HÀNH TRÌNH NGÀN DẶM BẮT ĐẦU TỪ MỘT BƯỚC CHÂN


Bất kể khi nào, đừng thừa nhận thất bại trước, kẻ sợ hãi sẽ thua cả đời.
Suy cho cùng, thành công không bao giờ là chuyện may rủi, nó được quyết
định bởi sự nỗ lực của chính bạn. Giống như việc khi bạn đang lên dốc, nếu
bạn bỏ cuộc giữa chừng thì bạn sẽ lập tức bị trượt xuống. Rất nhiều điều
trong cuộc sống cũng như vậy.
Chỉ cần bạn không bỏ cuộc, mỗi bước đi của bạn sẽ đưa bạn đến gần
thành công hơn, vì thế, bất kể khi nào, đừng thừa nhận thất bại của bản thân.
Bởi ai thừa nhận thất bại trước người đó cũng là kẻ thua cuộc. Như có câu
nói: “Hành trình ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân”. Cách duy nhất để đi
đến cuối cùng là đi từng bước một.
Nếu bạn gặp phải một chút thất bại và khó khăn đã muốn bỏ cuộc, thì kết
quả cuối cùng cũng sẽ chẳng nhận được gì. Cũng giống như bạn lên kế hoạch
cho một việc nào đó, dù có hoàn hảo đến đâu nhưng nếu bạn không hành
động, gặp khó khăn đã bỏ cuộc, cho dù kế hoạch tốt đến đâu, bạn sẽ không
thành công. Bởi vì kế hoạch của bạn chỉ trên giấy tờ, không phải là hành
động.
Bất kể bạn làm gì, bạn cần phải có sự tự tin để giành chiến thắng. Chỉ có
như vậy chúng ta mới có thể thành công. Nếu bạn chọn từ bỏ khi bạn gặp
một chút trở ngại và khó khăn, thì sẽ không có thành công nào đến với bạn.
Tất cả những người có thể thành công trong thời cổ đại và hiện đại, trong và
ngoài nước, đều là những người có niềm tin vững chắc. Chính vì niềm tin
vững vàng và quyết tâm chiến thắng nên họ mới có thể vững vàng trong bất
cứ hoàn cảnh nào.

Như một câu nói: “Thành công cần có dũng khí, kiên định và niềm tin để
chiến thắng. Không có dũng khí, kiên trì, quyết thắng thì sẽ không có thành
công.”
Nếu bạn chọn cách nổi giận khi gặp vấn đề, thì dù bạn làm gì, bạn cũng
sẽ không thành công, bởi vì trước khi thành công, bạn sẽ bỏ cuộc.
Như Hemingway đã nói trong The Old Man and the Sea:
“Cuộc sống luôn để lại cho chúng ta vết thương bầm tím, nhưng cuối
cùng, những nơi bị thương đó nhất định sẽ trở thành nơi vững chắc nhất của
chúng ta.”
Sẽ có một số vấp ngã trên con đường phía trước, nếu bạn chọn từ bỏ vì
những va chạm và vấp ngã này, thì bạn sẽ không có một cuộc sống tốt đẹp.
Một điều mà tất cả chúng ta nên nhớ là chúng ta không bao giờ được bỏ
cuộc cho đến cùng. Bạn phải hiểu rằng trên con đường thành công, trước hết
đừng thừa nhận thất bại, vì những người sợ thua sẽ thua cả đời.
TD dịch
Bồ Đề Tâm

Advertisement

THEO DÕI TÂM MÌNH …

Thiền không tách rời khỏi cuộc sống. Mọi tình huống đều cung cấp cho
chúng ta cơ hội để tu hành, để phát triển trí huệ và lòng từ ái.
Ajahn Chah dạy rằng tu hành đúng đắn là duy trì chánh niệm trong tất
cả mọi hoàn cảnh. Chúng ta không trốn tránh thế gian, chúng ta tập sống
trong thế gian mà không nắm giữ hay bị ràng buộc.
Ngoài ra ngài nhấn mạnh rằng đức hạnh là nền tảng của đời sống tâm
linh. Mặc dù xã hội hiện đại của chúng ta thờ ơ về đức hạnh, giới hạnh phải
được xem là nền tảng của việc hành thiền.
Giới hạnh có nghĩa là tránh làm thương hại những chúng sanh khác với
thân, khẩu, ý. Sự tôn trọng và thương yêu này khiến chúng ta sống hoà hợp
với muôn loài chung quanh chúng ta.
Chỉ khi nào lời nói và việc làm của chúng ta phát xuất từ tình thương,
chúng ta mới có thể an tâm và định trí. Vì thế, bất bạo động là bước đầu tiên
trên con đường tâm linh của chúng ta.
Để duy trì cuộc sống Trung Đạo, Ajahn Chah dạy về sự tri túc và tự lực.
Đời sống dư dật gây chướng ngại cho sự phát triển trí huệ. Tri túc trong việc
ăn uống, ngủ nghỉ và nói giúp quân bình đời sống nội tâm và đồng thời phát
triển khả năng tự lực.
“Đừng bắt chước lối tu hành của người khác, và cũng đừng so sánh mình
với họ “ – Ajahn Chah nhắc nhở. “Đừng để ý đến họ“.
Theo dõi tâm mình đã mệt lắm rồi, tại sao phải mang thêm gánh nặng
phán đoán người khác. Tập sử dụng hơi thở của mình và xem cuộc sống
hằng ngày của bạn như am thiền của bạn, rồi trí huệ của bạn chắc chắn sẽ
phát triển.
Thiền sư Ajahn Chah
Dịch Giả Minh Vi

