MẢNH VỠ CỦA CHIẾC CỐC THỦY TINH


Câu chuyện là Bài học thâm thúy cho bất kỳ ai.
Câu chuyện gần gũi mà đầy bất ngờ về chàng thanh niên lần đầu đi thuê
trọ mà tôi chia sẻ dưới đây không chỉ có nội dung thú vị, mà còn như “tiếng
chuông” nhắc nhở tất cả chúng ta hãy biết quan tâm, suy nghĩ đến người
khác.
Một thanh niên vì muốn tìm hiểu nước Đức, nên một mình đến nước Đức
thuê chung cư ở. Chủ nhà là một ông lão hòa ái, dễ gần; sau khi xem phòng,
anh thấy rất hài lòng, liền muốn ký hợp đồng thuê dài hạn với ông chủ.
Ông chủ cười nói:
“Không! Chàng thanh niên, anh chưa từng ở đây, còn chưa biết chỗ này
tốt hay không, chúng ta nên ký hợp đồng ở thử, sau khi có những trải
nghiệm thực tế, khi ấy sẽ cân nhắc có nên thuê dài hạn không.”
Anh nghe xong thấy có lý, cuối cùng đồng ý ký hợp đồng 5 ngày với ông
lão. Gian phòng rất ấm áp, ông lão cũng rất tin tưởng anh, nên không hề đến
kiểm tra đồ đạc. Ngoài ra, rác thải không cần đem xuống phía dưới, đặt ở
cửa ra vào sẽ có công nhân vệ sinh đến lấy theo lịch, cả hành lang sạch sẽ
đến mức không có một hạt bụi.
Hạn 5 ngày đã đến, anh muốn thảo luận với ông lão để có thể thuê dài
hạn, thì xảy ra một chuyện ngoài ý muốn, anh bất cẩn làm vỡ một ly thủy
tinh. Anh rất khẩn trương, cảm giác thấy cái ly này giá trị xa xỉ, e rằng làm
vỡ ly thủy tinh, ông lão sẽ không cho anh tiếp tục thuê phòng.
Nhưng khi anh gọi điện nói cho ông lão, ông lão nói:
“Không sao, anh không phải cố ý mà, cái ly thủy tinh đó rất rẻ.”
Anh rất vui mừng và hy vọng ông lão sẽ đến ký hợp đồng dài hạn, ông
lão đồng ý, rồi cúp điện thoại.
Anh nhanh tay quét dọn những mảnh vỡ thủy tinh và rác cho vào một
cái bao, đặt ở Bên ngoài. Một lát sau, ông lão đến, không đợi anh mở lời, ông
lão nói: “Những mảnh vỡ thủy tinh kia đâu rồi?”
Anh trả lời:
“Tôi đã thu dọn xong và để ngoài cửa đó.” Ông lão mở Bao rác ra xem,
sắc mặt không vui liền đi vào phòng và nói: “Ngày mai anh có thể chuyển
đi, ta không cho anh thuê phòng nữa.”
Anh không thể tưởng tượng nổi, liền hỏi:
“Có phải tôi đã làm vỡ cái ly mà ông yêu thích khiến ông phật ý chăng?”
Ông lão nói:
“Không phải! Lý do là vì trong tâm anh không nghĩ cho người khác.”
Anh bị nói đến ngẩn ngơ không hiểu, đúng lúc này, liền thấy ông lão cầm
một cây bút cùng một cái bao khác, mang theo cây chổi cùng một cái kẹp, đi
ra bên ngoài, ông đổ hết rác trong bao kia ra, phân loại một lần nữa.
Ông lão chọn lựa rất cẩn thận, qua một hồi lâu, đem tất cả mảnh vở thủy
tinh chứa vào một bao, lấy bút viết lên:
“Bên trong là mảnh vở thủy tinh, nguy hiểm!”
Sau đó, mới đổ các loại rác khác vào một cái bao khác, viết lên: “An toàn”.
Anh ở bên cạnh đứng nhìn, từ đầu đến cuối, trong lòng hết sức kính nể,
không biết nói gì nữa. Vài năm về sau, anh vẫn không ngừng nhắc lại chuyện
này, mỗi lần đều liên tục cảm thán.
Sưu tầm

Advertisement

TA XEM TRỌNG ĐIỀU GÌ NHẤT

Một phụ nữ bất hạnh tìm đến lão thiền sư ở nơi thâm sơn để mong được Ngài chỉ dạy bí quyết sống hạnh phúc.

