao.
Cần có một chỗ dựa vững chắc mà ta có thể trở về bất cứ lúc nào, và bất cứ
ở đâu. Đó chính là hải đảo tự thân.
Trở về và nương tựa sâu sắc nơi hải đảo tự thân, chúng ta sẽ được an lành.
Có thể ta cần thời gian để nuôi dưỡng và phục hồi cho chính mình, để mình
trở nên mạnh mẽ hơn trước khi sẵn sàng quay trở lại và hiến tặng cho cuộc
đời.
Ngay từ khi còn nhỏ, có thể ta đã nhận ra trong mình có một hải đảo như
thế. Mỗi khi gặp chuyện đau khổ và không vừa ý, hãy dừng lại tất cả chỉ trở
về an trú trong hải đảo tự thân. Thực tập như vậy năm phút, mười phút, hay
nửa tiếng. Ta sẽ cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng và thư thái hơn.
Chuyển ngữ từ cuốn sách ” At home in the World”
của Sư Ông Làng Mai.