TRÍ TUỆ XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

  1. Giữ Nết Thật Thà, Chất Phác
    “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, con người khi chưa lún sâu vào sự đời thì
    rất ít chịu sự “tiêm nhiễm” của xã hội. Nhưng khi trải qua bao thế sự xoay
    vần, thì tâm cơ cũng theo đó mà ngày càng tăng lên.
    Vì thế, làm người đừng bao giờ quên đi tâm nguyện lúc đầu. Hiểu sâu xa
    một chút, không quên tâm nguyện lúc đầu chính là học cách khiêm nhường,
    học cách không bộc lộ bản thân.
    Dù có trải qua bao thế sự xoay vần, vẫn luôn giữ một tâm hồn trong trẻo,
    thanh khiết như chưa từng bị nhuốm bẩn trong thế giới này.
    Bởi người càng thiện lương, thì càng không bị ai làm tổn thương hay sát
    hại; nhưng người càng khoe khoang, thì chỉ càng khiến người ta đố kỵ.
    Con người sống trên đời không phải càng khoa trương càng tốt, cũng
    không phải việc gì cũng thận trọng, chịu oan ức để cầu toàn thì có thể sống
    yên phận.
    Trong nhiều trường hợp, tốt hơn hết là nên giữ vững bản tính thật thà,
    chất phác và thái độ cởi mở của mình.
    Một người thật thà chất phác, nhìn bề ngoài có vẻ hiền lành ngu ngốc,
    nhưng lại giống như thỏi vàng, lúc nào cũng tỏa ra ánh sáng rực rỡ.
    Núi không nói mình cao lớn nhường nào, sông không tự nói mình thâm
    sâu bao nhiêu, người thật thà chất phác, chỉ cần không màng danh lợi, tự ắt
    tâm sẽ an nhiên.
    Giữ nết thật thà chất phác là đạo xử thế tốt đẹp, cũng là cảnh giới cực cao
    khi làm người.
  2. Nghe Được Lời Khó Nghe
    Trong cuộc sống, khó tránh khỏi đôi lúc phải nghe những lời khó nghe,
    gặp phải những chuyện không vừa ý. Tuy nhiên, những phiền phức này
    thực ra là cách để chúng ta mài giũa bản thân, tu tâm dưỡng tính.
    Có câu: “Trung ngôn nghịch nhĩ lợi vu hành, lương dược khổ khẩu lợi vu
    bệnh”, ý rằng lời nói ngay nghe chướng tai, nhưng có thể dẫn dắt hành vi
    của người ta ; thuốc tốt có vị đắng, nhưng chữa được bệnh.
    Lời ngọt ngào thì ai chẳng thích nghe. Nhưng nếu lúc nào cũng chỉ nghe
    thấy lời ngọt ngào êm tai, chuyện gì cũng hài lòng vừa ý, vậy thì chẳng khác
    gì chìm đắm trong độc dược, vô cùng nguy hiểm.
    Con người khi rơi vào nghịch cảnh, hãy học cách nhẫn nại chịu đựng,
    vững vàng kiên trì. Còn khi gặp thuận cảnh, có thể giữ được sự tỉnh táo, giữ
    vững ý định ban đầu.
    Thực ra làm người không nên “giấu lỗi, sợ phê bình”, cần phải nghe được
    cả những lời khó nghe và những lời tốt đẹp.
    Đối mặt với khuyết điểm của bản thân, cho dù rơi vào tình cảnh nào, cũng
    cần giữ tâm được bình thản, không quan tâm thiệt hơn; cũng như không vì
    mọi chuyện suôn sẻ mà tự kiêu tự mãn, không vì thất bại mà gục ngã hoàn
    toàn.
    “Nghe được lời khó nghe”, là cách để một người có thể đi được lâu, đi
    được xa hơn.
  3. Biết Tiến Biết Thoái
    Có câu nói rằng: “Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome”, đường đời
    tuy có nghìn vạn lối đi, nhưng thực tế không phải lối đi nào chúng ta cũng
    có thể bước một cách tùy ý. Hãy cẩn thận kẻo “sai một ly, đi ngàn dặm”.
    Đi theo con đường nào, phải lựa chọn thật kỹ lưỡng. Một khi đã chọn
    xong rồi thì bất luận là con đường đó bằng phẳng hay nhấp nhô, chúng ta
    đều phải ung dung đối diện.
    Cho dù là “xuân phong đắc ý” đều phải giữ chừng mực, càng ở trong
    thuận cảnh, càng phải giữ tâm tĩnh lặng. Còn nếu rơi vào nghịch cảnh, thì
    phải dốc lòng hăng hái.
    Khi chúng ta đối diện với vinh nhục được mất, có thể rộng lượng ung
    dung, đường đời sẽ càng bình lặng.
  4. Tận Hưởng Sự Tự Tại
    Nếu một người có thể tự do tự tại, như một con thuyền độc mộc không
    dây trói buộc trôi theo những con sóng, thì nội tâm người đó thực giống như
    một cái cây đã hóa tro bụi, không quan tâm đến thành bại, khen chê của
    người đời.
    Vì con người sống trên đời, khó vượt qua nhất chính là hai chữ “danh
    lợi”, khó buông bỏ nhất chính là “vinh nhục được mất”.
    Nếu một người mà tâm quá coi trọng danh lợi và được mất, thì người đó
    lúc nào cũng sẽ bị ưu phiền và bất mãn bủa vây.
    Sống nơi trời cao biển rộng, có nhiều điều là không thể thay đổi, nhiều
    điều là bất đắc dĩ, như thanh gỗ lập lờ trôi, mặc thế sự đưa đẩy.
    Tuy nhiên chỉ cần chúng ta vững tâm, mọi thứ sẽ đi theo đúng hướng.
    Làm người hãy tự biết cân bằng địa vị của mình, đừng cưỡng cầu những
    thứ không thuộc về mình, như vậy phong thái sẽ ngày càng khoáng đạt, tận
    hưởng thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống.
    Vạn sự tùy duyên, hãy để mọi chuyện đến và đi một cách tự nhiên, đó
    chính là một phần thái độ trong cuộc sống, cũng là sự tự tu dưỡng mà mỗi
    người cần phải có để thân tâm đạt được an nhàn tự tại.
    TUỆ TÂM

LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY

Chúng ta ai cũng sợ bị tổn thương, nhưng lại thích ăn thua trong mọi
chuyện, thích ăn thua với tất cả những người chung quanh, muốn ăn thua
với cả thế gian chỉ để thoả mãn cảm xúc sân si trong chốc lát của mình. Nghe
một lời nói ác, vội ném trả lại bằng một lời nói ác, thấy một ánh mắt dữ liền
ném trả lại bằng một ánh mắt dữ; rồi co người lại sợ những tổn thương.
Lượng tổn thương lọt vào trái tim của một người bằng chính lượng từ bi
đã mất đi trong trái tim; nếu trái tim chứa đầy từ bi, thì cuộc sống không thể
đổ vào được vào đó một giọt tổn thương nào.
Chúng ta, có lẽ, ai cũng sợ mình không đứng thẳng, nhưng lại luôn thích
cúi xuống nhặt lấy tất cả những thứ thiên hạ ném vào mình, ném trả lại, để
cả đời chẳng đứng thẳng người được mấy hôm.
Chúng ta, ai cũng sợ con đường sinh tử phía trước còn dài, nhưng lại
thích theo đuổi những điều trần tục, để con đường sinh tử phía trước càng
dài thêm.
Chúng ta, ai cũng sợ chết, nhưng lại thích sống những ngày còn tệ hơn cả
cái chết; ai cũng sợ trở nên tầm thường, nhưng lại thích nói và làm những
điều thô tục.
Chúng ta, ai cũng sợ đánh mất mình, nhưng lại thích đi mãi về phía đám
đông.
Tất cả chúng ta, ai cũng đang sợ một điều gì đó, có kẻ sợ mình quá “nhẹ”
nên tìm thứ gì đó thật “nặng” để buộc vào người; có kẻ lại sợ mình nặng quá
rồi phải trầm luân nên tìm cách mở ra. Cuộc sống là vậy, luôn có một ai đó
cố gắng nhặt lên những thứ mà người khác đang nỗ lực để có thể buông
xuống.
Trong cuộc sống, nhiều khi, chúng ta cùng nhìn vào một thứ nhưng lại
thấy thứ đó hoàn toàn khác nhau.
Chúng ta phải không chỉ trả lời cho nỗi sợ hãi của mình bằng niềm tin mà
bằng cả sự hiểu biết và bằng những hành động kiên trì, thật kiên trì.
Có lẽ phải mãi đến sau này, nhiều người mới nhận ra, một chút niềm vui
có được từ những điều trần tục mà họ từng chết sống theo đuổi đã thực sự
không đủ khỏa lấp hết những nỗi buồn mà nó mang đến cho mình.
Mong người luôn an.
Vô Thường
Núi Ngày Cũ.
Om Mani Padme Hum