Thiền sư hỏi :

Xin hỏi đạo hữu điều đạo hữu đang xem trọng nhất trong đời là gì ?

Người phụ nữ chau mày suy nghĩ rồi chắp tay đáp :

Bạch thiền sư, con u mê không hiểu rõ câu hỏi của Ngài…

Thiền sư mỉm cười, ôn tồn giảng giải :

Ta hỏi đạo hữu về điều mà đạo hữu đang xem trọng nhất, vì điều đó quyết định đạo hữu có được hạnh phúc trong kiếp nhân sinh hay không.

Người xem trong danh tiếng, thể diện, sĩ diện của bản thân thì sẽ bực tức, oán hận khi bị ai đó hạ nhục, coi thường.

Người xem trong gia tài, lợi lộc thì sẽ đau như cắt từng khúc ruột, tranh đấu mãi khiến thân thể hao mòn khi bị mất mát tiền của.

Người xem trọng sắc đẹp thì ắt sinh lo buồn, ủ rũ khi nhan sắc tàn phai theo năm tháng. Người xem trọng tình cảm nam nữ thì không tránh khỏi thất tình khi bị người yêu hờ hững, phản bội.

Người xem trọng và sống lụy tình cảm thân quyến thì như ngọn cỏ trước gió, không gượng dậy nổi khi người thân gặp chuyện không hay.

Không biết đạo hữu xem trọng nhất điều gì trong số những điều đó ?

Người phụ nữ như bừng tỉnh ngộ. Cô nhận ra mình đang xem trọng và ôm giữ tất cả những điều thiền sư vừa nói. Thì ra những cái ấy chính là nguyên nhân của nỗi bất an đeo đẳng suốt cuộc đời cô.

Cô nói : 

Bạch thiền sư, cảm tạ Ngài khai thị. Vậy con phải xem trọng nhất điều gì thì mới có hạnh phúc của nhân sinh đây ?

Thiền sư mỉm cười, nhẹ nhàng đáp :

Thứ duy nhất đạo hữu nên bảo vệ trên đời này chính là đời sống tâm linh và đạo đức của mình.

Người có đời sống tâm linh và đạo đức thì không hốt hoảng khi mất tiền của vì xét cho cùng chúng chỉ là phương tiện, mà phương tiện thì có thể dễ dàng tìm lại được, và dẫu có mất đi thì không hao tổn đến đức hạnh của mình.

Người đó cũng không bực tức khi bị sỉ nhục, không thất vọng khi bị lạnh nhạt, không bất an khi gia đình có chuyện chẳng hay.

Người đó không lo buồn theo năm tháng vì hiểu rõ rằng sỉ nhục, lạnh nhạt, hoạn nạn và tuổi già là những thứ nằm ngoài sự kiểm soát của mình, không thể tác động đến đời sống tâm linh và đạo đức của mình.

Người đó sẽ chấp nhận tất cả những thăng trầm, thịnh suy của đời sống vì cuộc đời xưa nay vốn thế.

Người đó sẽ cảm ơn khi bị người khác bôi nhọ vì đó là cơ hội tốt để tu dưỡng đức hạnh.

Một người sống bình an giữa những biến động, được mất vô thường chẳng phải là người có nội tâm vững chãi và hạnh phúc hay sao?

Nghe xong, người phụ nữ bất hạnh kia bắt đầu lặng im nghĩ suy về những điều mình đã và đang xem trọng trong đời.

Còn bạn, bạn đang xem trọng điều gì nhất ?

Trong phút giây này em có hay

Vạn vật quanh mình đang chuyển xoay

Có mầm non hé, hoa cười nụ,

Chiếc lá xa cành theo gió bay ?

Trong khoảnh khắc này em biết chăng

Có người hạnh phúc, kẻ băn khoăn

Nơi tê nghèo đói, đời cô quạnh

Chỗ nớ ngày chưa hết nhọc nhằn ?

