LÒNG NGƯỜI


Hòn đất nhỏ bên đường, có bé nhỏ đến đâu, cũng sẵn lòng cưu mang một
vài hạt cỏ dại xa lạ mà cơn gió mải chơi ngang qua vô tình đánh rơi không
biết, cẩn thận cất vào lòng, nuôi hạt cỏ dại nảy mầm, lớn lên, chờ mùa sau
cơn gió trở lại mang đi.
Có lòng người, đôi khi, còn bé nhỏ và khô cằn hơn hòn đất nhỏ bên
đường, không nuôi dưỡng nổi hạt giống thiện của chính mình, của người
sao nuôi được?!
Nên giữa những người thân quen có dằn vặt ghét bỏ nhau cả đời cũng là
chuyện bình thường. Lòng người hẹp.
Nhưng lòng người cũng rộng hơn tất thảy.
Nên mới có đôi mắt sâu hơn đại dương. Có đôi vai vững chãi hơn núi
cao. Có đôi tay ấm hơn ngọn lửa. Có lời nói thơm hơn hoa dại. Có trái tim
trong hơn giọt nước đầu nguồn.
Để giữa những con người xa lạ, có cho nhau những tình cảm vô điều kiện
cũng là chuyện bình thường. Như hòn đất nhỏ bên đường cưu mang một
hạt cỏ dại xa lạ đi lạc. Lòng người rộng.
Trong cuộc sống, thương ghét nhau là chuyện Bình Thường, nhưng bình
thản được trước những chuyện thương ghét Bình Thường này luôn là điều
Phi Thường.
(Cuộc sống nhìn từ ô cửa Thiền)
VT

