Thầy có khi nào nổi giận điên lên không? Lần cuối Thầy nổi giận là khi
nào?
Thiền sư trả lời :
Là một con người, tôi có hạt giống nóng giận trong tôi, nhưng nhờ có thực
tập, tôi có thể xử lý sự nóng giận trong tôi. Nếu cơn giận nổi lên, tôi biết cách
chăm sóc nó. Tôi không phải là thánh, nhờ tôi biết thực tập, tôi không còn là
nạn nhân của sự nóng giận nữa.
Câu hỏi : Xin Thầy nói thêm về sự tha thứ.
Thiền sư trả lời :
Tha thứ là hoa trái của hiểu biết. Ðôi khi, mặc dù ta muốn tha thứ cho
một người, ta không thể làm được. Thiện chí muốn tha thứ có đấy, nhưng
sự chua chát và đau khổ cũng còn đấy. Với tôi, tha thứ là kết quả của sự nhìn
sâu và hiểu biết.
Một buổi sáng trong văn phòng chúng tôi ở Paris trong thập niên bảy
mươi và tám mươi, chúng tôi nhận được nhiều tin buồn. Một bức thư đến,
kể rằng một em bé gái mười một tuổi đi trên một chiếc thuyền vượt biển từ
Việt Nam, đã bị bọn hải tặc hãm hiếp. Khi người cha cố can thiệp thì chúng
vứt ông xuống biển. Vì vậy em bé gái cũng nhảy xuống biển và chết đuối.
Tôi nổi giận. Là một con người, bạn có quyền nổi giận; nhưng là một người
biết thực tập, bạn không có quyền ngưng thực tập.
Tôi không ăn sáng được; tin tức đã tràn ngập tôi. Tôi thực tập thiền hành
trong khu rừng kế cận. Tôi cố tiếp xúc với cây, với chim và bầu trời xanh để
an tịnh tâm hồn, và rồi tôi ngồi xuống để thiền định. Tôi ngồi thiền khá lâu.
Trong lúc ngồi thiền, tôi thấy mình là một em bé sinh ra trên vùng bờ biển
Thái Lan. Cha tôi là một người đánh cá nghèo, mẹ tôi là một người vô học.
Quanh tôi đầy cảnh nghèo khó. Khi tôi mười bốn tuổi, tôi phải làm việc cùng
với cha tôi trên chiếc thuyền đánh cá để mưu sinh; làm việc rất nhọc nhằn.
Khi cha tôi mất, tôi phải làm thay cha tôi để nuôi sống gia đình.
Một người đánh cá tôi quen cho tôi biết rằng nhiều thuyền nhân Việt Nam
đi vượt biên, mang theo nhiều của quý, như vàng và nữ trang. Anh ta đề
nghị rằng nếu chúng tôi chận đánh chỉ một trong những chiếc thuyền ấy và
lấy được một số vàng thì chúng tôi sẽ giàu. Là một người đánh cá nghèo,
còn trẻ, không có học thức, tôi bị anh ta cám dỗ. Và một hôm tôi quyết định
đi theo anh ta để cướp thuyền nhân. Khi tôi thấy anh ta hiếp một người đàn
bà trên thuyền, tôi cũng bị cám dỗ làm theo. Tôi nhìn quanh và khi thấy
không có gì ngăn cản, không cảnh sát, không ai hăm dọa; tôi tự nói: “tôi cũng
làm như vậy được, chỉ một lần thôi.” Ðó là vì sao tôi trở thành một tên cướp
biển đi hãm hiếp một em bé gái.
Bây giờ giả sử bạn ở trên thuyền đó và bạn có một cây súng. Nếu bạn bắn
tôi và giết tôi, hành động của bạn sẽ không giúp gì được tôi . Suốt đời tôi,
không ai giúp tôi và suốt đời cha mẹ tôi cũng không ai giúp ông bà. Là môt
đứa bé, tôi không được đi học. Tôi chơi với những đứa trẻ hư hỏng, và lớn
lên tôi thành một người đánh cá nghèo khổ. Không một nhà chính trị hay
giáo dục nào giúp tôi bao giờ. Và vì không ai giúp nên tôi trở thành một tên
cướp biển. Nếu bạn bắn tôi thì tôi chết.