KHẤT SĨ XIN ĂN MÀ KHÔNG PHẢI ĂN XIN

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Rồi Bà la môn Bhikkhaka đi đến, sau
khi chào đón, hỏi thăm, ngồi xuống một bên bạch Thế Tôn:
Thưa Tôn giả Gotama, con là người khất thực và Tôn giả cũng là người
khất thực. Vậy có sự sai khác gì giữa chúng ta?
Thế Tôn đáp:
“Không phải ai ăn xin
Cũng gọi là khất sĩ
Nếu chấp trì độc pháp
Không còn gọi Tỷ-kheo.
Ai sống ở đời này
Từ bỏ các phước báo
Đoạn trừ mọi ác pháp
Hành trì theo phạm hạnh
Sống đời sống chánh trí
Vị ấy xứng Tỷ-kheo”.
Khi được nghe nói như vậy, Bà la môn Bhikkhaka bạch Thế Tôn:
Thật vi diệu thay Tôn giả Gotama! Mong Tôn giả nhận con làm đệ tử,
từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
(Tương Ưng Bộ I, chương 7, phẩm Cư sĩ, phần Bhikkhaka)
LỜI BÀN:
Khất sĩ là người ăn xin, là một trong những ý nghĩa cao quý của Tỷ-kheo.
Về phương diện nuôi sống thân mạng, Tỷ-kheo chọn pháp khất thực, làm
một kẻ ăn xin đích thực. Trong vô vàn kẻ ăn xin lang thang từ nơi này đến
nơi khác tìm cái ăn để sống vất vưởng qua ngày thì những người ăn xin, Tỷ-
kheo trì bình khất thực với mục đích hoàn toàn khác, vì tự lợi và lợi tha. Tự
lợi là dùng khất thực làm phương tiện nuôi dưỡng sắc thân để tu tập. Lợi
tha là dùng phương tiện khất thực để giáo hóa và tạo phước điền cho chúng
sanh. Vì thế, khất thực là truyền thống của mười phương ba đời chư Phật.
Khất sĩ là người ăn xin nhưng không phải kẻ xin ăn nào cũng là khất sĩ,
Thế Tôn đã khẳng định như vậy. Nếu thực hành hạnh khất thực để chỉ đơn
thuần nuôi thân mà không đoạn trừ ác pháp, không thực hành phạm hạnh,
không sống đời chánh trí thì không phải Tỷ-kheo. Ngày nay, đa phần các
Tỷ-kheo không trì bình khất thực nhưng vẫn nhận sự dâng cúng của Phật tử
và sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để sống, tu tập và thực thi Phật sự. Dù
không trực tiếp thực hành theo phương thức “một bát, cơm ngàn nhà”
nhưng bản chất của khất sĩ vẫn không thay đổi.
Quán chiếu để thấy tự thân là một khất sĩ, một người ăn xin đích thực là
nhiệm vụ của mỗi Tỷ-kheo. Nguyện sống đời khất sĩ không cầu phước báo
nhân thiên, chỉ vì mục đích duy nhất là thoát ly sanh tử và nguyện cứu độ
chúng sanh. Trong tinh thần phương tiện, một khất sĩ có thể và có quyền sở
hữu nhưng phải thường quán sát với tuệ giác không có bất cứ cái gì “là tôi,
là của tôi và tự ngã của tôi”.
Tuệ tri thường trực về ý nghĩa và bản chất của đời sống khất sĩ là động
lực quan trọng để làm suy giảm, dẫn đến triệt tiêu tự ngã và tham ái. Đó
cũng là lý do hàng Phật tử khi tu tập bố thí, gieo trồng ruộng phước nơi
chúng Tăng không đơn thuần bố thí mà mang ý nghĩa cao cả là cung kính
cúng dường.
QUẢNG TÁNH