ĐỪNG BỎ GỐC THEO NGỌN


Bởi do con ngưòi có tâm sân nên mới có hỏa tai (nạn cháy) và chiến tranh.
Có tâm tham nên mới có thủy tai (nạn lụt lội). Có tâm si nên mới có phong
tai (nạn gió bão). Ba tai nạn vốn do ba độc tham, sân, si mà ra. Chúng ta ai
ai cũng có đủ ba độc trong tâm. Nếu tâm ấy một ngày một lớn mạnh thì tới
một lúc nào đó, nó sẽ tạo thành đại tai nạn.
Rất nhiều người đời chỉ ăn rồi chờ chết, lãng phí thời giờ. Ai cũng vậy:
Sáng sớm ngủ dậy, là bận rộn này nọ cho tới tối về lên giường ngủ. Cũng chỉ
vì ba miếng cơm mà bôn ba. Sống như cục thịt biết đi, chẳng có chút giá trị,
ý nghĩa gì cả, thì sống và chết có gì khác biệt ?
Bên ngoài có máy vi tính (computer), bên trong tự tánh chúng ta cũng có
máy vi tính, gọi là thần thức, thánh tâm hay Phật tánh. Cũng tức là đại trí
huệ.
Tuy khoa học tiến bộ, song phương hướng của nó hướng ngoại, nên càng
truy tìm chân lý thì càng rời xa chân lý. Các vị khoa học gia chỉ dụng công
nơi ngoài da, do vậy dường như có nhiều sở đắc, nhưng kỳ thật thành tựu
của khoa học đã khiến con người hướng ngoại quá nhiều, quên mất trí huệ
bổn hữu. Ðó gọi là bỏ gốc, theo ngọn.
Có Bốn điều khó:

  • Khó được sinh làm người
  • Khó giữ gìn tuổi thọ cho sống lâu
  • Khó mà được nghe Phật Pháp
  • Khó được gặp Đức Phật ra đời
    (Pháp cú 182).
    Pháp Ngữ các bậc Cổ Đức
    Namo Buddhaya
Advertisement

CỐ LÀM ĐẸP BÊN NGOÀI MÀ ĐỂ SƠ SÀI BÊN TRONG


Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Koli, dạy các Tỷ kheo: Có bốn
hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Hạng người đo lường sắc và thỏa mãn với sắc; Hạng người đo lường tiếng
và thỏa mãn với tiếng; Hạng người đo lường với thô và thỏa mãn với thô;
Hạng người đo lường với pháp và thỏa mãn với pháp. Bốn hạng người này,
này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.
Những ai đo lường sắc.
Những ai đi đến tiếng.
Bị tham dục dẫn dắt.
Chúng không biết người ấy.
Không biết được nội tâm.
Không thấy được ngoại cảnh,
Kẻ ngu bị bao quanh
Bị tiếng nói chi phối.
Không biết được nội tâm
Quán thấy được ngoại cảnh
Thấy được quả ở ngoài
Bị tiếng nói chi phối.
Rõ biết được nội tâm
Quán thấy được ở ngoài
Thấy rõ không chướng ngại
Không bị tiếng chi phối.
(TĂNG CHI BỘ KINH I, chương 4, phẩm Nghiệp Công Đức)
LỜI BÀN:
Người ta thường nói “quen sợ dạ, lạ sợ áo quần” để nêu lên tầm quan
trọng của hình thức trong giao tế hàng ngày. Phục sức đẹp, lịch sự và giao
tiếp nhã nhặn, khéo léo rất dễ tạo được ấn tượng ban đầu với đối tác. Nhưng
khi đi sâu vào tiến trình giao hảo thì sự trung thực, tấm lòng nhân hậu chân
thành, nhân cách cao thượng mới thực sự là nhân tố quyết định. Do đó, nếu
chỉ lo tô vẻ hình thức bên ngoài cho thật lộng lẫy nhằm che đậy sự xảo trá,
lọc lừa và toan tính bên trong thì có thành tựu chăng cũng chỉ ở giai đoạn
đầu.
Trong các yếu tố hấp dẫn con người thì hình sắc và âm thanh đóng vai
trò quan trọng. Vì thế ai cũng tự sửa sang, chỉnh đốn cho mình đẹp hơn, ăn
nói khôn khéo hơn. Ngành công nghệp giải trí đã ăn nên làm ra nhờ khai
thác triệt để hai khía cạnh nghe và nhìn này. Khi chưa nhận ra bản chất thực
của thân tâm và ngoại cảnh là vô thường-khổ-vô ngã thì đời sống của phần
đông chúng ta là một cuộc đua giành quán quân sở hữu âm thanh và sắc
tướng. Và chính việc chạy theo âm thanh, sắc tướng của mình và người là
nguyên nhân của khổ.
Tuy vậy, có hạng người tiến bộ hơn biết được ngoại cảnh là hư giả nhưng
do chưa thấu suốt được nội tâm vốn hư vọng với cội nguồn phiền não là
tham sân si thúc đẩy nên cuối cùng vẫn bị ngoại cảnh chi phối. Chỉ có những
bậc đã liễu tri về thân tâm và ngoại giới, tức căn-trần-thức đều rỗng không,
vô ngã mới thực sự tự chủ và tự tại. Bấy giờ hình thức có tính tùy duyên, tùy
hoàn cảnh mà có hình thức phù hợp, còn lại là sống với bản tâm chân thật
với các pháp đang là. Và đó chính là “hạng người đo lường với pháp và thỏa
mãn với pháp” mà mỗi người con Phật luôn hướng đến và thành tựu.
QUẢNG TÁNH