Ðêm ấy, tôi thiền quán về điều này. Tôi lại thấy mình là một chàng đánh
cá trẻ trở nên một tên hải tặc. Tôi cũng thấy hàng trăm em bé sinh ra đêm ấy
trên vùng dọc theo bờ biển Thái lan. Tôi nhận thấy rằng nếu không ai giúp
những em bé này lớn lên có học vấn và có cơ hội sống đời sống đứng đắn,
thì trong vòng hai mươi năm nữa, những em bé này cũng sẽ thành những
tên hải tặc. Tôi bắt đầu hiểu rằng nếu tôi sinh ra làm một chú bé trong làng
đánh cá ấy, tôi cũng đã trở thành một tên hải tặc. Khi tôi hiểu được như vậy
cơn giận của tôi đối với những tên hải tặc tan biến mất.
Thay vì nổi giận chàng đánh cá, tôi cảm thấy có lòng từ bi đối với anh ta.
Tôi nguyện nếu tôi có thể làm được gì để giúp những em bé sinh ra đêm ấy
trên vùng bờ biển Thái lan, thì tôi sẽ giúp. Năng lượng của cơn giận đã được
chuyển hóa thành năng lượng của từ bi nhờ thiền quán. Ta không thể tha
thứ nếu không hiểu biết, và hiểu biết là hoa trái của sự nhìn sâu mà tôi gọi
là thiền quán.
_ Sư Ông Làng Mai _
Month: January 2022
ĐIỀU ĐÓ RỒI CŨNG QUA ĐI
Vua Salomon trong Kinh Thánh được vang danh vì sự khôn ngoan, giầu
có và các trước tác của mình. Ông lên làm vua vào khoảng 967 trước Công
Nguyên. Quốc gia Do thái của ông, lúc đó, trải dài từ ven sông Euphrates
trên miền Bắc, vùng Lưỡng Hà, xuống đến tận vùng cực Bắc của Ai Cập,
phía Nam).
Một ngày nọ, Vua Salomon bỗng muốn làm bẽ mặt Benaiah, một cận thần
thân tín của mình…
Vua bèn nói với ông:
“Benaiah này, ta muốn ông mang về cho ta một chiếc vòng để đeo trong
ngày lễ Sukkot và ta cho ông sáu tháng để tìm thấy chiếc vòng đó.”
Benaiah trả lời:
“Nếu có một thứ gì đó tồn tại trên đời này, thưa đức vua, tôi sẽ tìm thấy
nó và mang về cho ngài, nhưng chắc là chiếc vòng ấy chắc phải có gì đặc
biệt?”
Nhà Vua đáp:
“Nó có những sức mạnh diệu kỳ. Nếu kẻ nào đang vui nhìn vào nó, sẽ
thấy buồn, và nếu ai đang buồn, nhìn vào nó sẽ thấy vui”. Vua Solomon biết
rằng sẽ không đời nào có một chiếc vòng như thế tồn tại trên thế gian này,
nhưng ông muốn cho người cận thần của mình nếm một chút bẽ bàng.
Mùa xuân trôi qua, mùa hạ đến nhưng Benaiah vẫn chưa có một ý tưởng
nào để tìm ra một chiếc vòng như thế.
Vào đêm trước ngày lễ Sukkot, ông quyết định lang thang đến một trong
những nơi nghèo nhất của Jerusalem. Ông đi ngang qua một người bán hàng
rong đang bày những món hàng trên một tấm bạt tồi tàn. Benaiah dừng chân
lại hỏi:
“Có bao giờ ông nghe nói về một chiếc vòng kỳ diệu làm cho người hạnh
phúc đeo nó quên đi niềm vui sướng và người đau khổ đeo nó quên đi nỗi
buồn không?”
Người bán hàng lấy từ tấm bạt lên một chiếc vòng giản dị có khắc một
dòng chữ. Khi Benaiah đọc dòng chữ trên chiếc vòng đó, khuôn mặt ông
rạng rỡ một nụ cười.
Đêm đó toàn thành phố hân hoan, tưng bừng đón mừng lễ hội Sukkot.
“Nào, ông bạn của ta, “Vua Salomon nói, “Ông đã tìm thấy điều ta yêu
cầu chưa?”