Advertisement

BÀI HỌC VỀ SỰ DỐI TRÁ


Một cô gái sau khi tốt nghiệp liền sang Pháp, bắt đầu một cuộc sống vừa
đi học vừa đi làm. Dần dần, cô phát hiện hệ thống thu vé các phương tiện
công cộng ở đây hoàn toàn theo tính tự giác, có nghĩa là bạn muốn đi đến
nơi nào, có thể mua vé theo lịch trình đã định, các bến xe theo phương thức
mở cửa, không có cửa soát vé, cũng không có nhân viên soát vé, đến khả
năng kiểm tra vé đột xuất cũng rất thấp.
Cô đã phát hiện được lỗ hổng quản lí này, hoặc giả chính suy nghĩ của cô
có lỗ hổng. Dựa vào trí thông minh của mình, cô ước tính tỉ lệ để bị bắt trốn
vé chỉ khoảng ba phần trăm.
Cô vô cùng tự mãn với phát hiện này của bản thân, từ đó cô thường xuyên
trốn vé. Cô còn tự tìm một lý do để bản thân thấy nhẹ nhõm: mình là sinh
viên nghèo mà, giảm được chút nào hay chút nấy.
Sau bốn năm, cô đạt được tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi của một trường
danh giá, cô tràn đầy tự tin đến những công ty lớn xin việc. Nhưng những
công ty này không hiểu vì lí do gì, lúc đầu còn rất nhiệt tình nhưng về sau
đều từ chối cô. Thất bại liên tiếp khiến cô tức tối. Cô nghĩ nhất định những
công ty này phân biệt chủng tộc, không nhận người nước ngoài.
Cuối cùng có một lần, cô trực tiếp đến bộ phận nhân lực của một công ty,
yêu cầu giám đốc đưa ra một lý do vì sao từ chối cô. Kết cục họ đưa ra một
lí do khiến cô không ngờ.
“Thưa cô, chúng tôi không hề phân biệt chủng tộc, ngược lại chúng tôi
rất coi trọng cô. Lúc cô đến phỏng vấn, chúng tôi đều rất hài lòng với môi
trường giáo dục và trình độ học vấn của cô, thực ra nếu xét trên phương diện
năng lực, cô chính là người mà chúng tôi tìm kiếm.”
“Vậy tại sao công ty ngài lại không tuyển dụng tôi?”
“Bởi chúng tôi kiểm tra lịch sử tín dụng của cô và phát hiện ra cô đã từng
ba lần bị phạt tiền vì tội trốn vé”
“Tôi không phủ nhận điều này, nhưng chỉ vì chuyện nhỏ này, mà các anh
sẵn sàng bỏ qua một nhân tài đã nhiều lần được đăng luận văn trên báo như
tôi sao?”
“Chuyện nhỏ? Chúng tôi lại không cho rằng đây là chuyện nhỏ. Chúng
tôi phát hiện, lần đầu tiên cô trốn vé là khi mới đến đất nước chúng tôi được
một tuần, nhân viên kiểm tra đã tin rằng do cô mới đến và vẫn chưa hiểu rõ
việc thu vé tự giác, cho phép cô được mua lại vé. Nhưng sau đó cô vẫn trốn
vé thêm 2 lần nữa.”
“Khi đó trong túi tôi không có tiền lẻ.”
“Không, không thưa cô. Tôi không thể chấp nhận lí do này của cô, cô
đang đánh giá thấp IQ của tôi ư. Tôi tin chắc trước khi bị bắt trốn vé, cô đã
trốn được cả trăm lần rồi.”
“Đó cũng chẳng phải tội chết, anh sao phải cứng nhắc như vậy? Tôi sửa
là được mà.”
“Không không, thưa cô. Chuyện này chứng tỏ hai điều:
Một là cô không coi trọng quy tắc. Cô lợi dụng những lỗ hổng trong quy
tắc và sử dụng nó.
Hai, cô không xứng đáng được tin tưởng. Mà rất nhiều công việc trong
công ty chúng tôi cần phải dựa vào sự tin tưởng để vận hành, nếu cô phụ
trách mở một khu chợ ở một nơi nào đó, công ty sẽ cho cô toàn quyền lực
phụ trách.
Để tiết kiệm chi phí, chúng tôi sẽ không lắp đặt các thiết bị giám sát, cũng
như các hệ thống xe công cộng mà cô đã thấy đó. Vì vậy chúng tôi không thể
tuyển dụng cô, tôi có thể chắc chắn rằng, tại đất nước chúng tôi, thậm chí cả
châu Âu này cô sẽ không thể xin vào được nổi một công ty nào đâu.”
Đến lúc này cô mới tỉnh ngộ và cảm thấy hối hận vô cùng. Sau đó, điều
khiến cô ghi nhớ nhất là câu nói cuối cùng của vị giám đốc này:
“ Đạo đức có thể bù đắp cho sự thiếu hụt về trí tuệ, nhưng trí tuệ mãi mãi
không thể bù đắp cho sự thiếu hụt về đạo đức “.
Đạo đức là phẩm chất cơ bản nhất của con người, cũng là nhân cách của
một người. Một người dù ưu tú đến đâu nhưng nhân cách có vấn đề, cũng
sẽ mất đi niềm tin và sự ủng hộ của người khác.
Trên phương diện việc làm, những hành vi mất nhân cách thế này càng
đáng sợ hơn, vì cái lợi nhỏ trước mắt mà phá bỏ nguyên tắc, điều này chắc
chắn sẽ hủy hoại tiền đồ của bạn.
Tôi cho các bạn lời khuyên chân thành, trong sự nghiệp cần phải dựa vào
năng lực và chân thành của bản thân, mất thứ gì cũng không bằng mất nhân
phẩm.
NQB – Sưu Tầm

VỪA PHÁT TÂM ĐÃ VƯỢT TRÊN NHỊ THỪA.

Có một vị A-la-hán đã chứng Lục thần thông, một hôm dẫn chú sa-di mang túi đựng y bát của ngài đi theo sau. Khi ấy, chú sa-di trong lòng khởi lên tâm nguyện rằng:

“Ta phải chuyên cần nỗ lực tu tập tinh tấn để cầu được quả Phật.”

Vị A-la-hán ngay khi ấy liền quay lại nhận lấy túi đựng y bát để tự mình mang đi, lại bảo chú sa-di đi lên phía trước.

Chỉ trong chốc lát sau, chú sa-di lại khởi lên ý niệm rằng:

“Cầu quả Phật thật xa xôi khó được, chẳng bằng ta nên cầu quả Thanh văn, sẽ sớm được tự giải thoát.”

Vị A-la-hán khi ấy liền đặt túi đựng y bát lên vai chú sa-di, bảo chú đi ra phía sau. Cứ như vậy lặp lại đến 3 lần, chú sa-di liền nói:

“Hòa thượng già quá lú lẫn rồi, cớ sao lại bảo con khi thì đi trước, lúc lại đi sau?”