(Trích An Nhiên Giữa Những Thăng Trầm)

ĐỪNG BẮT CHƯỚC

Người ta thường có khuynh hướng bắt chước theo thầy của mình. Họ trở thành bản sao, hình chụp hay rập khuôn theo thầy. Chẳng khác nào chuyện người huấn luyện ngựa cho nhà vua sau đây.

Người huấn luyện ngựa cho nhà vua chết, nhà vua thuê một người huấn luyện mới. Bất hạnh thay người mới này bị kiễng chân. Những con ngựa mới và chọn lọc kỹ càng được mang đến cho y. Và y đã huấn luyện chúng thuần thục: chạy, phi nước kiệu, kéo xe, v. v., nhưng tất cả những con ngựa nhỏ đều có bước đi khập khiễng. Thấy lạ, nhà vua cho gọi người huấn luyện đến hỏi. Khi thấy y khập khiễng bước vào chầu, nhà vua hiểu ra mọi lẽ và tức khắc mướn một người huấn luyện ngựa khác.

Là những vị thầy, quí sư phải ý thức đến sức mạnh của những cử chỉ và lối sống, lối tu hành của mình.

Và quan trọng hơn, là học trò, các bạn không nên bắt chước theo hình ảnh, tư thái bên ngoài của thầy mình. Vị thầy chỉ muốn bạn kiện toàn phần nội tâm của bạn.

Hãy lấy trí tuệ nội tại của bạn làm mô phạm, đừng bắt chước dáng đi khập khiễng của thầy.

Trích “MẶT HỒ TĨNH LẶNG”, Thiền sư Ajahn Chah

Tỳ kheo Khánh-Hỷ chuyển dịch

TA TỰ TẠO KHỔ VUI CHO MÌNH

Con người sống ở đời đều có một điểm chung là không thể chọn cho mình nơi chốn sinh ra. Xuất thân trong một gia đình sang hay hèn, giàu hay nghèo, khổ hay vui là do nghiệp duyên của mỗi người. Có điều, sinh ra trong gia đình với nhiều điều kiện thuận lợi là phước duyên nhưng cũng không chắc là về sau người ấy sẽ thành công, hạnh phúc và ngược lại.

Theo tuệ giác của Thế Tôn, nghiệp cũ quyết định hoàn cảnh xuất thân nhưng nghiệp mới sẽ quyết định tương lai. Nghiệp mới là cái mà chúng ta hoàn toàn tự chủ tạo dựng trong cuộc sống này. Người đệ tử Phật nếu thực sự hiểu đúng và thực hành Chánh pháp luôn chủ động phấn đấu để chuyển hóa chính mình để tạo ra tương lai tốt đẹp. Nói cách khác, khổ vui trong hiện tại và tương lai là do chính chúng ta tạo nên.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nay có bốn hạng người xuất hiện ở đời. Thế nào là bốn? Có người trước khổ sau vui, hoặc có người trước vui sau khổ. Có người trước khổ sau cũng khổ, hoặc có người trước vui sau cũng vui.

Thế nào là người trước khổ, sau vui?

Ở đây, có người sanh trong nhà ti tiện, hoặc dòng đồ tể, hoặc dòng thợ thuyền, hoặc sanh trong nhà tà đạo và các nhà bần khó khác, ăn mặc chẳng đủ. Người ấy sanh trong nhà kia nhưng không có tà kiến. Người ấy nhận thấy có bố thí, có người thọ, có đời này, đời sau, có Sa-môn, Bà-la-môn, có cha, có mẹ, có A-la-hán v.v… lãnh thọ giáo pháp, cũng có quả báo thiện ác.

Nếu người ấy thấy có nhà rất giàu, đã biết là quả báo do bố thí, quả báo không buông lung ngày xưa. Nếu người ấy thấy người người nhà không cơm áo, biết những người này không bố thí, hằng gặp bần tiện. “Nay tôi lại gặp bần tiện không có cơm áo, đều do ngày trước không tạo phước, hoặc người đời hành pháp buông lung. Do quả báo ác hạnh này, nay gặp bần tiện, ăn mặc chẳng đủ”.