Tất cả những cận thần đều cười lớn và cả chính vua Salomon cũng cười.
Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Benaiah đưa chiếc vòng ra và nói:
“Nó đây thưa đức vua”. Khi vua Salomon đọc dòng chữ, nụ cười biến mất
trên khuôn mặt vua. Trên chiếc vòng đó khắc dòng chữ: “Điều đó rồi cũng
qua đi.”
Vào chính giây phút ấy, vua Salomon nhận ra rằng tất thảy những sự
khôn ngoan, vương giả và quyền uy của ông đều là phù du, bởi vì một ngày
nào đó, ông cũng chỉ là cát bụi.
. . .
Bạn đọc bình luận:
Mẫu truyện nhỏ nhưng rất đáng ngẫm nghĩ. Hiện giờ tôi rất buồn nhưng
khi đọc xong tôi đã phần nào thư giãn.
Cảm ơn một câu chuyện ý nghĩa đến với tôi đúng vào hôm nay – Mệt mỏi
và buồn bã lắm. Thấy bế tắc trước mọi chuyện. Cầu mong điều này sẽ chóng
qua đi.
Phải, niềm vui, nỗi buồn, tất cả rồi sẽ qua đi. Ta biết thế, để sống trọn vẹn
hơn, từng phút, từng giây, cố gắng để không hối tiếc…
Nhưng, cứ theo cách nghĩ đó thì trên đời này phải chăng không có cái gì
gọi là trường tồn, vĩnh cữu ? Và sự hy sinh, và tình yêu, và lý tưởng… tất cả
cũng chỉ là vô nghĩa, như một thoáng phù du ?
Tôi không nghĩ thế. Tôi vẫn tin vào một điều gì đó để lại dấu ấn sâu nặng
trong tâm hồn, một điều gì đó mãi mãi người ta nhớ đến. Tôi tin vào sự bất
tử. Khoan nói đến những bậc anh hùng – ta chỉ nói về ngay chính ta thôi.
Bạn có khẳng định chắc chắn với tôi rằng : một lời nói, một hành động
làm bạn tổn thương sẽ không để lại chút dấu vết gì trong bạn? Bạn có tự cho
mình cái “quyền” làm người khác đau lòng rồi sau đó tự biện minh rằng sẽ
không sao đâu, mọi chuyện sẽ mau chóng trôi qua và người ta sẽ không còn
nhớ đến? Tôi đồng ý, quyền uy, vương giả chỉ là phù du, một ngày nào đó
ta chỉ còn là cát bụi. Nhưng cát bụi cũng chứng tỏ sự hiện hữu , cát bụi cũng
không che lấp được tất cả. Và tất nhiên bạn cũng biết rằng, ngày mai của bạn
là kết quả của hôm nay…
Biết thế, nhưng mỗi lúc buồn, tôi vẫn hay tự an ủi mình : điều ấy rồi sẽ
qua đi. Và tôi xin giữ lại những niềm vui, tôi giữ lại niềm tin trong cõi đời
này có cả sự bất tử và phù du…
Tôi cũng như anh, tôi thật sự rất bế tắc. tình yêu, sự nghiệp, công danh
của tôi, mọi thứ dường như đã đạt được, đã nắm được trong tay nhưng bây
giờ lại vụt mất tất cả. theo bạn tôi phải làm sao? Có nên ngồi chờ “điều đó
rồi cũng qua đi” hay phải đứng lên để làm lại từ đầu?
Đúng như thế, tất cả mọi danh vọng, chức tước, giàu sang, địa vị rồi sẽ
qua đi. Nguyên nhân đau khổ mà chúng ta thường gặp là do chúng ta không
thấy tính chất tạm bợ và mong manh của cuộc sống. Chính vì thế đức Phật
đã từng dạy cho các môn đồ rằng hãy quán chiếu năm điều thường xuyên
trong đời thường là:
- Tất cả ai rồi cũng phải già
- Tất cả ai rồi cũng phải bệnh
- Tất cả ai rồi cũng phải chết
- Những gì yêu thương, nắm giữ giữa cuộc đời ra đi phải để lại tất cả.
- Lúc chết chỉ đem theo cái tội và cái phước.