Vị A-la-hán đáp:

“Ta không hề lú lẫn, chỉ vì lúc trước con phát tâm cầu quả Phật, tức đứng vào hàng Bồ-tát, vị thế ắt cao hơn ta, nên ta phải đi sau mà tự mang túi xách, không dám để con mang. Ngay sau đó con lại khởi tâm ưa thích quả Thanh văn, không còn tâm niệm cứu độ chúng sinh, vị thế đã thấp hơn ta, tất nhiên phải đi theo sau mang túi xách cho ta.”

Chú sa-di nghe thầy nói đúng tâm ý mình, trong lòng kinh hãi, từ đó tâm ý kiên định, hết lòng chuyên cần tinh tấn cầu quả Phật.

LỜI BÀN

Kinh Ưu-bà-tắc giới dạy rằng:

“Khi có một người phát tâm Bồ-đề, tất cả chư thiên đều vô cùng kinh ngạc vui mừng, cho rằng nay đã có được một bậc thầy trong hai cõi trời, người.”

Chỉ nói rằng vừa mới phát tâm, tất nhiên có thể hiểu là chưa từng trải qua sự tu tập chứng đắc, như vậy mà đã vượt trên quả vị A-la-hán. Đó là vì đã phát tâm nguyện, ắt ngày sau sẽ được thành tựu. Cũng giống như vị thái tử vừa mới sinh ra, tuy hãy còn nằm trong nôi nhưng tất cả các vị lão thần quan chức trong triều đình đều phải cung kính lễ bái.

Phát tâm Bồ-đề, tức phát tâm cầu quả Phật để cứu độ tất cả chúng sinh.

Trích: An Sĩ Toàn Thư – 01 – Khuyên Người Tin Sâu Nhân Quả – Quyển Thượng.

YÊU NHỮNG ĐIỀU KHÔNG HOÀN HẢO

Ngẫm lại cuộc sống của chính mình đã thấy rất nhiều điều không hoàn hảo. Trước hết, chỉ nhìn vào bản thân mình thôi cảm nhận được nhiều thiếu sót rồi: Lời nói và hành động mâu thuẫn với nhau.

Chưa kể đôi khi ta còn khiến người khác tổn thương, thậm chí còn làm những việc khiến bản thân cảm thấy hối hận. Và khi nhìn vào những người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, ta cũng nhận thấy những điều không-hoàn-hảo tương tự như vậy.

Nhưng dù đang sống giữa thế gian đầy rẫy những điều không hoàn hảo, ta vẫn không thể ngừng yêu thương chính những điều không hoàn hảo ấy. Cuộc sống rất đáng để trân trọng, ta không thể phí hoài cuộc sống vào việc mỉa mai hay căm ghét thứ gì đó chỉ vì không thể hiểu được nó hoặc nó không vừa ý ta.

Cuốn sách không chỉ là những lời chia sẻ, nó giúp mình có một cái nhìn bao dung hơn trong cuộc sống, giúp mình cảm thấy trân trọng hơn những điều bình dị, giúp tâm hồn mệt mỏi cảm thấy được an ủi và còn giúp những vết thương lòng chợt dịu lại.

Cuốn sách này sẽ trở thành bàn tay giữ lấy bạn khi bạn rơi vào tuyệt vọng, sẽ trở thành khoảng lặng để bạn tạm dừng chân giữa những hỗn độn ồn ào.”

Đại đức Hae Min

BIẾT MÌNH BIẾT NGƯỜI

Hãy tìm hiểu chính thân tâm của bạn, bạn sẽ hiểu người khác. Gương mặt, cử chỉ, hành động của một người phát xuất từ trạng thái tâm của người ấy.

Đức Phật có thể đọc được chúng bởi vì Ngài có kinh nghiệm và nhìn thấy với trí tuệ trạng thái tâm làm căn bản cho những biểu lộ ấy. Cũng như một người già lão luyện đã trải qua thời thơ ấu hiểu rõ tâm lý trẻ con.

Sự “tự tri” này khác với trí nhớ. Người già có thể bên trong rất sáng, nhưng bên ngoài có vẻ lờ đờ. Đọc sách để học hỏi đối với họ rất khó khăn vì họ quên tên, quên mặt, v. v. Có thể họ biết rõ ràng họ cần một cái thau, nhưng vì trí nhớ kém, họ nói lấy cho họ một cái ly.

Nếu bạn thấy tình trạng sinh diệt trong tâm và không dính mắc vào tiến trình, để trôi qua cả hạnh phúc lẫn đau khổ thì sự tái sinh của tâm sẽ ngắn dần, ngắn dần. Để cho chúng trôi qua, dù bạn có rơi vào địa ngục đi nữa cũng đừng lo lắng thái quá, bởi vì bạn biết rằng địa ngục cũng vô thường.