Nếu người ấy lại thấy Sa-môn, Bà-la-môn, tu pháp lành, liền đến sám hối, sửa đổi việc làm cũ; nếu lại có dư dả, đem chia đều cho người. Người ấy thân hoại mạng chung sẽ sanh cõi lành. Nếu sanh trong loài Người thì người ấy lắm tiền nhiều của, không thiếu thốn. Đó là người trước khổ, sau vui.

Hạng người nào trước vui, sau khổ?

Ở đây, có một người sanh trong nhà hào tộc, hoặc dòng Sát-lợi, hoặc dòng Trưởng giả, hoặc con nhà dòng dõi, và các nhà phú quý, áo cơm đầy đủ. Nhưng người ấy hằng ôm tà kiến, tương ưng với biểu kiến. Người ấy có cái thấy thế này: không có bố thí, không có người thọ, cũng không quả báo đời này, đời sau, cũng không cha mẹ, không có A-la-hán, cũng không có người đắc chứng, cũng không có quả báo thiện ác. Người ấy có tà kiến này. Nếu người ấy lại thấy có người phú quý liền nghĩ: “Người này có tiền của từ lâu, đàn ông đã từ lâu làm đàn ông, đàn bà đã từ lâu làm đàn bà, súc sanh từ lâu làm súc sanh”. Người ấy không ưa bố thí, không giữ giới luật.

Nếu người ấy thấy Sa-môn, Bà-la-môn phụng trì giới liền nổi giận: “Người này hư dối, sẽ có phước báo cảm ứng ở đâu?” Người ấy thân hoại mạng chung sẽ sanh trong địa ngục. Nếu được làm người sẽ sanh nhà bần cùng, không đủ áo cơm, thân thể lõa lồ, ăn mặc không đủ. Đó là người trước vui sau khổ.

Hạng người nào trước khổ, sau khổ?

Ở đây, có người sanh nhà bần tiện, hoặc dòng đồ tể, hoặc dòng thợ thuyền, và các nhà hạ liệt, không đủ cơm áo. Người ấy sanh trong nhà kia. Sau người ấy ôm tà kiến, tương ưng với biểu kiến. Người ấy có kiến chấp này: không có bố thí, không có người thọ, cũng không có quả báo thiện ác đời này, đời sau; cũng không có cha mẹ, không có A-la-hán’. Người ấy không ưa bố thí, không giữ giới luật.

Nếu người ấy lại thấy Sa-môn, Bà-la-môn thì liền nổi giận đối với bậc Hiền Thánh. Người ấy thấy người nghèo cho là đã thế từ lâu, thấy người giàu cho là đã thế từ lâu, thấy cha xưa đã là cha; thấy mẹ xưa đã là mẹ. Khi thân hoại mạng chung, người ấy đọa sanh trong địa ngục. Nếu sanh người ấy làm người thì hết sức bần tiện, áo cơm chẳng đủ. Đó là người trước khổ, sau khổ.

Thế nào là người trước vui, sau vui?

Ở đây, có người sanh nhà phú quý, hoặc dòng Sát-lợi, hoặc dòng Phạm chí, hoặc dòng Quốc vương, hoặc sanh dòng trưởng giả và sanh trong các nhà nhiều tiền lắm của. Chỗ sanh không bị thiếu thốn. Sau, người ấy lại có chánh kiến, không có tà kiến. Người ấy có chánh kiến như thế này: “Có bố thí, có người thọ, có đời này, đời sau, có Sa-môn, Bà-la-môn, cũng có quả báo thiện ác, có cha, có mẹ, có A-la-hán”.

Người ấy nếu lại thấy người thuộc nhà phú quý, lắm tiền, nhiều của, liền nghĩ: “Người này do ngày xưa bố thí mà được”. Nếu lại thấy nhà bần tiện: “Người này do ngày xưa chẳng bố thí”. Vậy nay ta có thể tùy thời bố thí, chẳng để sau sanh trong nhà bần tiện. Vì thế người ấy thường ưa bố thí cho người.