Do đó, bạn cũng như tôi phải quán niệm năm điều này thì lúc gặp những
thăng trầm, mất mát trong cuộc sống chúng ta sẽ rất tự tại và thản nhiên, bởi
vì bản chất của đời người là như thế bạn ạ.
MỘT MÌNH
Đừng suốt đời nương dựa bất cứ ai bởi vì ai rồi cũng phải ra đi. Các con
sẽ bỏ mình ra ở riêng, xây dựng gia đình riêng. Cha sẽ chết, không ở mãi với
mình. Mẹ sẽ chết, không ở mãi bên mình. Có khi con cháu chết trước mình
như ‘lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời’. Vợ
không ở mãi bên chồng, và chồng không ở mãi bên vợ đâu. Học trò sẽ bỏ
mình đi theo tiếng gọi lý tưởng của học trò, và thầy sẽ tịch diệt, không ở mãi
với mình…
Hồi còn nhỏ mình sống chung với người thương, trong gia đình là để
mình có đủ vốn liếng và đức tự tin để mình tự lực tự cường đối diện với cám
dỗ của bản thân và xáo trộn bất an u uất của nội tâm. Tâm con người sâu
thẳm, kinh dị, khó hiểu, rất đáng sợ và nó thiên biến vạn hoá, tạo dựng đủ
thứ cảnh giới ma quái.
Do đó mình phải tập sống 1 mình, trở về với mình, đem tâm trở về với
thân, không quyến luyến, không nhớ nhung, không vướng bận bất cứ ai.
Mình vẫn thương yêu mọi người nhưng mà tâm không vướng mắc vào bất
cứ ai. Sống 1 mình mà vẫn cảm giác ấm áp tâm hồn, cảm thấy bình an, thanh
thản và yêu đời.
Lúc còn trẻ mình tung hoành ngang dọc, nổi danh, nổi tiếng, sự nghiệp
vẽ vang, giàu sang tột độ nhưng tới già mình rất cô đơn hiu quạnh. Thật tội
nghiệp cho mình!
Cho nên khi lớn tuổi, mình nên tập sống 1 mình cho thật bình an, thanh
thản, đừng tối ngày mong chờ người này người kia, đừng tham vọng cái này
cái kia. Lúc này ngay bây giờ hãy tập sống an trú, an tâm là vừa, đừng chừng
chừ nữa. Không ai ở mãi bên mình đâu! Không có gì bền chắc đâu!
Người biết sống một mình mới là người có tự do và hạnh phúc thật sự.
Người biết sống một mình mới hiểu được chính mình, biết thương chính
mình và từ đó mình mới có khả năng thương người khác một cách nhẹ
nhàng, thanh thoát. Nếu không biết sống 1 mình thì mình chỉ là cô hồn cô
đơn, lạc loài, trống vắng, hiu quanh mà thôi!
Thầy Chân Pháp Đăng
NHÌN SÂU ĐỂ PHÁT KHỞI TÌNH THƯƠNG CÙNG TẤT CẢ
Khi ăn cơm, nhìn món ăn trên bàn, hãy thấy cả quá trình đi chợ, gửi xe,
lựa rau, chọn củ, về nhà, gọt rửa, nấu nướng, chiên xào, dầu nóng, mồ hôi
rịn trên trán, nêm nếm tới lui… để thấy thương người nấu. Để thấy món ăn
này không chỉ là một món ăn, mà là một món quà đáng trân quý. Để không
chê này, không bình phẩm nọ. Thay vào đó, ta thấy biết ơn.
Khi nhận được một tin nhắn hỏi thăm, hãy thấy cả quá trình họ nhớ đến
chúng ta, họ nghĩ về chúng ta, họ suy nghĩ nên nhắn gì đến chúng ta, và thấy
cả bàn tay bấm từng chữ, từng từ… để thấy trân quý tin nhắn họ dành cho
chúng ta.
Khi tập nhìn sâu, ta sẽ thấy tài xế không chỉ là tài xế, mà còn là một người
đang mưu sinh kiếm sống nuôi vợ con.
Khi tập nhìn sâu, ta sẽ thấy người phục vụ bàn trong quán nước không
chỉ là phục vụ, mà còn là một sinh viên đang vất vả làm thêm để có tiền sinh
hoạt và lo toan đóng học phí đúng kì.