NHỮNG PHẨM CHẤT LÀM NÊN MỘT TÂM HỒN HẠNH PHÚC

  1. Sự Bình Tĩnh
    Gặp chuyện lớn, luôn cần bình tâm tĩnh khí – đây là lời nhắn nhủ của cổ
    nhân.
    Không nên vì một chút chuyện mà tỏ ra lo lắng, căng thẳng như thể đang
    sống trong ngày tận thế. Nhiều người cho rằng tùy tiện biểu lộ cảm xúc của
    bản thân ra bên ngoài là biểu hiện của sự chưa trưởng thành.
  2. Đức Khoan Dung
    Có câu “Nguồn cơn dẫn đến sự thịnh nộ của một người thường là vì
    người khác không làm theo mong muốn của họ”.
    Khoan dung là gì? Rất đơn giản, đó là không áp đặt mong muốn của mình
    lên người khác. Hãy đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu và cảm
    thông họ, bỏ qua cho những sai sót của họ. Như thế, người khác và cả chính
    bạn sẽ không phải chịu đựng những cơn thịnh nộ xảy đến với bạn.
  3. Sự Kiên Nghị
    Con người sống trên đời, những chuyện không như ý có khi chiếm đến
    80-90%. Hôm nay còn đang sống an vui, ngày mai đã có thể rơi xuống vực
    thẳm cuộc đời. Chúng ta mãi mãi không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra vào
    ngày mai.
    Thất bại và khó khăn thực ra không đáng sợ. Điều đáng sợ là vừa gặp khó
    khăn, ta đã buông tay, lùi bước. Phải có một lòng kiên nghị sắt đá, chúng ta
    mới có thể bước đi thật xa trên đường đời.
  4. Có Nội Hàm
    Trong đời, mỗi người thường sẽ đặt chân đến nhiều nơi, gặp nhiều người.
    Nhờ đó, chúng ta sẽ không ngừng được mở mang tầm mắt, biết thêm những
    điều mới lạ, những phong tục tập quán, văn hóa, … Và trong quá trình đó,
    nếu nắm bắt được cơ hội, ta sẽ không ngừng nâng cấp bản thân. Đến một
    ngày, ta sẽ ngạc nhiên nhận ra mình đã trưởng thành nhiều đến vậy.
  5. Làm Việc, Nghỉ Ngơi và Ăn Nói Có Chừng Mực
    Trong mọi sinh hoạt đời thường, hãy là người chín chắn, chừng mực, cân
    nhắc xử lý sao cho thỏa đáng nhất, đừng để quá đà thành cực đoan.
  6. Chân Thành và Uy Tín
    Việc không làm được thì không nên khoa trương, khoe khoang.
    Một khi đã nói rồi, nhất định phải cố gắng làm cho được. Nói ra rồi mà
    không làm thì chỉ như con két khoác áo người thôi.
  7. Tâm Hồn Thanh Tịnh, Thuần Khiết
    Bất luận thế giới có thay đổi ra sao, ta vẫn có thể duy trì một trái tim chân
    thành, để bản thân không bị nhuốm quá nhiều bụi trần. Hãy làm một người
    đơn giản, như thế sẽ tự do tự tại hơn một người cả ngày chỉ thích so đo, tính
    toán thiệt hơn.
    Sau cái thở dài của ngày “giã từ quán trọ“, thế gian này há chẳng phải là
    mộng hay sao?
  8. Lương Tri
    Hãy luôn sống với sự soi sáng của lương tri.
    Nếu ai hỏi tôi sợ điều chi nhất ?
    Tôi sợ nhiều… bóng tối cõi lòng tôi
    Danh lợi mất, tôi xem rằng chưa mất
    Mất lương tri là mất đã nhiều rồi!
    (Trích: Đường về chân hạnh phúc-
    Như Nhiên)