Người ấy nếu thấy Sa-môn, Bà-la-môn, đạo sĩ liền tùy thời thăm hỏi sức khỏe, cung cấp y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men trị bịnh, đều bố thí cho. Khi mạng chung người ấy sẽ sanh lên trời, chỗ lành. Nếu sanh trong loài người thì người ấy sẽ vào nhà phú quý, lắm tiền nhiều của. Đó là người trước vui, sau vui”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm 29. Khổ lạc trg.80)

Pháp thoại này cho thấy chánh kiến có vai trò rất quan trọng. Người có chánh kiến là người “nhận thấy có bố thí, có người thọ, có đời này, đời sau, có Sa-môn, Bà-la-môn, có cha, có mẹ, có A-la-hán v.v… lãnh thọ giáo pháp, cũng có quả báo thiện ác” và “lại thấy Sa-môn, Bà-la-môn, tu pháp lành, liền đến sám hối, sửa đổi việc làm cũ; nếu lại có dư dả, đem chia đều cho người”. Thấy biết đúng sẽ hành động đúng, dẫn đến tương lai tươi sáng. Nếu xuất thân nơi nhà nghèo khó, nhờ chánh kiến mà xây dựng được ngày sau của mình theo hướng thiện lành (trước khổ, sau vui). Nếu xuất thân nơi nhà giàu sang, cũng nhờ chánh kiến mà kiến tạo tương lai tốt đẹp hơn nữa (trước vui, sau vui).

Ngược lại, nếu chấp giữ tà kiến sai lạc “không có bố thí, không có người thọ, cũng không quả báo đời này, đời sau, cũng không cha mẹ, không có A-la-hán, cũng không có người đắc chứng, cũng không có quả báo thiện ác” và “không ưa bố thí, không giữ giới luật”. Do tà kiến nên khiến người ấy không tạo thêm phước mới thiện lành nào. Nếu xuất thân nơi nhà giàu sang, vì tà kiến mà tiêu xài hết phước cũ, không biết tạo ra phước mới tốt đẹp nên về sau phải chịu khổ (trước vui, sau khổ). Nếu xuất thân nơi nhà nghèo khó, lại còn tin theo tà kiến nên hiện tại và tương lai không được chút phước nào, chịu khổ cả đời (trước khổ, sau khổ).

Rõ ràng, Đức Phật không dạy chúng ta cầu xin Ngài ban cho chúng ta điều này hay việc nọ. Người Phật tử “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, vì “Như Lai là bậc Thầy chỉ đường”. Ngài đã chỉ ra con đường kiến tạo nghiệp mới thiện lành rất rõ ràng. Đó là tin sâu nhân quả thiện ác mà tránh xa việc xấu, thấy rõ phước báo bố thí rồi theo khả năng mà gieo trồng, thực hành đạo đức trong đời sống hàng ngày, hiếu kính cha mẹ, nương tựa các bậc tu hành chân chính để tu tập… Những ai thực hành theo lời dạy của Ngài thì chắc chắn sẽ kiến tạo được một tương lai hạnh phúc, an lành.

QUẢNG TÁNH

TRÂN TRỌNG NHÂN DUYÊN KIẾP NGƯỜI

Tất cả chúng ta có mặt với nhau ở đây không phải tự nhiên mà do có nhân duyên với nhau nhiều đời nên nay mới gặp. Có người mình chưa bao giờ biết, nhưng vừa gặp thì thấy thân thiện, quen quen, như đã gặp ở đâu rồi. Có người vừa mới gặp là đã thấy ghét. Đó là dấu hiệu cho thấy mình đã có duyên với nhau từ nhiều kiếp trước, bây giờ mới gặp lại đây.

Người mình từng mang ơn thì vừa trông thấy liền cảm mến. Người đã tạo oán thì trông thấy liền bực mình. Con người chúng ta do tạo các nhân duyên thiện ác lẫn lộn nên sanh ra ở cõi ta bà phải kham nhẫn này.

Bạn yêu thương con cái của mình ư? Từng giờ từng khắc bạn mong rằng mình có thể ngăn gió chắn mưa cho chúng. Vậy mà tuổi bạn đang lớn lên từng ngày. Rồi cũng có một ngày, trước mặt các con, bạn cũng phải bỏ chúng mà đi. Bạn chỉ có thể cùng đi với con cái chỉ có một đoạn đường!