Nhìn sâu – chúng ta sẽ thấy được rằng ai cũng đang phải chiến đấu trong
cuộc đời của họ. Để thấy thương, để thấy cảm thông, bỏ qua cái gì có thể bỏ
qua.
Hãy tập nhìn sâu vào bữa cơm của Mẹ, cái áo của Cha, quá trình đi làm
của Vợ hay Chồng, mái tóc bù xù của Vợ, tin nhắn của bạn bè, món quà mà
chúng ta từng nhận được… và nhìn sâu đằng sau con người mà chúng ta tiếp
xúc, để nhận ra rằng, có nhiều thứ sâu sắc xung quanh mà trước giờ, chúng
ta chỉ biết nhìn hời hợt mà thôi.
Từ Bi của Đạo Phật không phải là những lời nói suông mà được bắt đầu
từ cái nhìn thật sâu vào những gì đang hiện hữu chung quanh cuộc sống..
Tiếng Lòng
TÙY DUYÊN MÀ KHÔNG TÙY TIỆN
Khi gặp chuyện muộn phiền, khó khăn, hay gặp lúc bế tắc, khó xử, người
ta thường buột miệng mà nói ra 2 chữ: “Tùy duyên”.
Đó là câu cửa miệng của rất nhiều người nhưng hiểu được ý nghĩa thâm
sâu của nó lại không phải là chuyện đơn giản.
Kỳ thực, tùy duyên vốn không phải chuyện dễ làm. Phải là người có cảnh
giới tư tưởng nhất định thì mới thật sự thấu hiểu và làm tốt điều này. Cái
gọi là “Tùy” ở đây chính là: Thuận theo tự nhiên, không oán hận, không
nóng nảy, không cưỡng cầu.
Vậy thế nào là “Duyên”?
Vạn sự, vạn vật trên đời này thảy đều liên quan với nhau ở một chữ
“Duyên”. Bất luận là nhân duyên, cơ duyên, thiện duyên hay ác duyên, đâu
đâu cũng có, tồn tại mọi lúc. Nhưng duyên có tụ thì cũng có tan, có đến rồi
cũng có rời.
Nhưng tùy duyên cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực. Tận tâm hành
thiện, không so đo kết quả, được mất, lấy thái độ tùy duyên mà đối diện với
sự đời, đây chính là tùy duyên tích cực, vừa không cưỡng cầu lại có thể nắm
giữ được cơ duyên.
Trái lại, lấy lý do tùy duyên mà không làm tròn bổn phận, phó thác cho
số phận, không mong cầu tiến, vươn lên, trốn tránh việc khó thì chính là một
dạng cực đoan. Tùy duyên lúc này trở thành cái cớ để người ta biếng lười,
phó mặc.
Tùy duyên khác với tùy tiện. Tùy tiện là làm việc qua loa cho xong, được
chăng hay chớ, không có nguyên tắc cũng chẳng có lập trường và không
chịu trách nhiệm.
Tùy duyên không phải là từ bỏ một cách vô tội vạ và tùy tiện. Tùy duyên
là thuận theo nhân duyên, nhìn thấu được chuyện ly hợp của đời người, từ
đó có được sự ung dung lạc quan và đứng ngoài được mất.
Có trong mình một tâm thái tùy duyên, bạn sẽ nhận ra rằng, bất kể bầu
trời là mây đen mù mịt hay là rực rỡ ánh vàng, con đường đời dù là trắc trở,
chông gai hay thênh thang muôn lối, thì trong lòng mình luôn có được cảm
giác điềm tĩnh và bình yên.
Chuyện trên đời vốn chẳng bao giờ luôn thuận buồm, xuôi gió. Trời cao
không phải ngày nào cũng quang đãng, tạnh mây. Cầu vồng chỉ xuất hiện
sau cơn mưa lớn. Ngày vui, ngày buồn chính là đan xen đến với nhau. Đó
chính là sự “Tùy Duyên” của đất trời, của vũ trụ này.
Hiểu được điều ấy thì bạn ắt là thản nhiên đối diện được với đời, gặp
chuyện vui cũng không quá phấn khích, ngạo mạn, trước sự buồn cũng
chẳng âu sầu, bi thương…
Tiếng Lòng
Namo Buddhaya