SỰ KỲ DIỆU CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG


Giống như bất kỳ người mẹ nào, khi Karen biết mình mang thai, cô làm
tất cả những gì có thể để giúp đứa con trai 3 tuổi, Michael, chuẩn bị tâm lý
chào đón một thành viên mới trong gia đình.
Thành viên mới này là một bé gái. Ngày ngày, Michael hát cho đứa em
gái còn trong bụng mẹ nghe. Cậu bé đã xây dựng tình yêu thương đối với
em gái mình ngay cả trước khi cô bé ra đời.
Thai kì tiến triển bình thường. Theo thời gian, những cơn đau chuyển dạ
đến. Mỗi năm phút, ba phút rồi một phút một lần. Tuy nhiên, biến chứng
nghiêm trọng phát sinh, Karen chuyển dạ hàng giờ. Cuối cùng, em gái của
Michael chào đời. Nhưng cô bé lại trong tình trạng rất nguy kịch. Tiếng còi
hú trong đêm, xe cứu thương vội vàng chở đứa trẻ sơ sinh đến khu chăm
sóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện St. Mary, Knoxville.
Thời gian trôi dần… Tình trạng của bé trở nên tồi tệ hơn. Các bác sĩ nhi
khoa nói với cha mẹ Michael rằng có rất ít hy vọng, hãy chuẩn bị tinh thần
cho tình huống xấu nhất…!
Karen và chồng liên lạc với một nghĩa trang địa phương để chuẩn bị cho
việc chôn cất. Họ đã chuẩn bị một căn phòng đặc biệt trong nhà cho em bé
mới, nhưng giờ phải lên kế hoạch cho một đám tang…!
Tuy nhiên, Michael đã van nài cha mẹ cho cậu vào gặp em gái mình. Cậu
bé nói: “Con muốn hát cho em ấy nghe…!”.
Tuần thứ hai trong phòng chăm sóc đặc biệt. Michael tiếp tục nài nỉ để
được hát cho em gái mình, nhưng trẻ con không được phép vào phòng chăm
sóc đặc biệt.
Karen quyết định đưa Michael vào thăm em mình cho dù bệnh viện có
đồng ý hay không. Nếu giờ cậu bé không được nhìn thấy em gái mình, thì
có thể sẽ không bao giờ còn cơ hội nữa. Michael mặc bộ quần áo quá khổ và
được dẫn đến phòng chăm sóc đặc biệt. Trông cậu bé giống như một giỏ
đựng quần áo di động.
Người y tá trưởng nhận ra cậu bé và hét lên: “Đưa nó ra khỏi đây ngay.
Trẻ con không được phép vào!”
Bản năng làm mẹ trong Karen trổi dậy và người phụ nữ bình thường hòa
nhã nhìn trừng trừng vào mắt người y tá trưởng, với một giọng đanh thép,
cô nói: “Cậu bé sẽ không rời khỏi cho đến khi nó hát cho em gái mình
nghe…!”
Sau đó, Karen kéo Michael đến bên giường cô bé. Cậu bé nhìn chằm chằm
vào đứa em đang yếu dần trong cuộc chiến giành lấy sự sống…! Sau một lúc,
cậu bắt đầu cất giọng. Bằng giọng trong veo của một đứa trẻ 3 tuổi, Michael
hát:
“You are my sunshine, my only sunshine, you make me happy when skies
are gray.” (Bé là ánh nắng, ánh nắng mặt trời duy nhất của anh, bé làm anh
hạnh phúc dẫu bầu trời xám xịt.)
Ngay lập tức, cô bé dường như có phản ứng. Mạch bắt đầu trở nên ổn
định.
“Tiếp tục đi Michael”, Karen động viên, mắt ngấn lệ.
“You never know, dear, how much I love you, please don’t take my
sunshine away.” (Bé con à, em không biết anh thương em thế nào đâu, xin
đừng lấy đi ánh nắng mặt trời đi.)
Khi Michael hát, hơi thở rời rạc, yếu ớt của em bé trở nên nhịp nhàng.
“Tiếp tục đi, con yêu…!”
“The other night, dear, as I lay sleeping, I dreamed I held you in my arms”.
(Bé con ơi, một đêm nọ, khi anh nằm ngủ, anh mơ được ôm em trong vòng
tay.)
Em gái của Michael bắt đầu thư giãn như đang ngủ. “Tiếp tục đi,
Michael.” Lúc này, nước mắt đầm đìa trên gương mặt của người y tá trưởng
hống hách. Karen thì cảm thấy ấm lòng.
“You are my sunshine, my only sunshine. Please don’t take my sunshine
away…” (Bé là ánh nắng, ánh nắng mặt trời duy nhất của anh. Xin đừng lấy
ánh nắng ấy đi…)
Ngày hôm sau, ngay ngày hôm sau…, một thời gian ngắn tiếp theo…, cô
bé đã đủ khỏe để trở về nhà…!
Thế mới hiểu: “Nơi nào có tình yêu thương chân thành thì nơi đó, luôn có
điều kỳ diệu đáp đền…!”
Trần Hồng Điệp

LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY


“Có những con người mà tâm của họ như một nguồn sáng, tự soi sáng
được lối đi dưới chân mình trong những ngày tối tăm; giúp họ nhận biết
được chính xác con đường này sẽ dẫn đến khổ đau, con đường kia sẽ mang
lại hạnh phúc…” (1)
Nếu trong tâm có ánh sáng, chúng ta sẽ không bao giờ đi lạc. Nếu trong
tâm có ánh sáng, chúng ta sẽ không bao giờ ngộ nhận. Nỗ lực theo đuổi một
vài điều, ra sức nắm giữ một vài thứ, sau này mới biết mình đã sai. Bóng tối
mang đến sự ngộ nhận, nhưng nếu trong tâm có ánh sáng, chúng ta sẽ không
bao giờ phải sợ bóng tối ngoài kia.
Vết nứt trên đá có thể làm tảng đá vỡ ra, nhưng cũng chính vết nứt là nơi
cho nước mưa đọng lại, để sau vài hôm mưa dầm, từ vết nứt, rong rêu mọc
lên, tràn ra, vết thương của đá được phủ kín rêu xanh.
Những mất mát, những khổ đau, những bất trắc mà chúng ta gặp phải,
nếu không có đủ năng lực để hóa giải, chúng sẽ biến thành chấm đen trong
đáy mắt; còn nếu có đủ năng lực để hóa giải được, chúng sẽ biến thành ánh
sáng trong tâm, soi rõ con đường dưới chân của mình, giúp chúng ta nhận
rõ thực sự một vài điều mà trước kia đã ngộ nhận, nỗi đau sở dĩ được kéo
dài là do con người ngộ nhận về nguyên nhân phát sinh của nó.
Do ngộ nhận, lao vào những điều hư ảo để tìm hạnh phúc, chúng ta như
bị cuốn vào một cơn bão, không ai bước ra khỏi một cơn bão mà không bị
tổn thương.
Khi có đủ năng lực chữa lành, vết thương chính là nơi sẽ phát ra ánh sáng.
Ánh sáng trong tâm con người đã bắt đầu như vậy.
Mỗi khi mang từ bi và hiểu biết để chữa lành được một vết thương là
chúng ta đang mang thêm ánh sáng vào tâm mình, sẽ không có thứ gì có thể
làm mờ đi được ánh sáng phát ra từ bên trong. Đôi mắt người đời trở nên
đẹp hơn cũng là nhờ ánh sáng từ bên trong chiếu qua nó.
Nếu không có được ánh sáng bên trong, chúng ta sẽ hắt bóng tối trong
tâm mình lên những thứ chung quanh, rồi nhìn thứ gì chung quanh mình
cũng thấy tối. Nên một kẻ nỗ lực chống lại bóng tối bên ngoài không bao giờ
bằng được một kẻ nỗ lực thắp lên ánh sáng bên trong.
Nếu dành hết thời gian để oán trách nỗi đau thì chúng ta hoàn toàn không
còn thời gian để thấu hiểu được nó. Mong ai cũng biết cách chăm sóc được
từng nỗi đau của mình đến một ngày chúng trở thành ánh sáng trong tâm.
Người ngủ an.
Vô Thường.
Núi 9.3. 2022
Om Mani Padme Hum
(1) Một ý trong kinh Tăng Chi, chương 3, III, 25.