Hành thiền đúng đắn thì bạn sẽ thản nhiên nhìn nghiệp cũ diễn ra và tiêu dần. Hiểu biết cách sinh diệt của sự vật, bạn chỉ cần tỉnh thức, chánh niệm rồi để chúng tự nhiên trôi chảy theo dòng của chúng. Cũng như trường hợp có hai cội cây. Nếu bạn vun phân tưới nước cho một cây và bỏ mặc cây kia thì chẳng cần thắc mắc tại sao một cây lên tốt, còn một cây thì èo uột.

Trích “MẶT HỒ TĨNH LẶNG”, Thiền sư Ajahn Chah

Tỳ kheo Khánh-Hỷ chuyển dịch

HÃY NƯƠNG TỰA VÀO MÌNH

Đức Phật dạy người nào muốn hiểu biết thì phải tự mình thấy rõ chân lý.

Thế nên không có chút khác biệt nào giữa những lời tán dương và câu chỉ trích. Dầu người ta nói thế nào cũng không quấy rầy được bạn. Một người không tự tin sẽ cảm thấy mình xấu khi bị kẻ khác chê xấu.

Hãy tự xét. Nếu họ nói sai, hãy quên đi; nếu họ nói đúng, hãy học theo họ. Bất kỳ trường hợp nào xẩy ra cũng chẳng có gì. Tại sao phải giận dữ?

Nếu bạn có thể nhìn sự vật như vậy, bạn sẽ thật sự bình an. Chẳng có cái gì là sai cả; tất cả đều là Pháp.

Nếu bạn thật sự sử dụng khí cụ mà Đức Phật đã ban cho bạn, bạn sẽ không cần phải ganh tị với người khác nữa.

Trong khi những kẻ lười biếng chỉ muốn nghe và tin, bạn có tự tín và có thể kiếm sống bằng sự nỗ lực của chính mình. Tuy thế, nếu khi thực hành bạn chỉ sử dụng những gì bạn có thì cũng phiền toái bởi vì chúng là của bạn.

Ban đầu, có lúc bạn nghĩ việc hành thiền thật khó khăn và bạn đã khư khư nắm giữ những cái tốt của kẻ khác.

Thế rồi, Đức Phật dạy bạn phải làm với những gì bạn có và bạn nghĩ rằng mọi chuyện đều êm xuôi tốt đẹp.

Nhưng rồi bạn lại thấy khó khăn nữa, Đức Phật lại dạy thêm: Nếu bạn dính mắc và nắm giữ điều gì, dầu của chính bạn hay của ai đi nữa, bạn cũng gặp phiền toái.

Nếu bạn chạy vào bếp nhà hàng xóm nắm một cục lửa, bạn sẽ bị phỏng tay. Nếu bạn nắm cục lửa nhà bạn, bạn cũng bị phỏng tay như thường. Vậy thì đừng nắm giữ gì cả.

Đó là lối thực tập áp dụng ở đây – phương pháp trực tiếp. Tôi không bằng lòng với ai.   Nếu bạn đem kinh điển hay tâm lý học tranh cãi với tôi, tôi sẽ không tranh cãi. Tôi chỉ trình bày cho thấy nhân và quả, để bạn hiểu chân lý của pháp hành. Chúng ta tất cả đều phải nương tựa nơi chính mình.

Trích “MẶT HỒ TĨNH LẶNG”, Thiền sư Ajahn Chah

Tỳ kheo Khánh-Hỷ chuyển dịch

CHUYỂN HÓA GIẢI ĐÃI VÀ NGHI NGỜ

Sự tu hành không phải lúc nào cũng suôn sẻ mà khi thăng lúc trầm. Do đó, người tu cũng lắm phen cảm thấy đuối sức, mệt mỏi, muốn buông xuôi là chuyện bình thường. Ngay những lúc mềm lòng, nản chí như vậy nếu có được sự soi sáng và khích lệ của thầy bạn, vực dậy sơ tâm thì thật có phước duyên. Nên có thầy sáng và bạn lành yểm trợ tu hành sẽ trợ duyên rất nhiều cho những ai đang loay hoay tìm cách vượt qua bão giông nghiệp lực của chính mình.