Bạn thương yêu cha mẹ mình, hy vọng họ sống lâu trăm tuổi. Nhưng trong lúc bạn đang rất hiếu thuận với cha mẹ, thì họ cũng sẽ rời xa trước mặt bạn, bạn cũng chỉ có thể đi cùng cha mẹ mình duy chỉ một đoạn đường mà thôi!

Bạn xem trọng tình nghĩa bạn bè, nhưng nếu không phải bạn bè lìa xa bạn, thì chính bạn cũng sẽ phải lìa xa bạn bè. Bạn chỉ có thể cùng đi với bằng hữu một đoạn đường thôi! Cũng vì chỉ có thể cùng đi với nhau một đoạn đường, nên bạn càng thêm trân trọng quí mến những gì mình đang có.

Bởi vì chỉ có thể cùng người ta đi chỉ một đoạn đường, nên bạn cũng cần học cách từ bỏ. Cha mẹ chỉ có thể vỗ về nuôi nấng bạn trưởng thành, nhưng không nên kỳ vọng cha mẹ là cây gậy vĩnh viễn để có thể chống đỡ toàn bộ cuộc đời bạn. Con cái cũng chỉ cùng liên quan huyết nhục với bạn chứ không phải là vật phẩm phụ thuộc của bạn.

Bạn chỉ là người khách qua đường trong cuộc đời của người khác, chỉ có thể cùng người khác đi cũng chỉ một đoạn đường đời. Điều đó chính là tính hữu hạn mà bạn cho được người khác, vậy thì làm sao có thể mong cầu người khác cho đi sự vô hạn được?”

Mười năm, hai mươi năm hay một trăm năm của một đời người, cũng chỉ là một đoạn đường. Chúng ta chỉ có thể có duyên cùng đi với nhau chỉ một đoạn nào đó thôi, đừng nhầm lẫn cố chấp, sở hữu. Khoảnh khắc hiếm hoi nào còn duyên, có được, chúng ta nên quan tâm, cho ra hơn là nghĩ người khác phải tuân thủ theo kiểu của mình.

Như thế, sẽ không bị nhận hiểu sai lầm, biết tôn trọng và giúp đỡ người khác, đưa đến một cuộc sống tích cực, vui tươi. Trân trọng Nhân Duyên chính là Sống không làm khổ mình và người…!

Tiếng Lòng

Namo Buddhaya

LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY


“Không làm tổn thương đến người là việc làm tốt lớn nhất mà chúng ta
có thể làm được cho người.
Có cái nhìn đúng đắn về cuộc sống là việc tốt lớn nhất mà chúng ta có thể
làm được cho bản thân mình”.
Trái tim thì ai cũng có, nhưng có khả năng dùng được nó để thương người
hay không lại là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.
Ai cũng nghĩ mình có khả năng hiểu được cuộc sống, nhưng hiểu đúng
hay không để ngày mai có thể tựa vào đó mà bình yên cũng lại là hai câu
chuyện hoàn toàn khác nhau nữa.
Khi cái giá của bình yên chính là từ bi và sự hiểu biết, thì với những lần
thương người không đúng, và những lần hiểu sai cuộc sống chẳng khác gì
những tờ tiền giả, có kẻ mang những tờ tiền giả đó đi khắp nơi, rồi trách
cuộc sống sao không chịu đổi cho mình một ngày bình yên thật sự.
Tiền giả nhìn sơ qua cũng giống tiền thật, nhưng lại không có giá trị gì;
những lần thương người không đúng, nhiều khi làm cho cả hai phải bất an;
và những lần hiểu cuộc đời không đúng, lắm lúc biến mình thành một kẻ lạc
đường.
Ngay bên trong những tổn thương mà con người mang đến, và ngay phía
sau những điều khó hiểu từ cuộc sống đưa đến, không thiếu những hạt mầm
bình yên, chỉ do chúng ta thiếu năng lực từ bi và hiểu biết để kích hoạt chúng
nảy mầm.
Nếu đủ hiểu biết và từ bi để có thể hiểu và thương được cuộc sống, chúng
ta sẽ nhận lại được sự đền bù xứng đáng từ tất cả những nỗi đau.
Vô Thường
Núi. Ngày Cũ
Om Mani Padme Hum