TỪ ĐÓ CÓ BÌNH AN

  • Vì biết trong ta có cả đen lẫn trắng, không khước từ đen để hãnh diện vì
    mình trắng, không quá vui khi mình trắng mà cay đắng lúc mình đen —từ
    đó có Bình An.
  • Vì biết nhìn người và vật không thể nhìn bề ngoài. Cái vỏ ngoài chỉ là
    giả tướng— từ đó có Bình An.
  • Vì biết cảm hóa người khác là chuyện không dễ dàng, không quá mong
    mỏi người khác thay đổi theo ý mình — từ đó có Bình An.
  • Vì biết không thể nói về biển với con ếch đáy giếng, không thể bàn về
    băng tuyết với côn trùng mùa hè — từ đó có Bình An.
  • Vì biết nhìn vào trạng thái tâm trước khi nói — từ đó có Bình An.
  • Vì biết sống trên cái lưỡi khen chê của thiên hạ là luôn nô lệ giá trị bên
    ngoài và bị tha hóa, nghe gì cũng ”Thôi Kệ!” — từ đó có Bình An.
  • Vì biết đánh giá tình cảm của con người không chỉ nhìn qua hành động
    tạm thời trước mắt, mà qua hoạn nạn mới rạng chân tình — từ đó có Bình
    An.
  • Vì biết chắc chắn ta sẽ già, sẽ bệnh, sẽ chết. Trừ bậc Thánh, chẳng một ai
    thoát ra ngoài cái quy luật muôn đời ấy — từ đó có Bình An.
  • Vì biết chịu trách nhiệm những hành động thiện ác lớn bé trong tam
    nghiệp của mình, — từ đó có Bình An.
  • Vì biết Khổ đau đi theo sau Hạnh phúc như bóng dõi theo hình, không
    nhọc nhằn đeo đuổi hạnh phúc nữa — từ đó có Bình An.
  • Vì biết bất cứ điều gì hễ có khi bắt đầu sẽ có lúc kết thúc — từ đó có Bình
    An.
  • Vì biết cái có thể mang theo được ở cuối con đường sinh mệnh đó là
    Tình Thương, Trí Tuệ và Nụ Cười, mỗi ngày sống với ba điều đó — từ đó có
    Bình An…
  • Vì biết trong ta có cả Bùn lẫn Sen, có cả Ác quỷ lẫn Thiên thần, không
    quá thích sen mà chối bỏ bùn, không vì yêu mến thiên thần mà hận thù ác
    quỷ — từ đó có Bình An.
    Như Nhiên