Nốt lặng trong đường tu không phải tự dưng sinh ra mà được dẫn dắt từ những nốt trầm. Những hạt mưa li ti gom lại mới kết thành dòng thác. Bắt đầu từ những việc như buông lung các căn, không tiết độ trong ăn uống, chẳng giữ thời khóa công phu bền bỉ, không siêng năng chế ngự ngủ nghỉ, không học tập và tư duy Chánh pháp nên dần dà sự thối thất trong đường tu đã xảy ra.

“Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo tên là Đê-xá, cùng với một số đông Tỳ-kheo khác tập hợp tại nhà ăn. Tỳ-kheo Đê-xá nói với các Tỳ-kheo:

-Thưa các Tôn giả, đối với Pháp tôi không thể phân biệt. Tôi không thích tu phạm hạnh nữa, chỉ thích ngủ nghỉ nhiều và nghi hoặc đối với Pháp.

Bấy giờ trong chúng có một Tỳ-kheo đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

-Thế Tôn, Tỳ-kheo Đê-xá, nhân lúc chúng Tăng tập hợp tại nhà ăn, đã nói lên những lời như vầy: ‘Đối với Pháp tôi không thể phân biệt. Tôi không thích tu phạm hạnh nữa, chỉ thích ngủ nghỉ nhiều và nghi hoặc đối với Pháp’.

Phật bảo Tỳ-kheo:

-Tỳ-kheo Đê-xá này là kẻ ngu si, không gìn giữ các căn, ăn uống không có chừng mực; đầu đêm, cuối đêm, tâm không tỉnh thức, giải đãi biếng nhác, không nỗ lực tinh tấn, không khéo quán sát tư duy pháp thiện. Tỳ-kheo này mà đối với phân biệt pháp, tâm thích tu phạm hạnh, xa lìa mọi sự ngủ nghỉ và ở trong Chánh pháp mà xa lìa mọi sự nghi hoặc, thì việc này không thể xảy ra. Nếu Tỳ-kheo giữ gìn các căn, ăn uống chừng mực; đầu đêm, cuối đêm, tỉnh thức tinh tấn, quán sát pháp lành; với Tỳ-kheo ấy, sự yêu thích pháp phân biệt, ưa tu phạm hạnh, xa lìa mọi sự ngủ nghỉ, tâm không nghi ngờ Pháp, điều này có thể xảy ra”.  (Kinh Tạp A-hàm, kinh số 271 [trích])

*

*       *

Thế Tôn đã chỉ dạy thật rõ ràng, sự việc gì cũng có nhân duyên. Tu tiến hay lùi cũng đều có nhân duyên. Phải thấy rõ tiến trình nhân-duyên-quả của mỗi sự việc thì mới có thể trị liệu và chuyển hóa. Bạn đồng tu với mình càng ngày càng tăng trưởng phước huệ, an yên với đạo mà sao ta thì ngược lại. Bằng hữu thì phơi phới, hoan hỷ, an vui trong Pháp mà sao ta lại bất an, nghi hoặc, muốn thoái lui.

Truy tìm nguồn cơn của sự việc, hóa ra cũng tại mình. Lâu nay mình buông lung quá, thấy cái gì cũng thích, nghe cái gì cũng hay, … các căn không phòng hộ. Ăn uống thì vô chừng, không kể giờ giấc, lại luôn tìm cầu mới lạ ngọt ngon. Lười biếng công quả, giải đãi công phu, ham mê ngủ nghỉ nên lực tu ngày càng suy kiệt. Lại thêm không chịu học hiểu Chánh pháp để thấy con đường, đi trong lờ mờ và quờ quạng biết về đâu.

Khi đã thấy rõ nhân duyên của sự thối thất rồi thì hãy đứng dậy và đảo chiều nghiệp lực. “Nếu Tỳ-kheo giữ gìn các căn, ăn uống chừng mực; đầu đêm, cuối đêm, tỉnh thức tinh tấn, quán sát pháp lành; với Tỳ-kheo ấy, sự yêu thích pháp phân biệt, ưa tu phạm hạnh, xa lìa mọi sự ngủ nghỉ, tâm không nghi ngờ Pháp, điều này có thể xảy ra”.

Lời Đức Phật dạy (trong phần cuối của bản kinh trích ở trên) “Hãy đến dưới bóng cây, hoặc chỗ đất trống, hoặc trong hang núi, trải cỏ làm chỗ ngồi, khéo tư duy chánh niệm, tu tập không buông lung, chớ để tâm hối hận về sau này” chính là chìa khóa cho sự nghiên thân, tấn đạo.

QUẢNG TÁNH