CHUYỆN CÁI THẮNG XE

Trong một giờ học vật lý, thầy giáo bỗng hỏi cả lớp: “Tại sao trong xe hơi
lại cần có thắng xe?”
Câu hỏi dường như quá đơn giản nên một học sinh đã xung phong trả
lời:
“Thưa thầy, em nghĩ là để dừng xe”.
“Theo em là để giảm và kiểm soát tốc độ của xe”
Một học sinh khác có ý kiến. “Để tránh va chạm ạ”, một học sinh nữa đứng
lên trả lời.
Sau đó, đa số các học sinh cũng đều có những câu trả lời tương tự. Thấy
vậy, thầy giáo mỉm cười và nói ra đáp án của mình:
“Tôi đánh giá cao tất cả các câu trả lời của các em, tuy nhiên, tôi lại có góc
nhìn của riêng mình.
Theo tôi, cái thắng xe trên xe là để giúp nó chạy nhanh hơn”.
Nghe thấy vậy, các học sinh đều ngơ ngác nhìn nhau không hiểu thầy
giáo đang nói gì. Lúc này, thầy giáo mới từ tốn giải thích:
“Thế này nhé, giả sử chiếc xe chúng ta đang đi không có thắng, thì các em
sẽ dám lái nó với tốc độ tối đa là bao nhiêu?
Chắc chắn là vì không có thắng nên các em sẽ không dám đi nhanh đúng
không? Chính vì thế, chiếc thắng đã cho chúng ta dũng khí để lái nhanh
hơn”.
Tất cả các học sinh đều im lặng. Đây là điều các em chưa từng nghĩ tới.
Thầy giáo tiếp tục:
“Tương tự như vậy, trong cuộc sống này cũng có rất nhiều chiếc thắng
cho chúng ta. Chúng chính là những khó khăn, thử thách kìm hãm chúng ta
vào một lúc nào đó.

Thế nhưng, sao ta không nhìn khác đi? Sao không cho rằng chúng cũng
chính là động lực để ta tiến về phía trước?
Để giúp chúng ta an toàn và tránh được những nguy hiểm, rủi ro? Giống
như chiếc thắng vậy.
Đôi khi, để đi được nhanh hơn, chúng ta cần phải dừng lại hoặc lùi về
phía sau. Chúng ta nên biết ơn những chiếc thắng xe như vậy”.
Hàng Phước Long

Advertisement

THƯƠNG CON NÊN BIẾT NHỮNG ĐIỀU NÀY

Nếu trẻ em sống với thù nghịch, chúng học tranh đấu.
Nếu trẻ em sống với doạ dẫm, chúng học e sợ.
Nếu trẻ em sống với nhạo báng, chúng học nhút nhát.
Nếu trẻ em sống với ghen tị, chúng học đố kị.
Nếu trẻ em sống với chê bai, chúng học mặc cảm tự ti.
Nếu trẻ em sống với phê phán, chúng học cách kết án.
Nhưng….
Nếu trẻ em sống với khích lệ, chúng học tin tưởng.
Nếu trẻ em sống với tha thứ, chúng học cảm thông.
Nếu trẻ em sống với ca ngợi, chúng học cảm kích.
Nếu trẻ em sống với chấp nhận, chúng học yêu thương.
Nếu trẻ em sống với chấp thuận, chúng học sáng tạo.
Nếu trẻ em sống với thừa nhận, chúng học mục đích.
Nếu trẻ em sống với chia sẻ, chúng học hào phóng.
Nếu trẻ em sống với chân thực, chúng học tin cậy.
Nếu trẻ em sống với công bằng, chúng học ngay thẳng.
Nếu trẻ em sống với lòng tốt, chúng học kính trọng.
Nếu trẻ em sống với an ninh, chúng học tự tin.
Nếu trẻ em sống với sự thân thiết, chúng học thế giới này là chỗ để sống.
Anh Nhi Hạnh

HỌC THA THỨ CHO CHÍNH MÌNH

Người khác phạm lỗi, ta sẵn sàng tha thứ. Nhưng nếu người phạm lỗi là
chính ta thì sao?
Bạn có thể nâng một viên gạch không? Tất nhiên là có thể, nó nặng chưa
tới một cân, có gì khó khăn đâu?
Tuy nhiên, trọng lượng tuyệt đối của viên gạch không phải là vấn đề. Bạn
có thể dễ dàng giữ nó trên tay, một phút, hai phút, ba phút…. Nhưng sau
một tiếng, tay bạn bắt đầu mỏi; sau một ngày, vai bạn sẽ đau nhức. Vẫn là
viên gạch đó, khi thời gian trôi qua, nó trở nên nặng nề hơn.
Trong cuộc sống cũng vậy, những phiền muộn nhỏ, nếu giữ mãi trong
lòng, sẽ trở thành vấn đề lớn. Nếu bạn không biết buông bỏ, sớm muộn
chúng cũng đè chết bạn.
Cần trí tuệ để nhớ những gì phải nhớ. Cần lòng vị tha để quên những gì
phải quên. Cuộc sống vốn không hoàn hảo. Ngay cả những người bạn thân
nhất, những người mà ta yêu quý nhất, rồi cũng có lúc làm ta tổn thương.
Mỗi ngày, ta không thể tránh được phiền muộn. Nhưng mỗi ngày, ta phải
biết bỏ chúng ở lại phía sau. Trước khi đi ngủ, hãy nhớ lại những tổn thương
gặp phải trong ngày và tự nhủ, thật may chúng đã là chuyện của quá khứ.
Người khác phạm lỗi, ta sẵn sàng tha thứ. Nhưng nếu người phạm lỗi là
chính ta thì sao?
Tôi biết một người đã từng làm việc có lỗi với cha mẹ. Khi họ mất, cô ấy
đã rất đau khổ và sống trong ân hận suốt phần đời còn lại. Như thế cũng
không đúng. Đôi khi, sự tha thứ của người đời là chưa đủ; ta cũng cần phải
biết tha thứ cho chính bản thân mình.
Đừng bao giờ mang phiền muộn của những ngày qua vào một ngày mới,
của những tuần qua vào một tuần mới, của những năm qua vào một năm
mới.
Chúc bạn luôn có cuộc sống nhẹ nhàng và thanh thản!
Hoàng Minh Châu

TÔI KHÔNG BAO GIỜ PHẢI ĐI MỘT MÌNH

Mẹ mất năm tôi 11 tuổi. Tôi cảm thấy mình không còn tuổi thơ nữa. Một
năm sau, ba gặp dì Dot và một năm sau thì họ làm đám cưới.
Quá nhanh. Một người phụ nữ khác chuyển vào nhà chúng tôi và khuấy
lên những ký ức của tôi về mẹ. Cùng với dì Dot là đứa con riêng của dì, mới
8 tuổi.
Khi một mình, tôi thường nghe bài “Bạn không bao giờ phải đi một mình”
và tự an ủi rằng mẹ đang hát bài đó cho tôi nghe. Nhưng tôi lại tự hỏi: Làm
sao mẹ có thể đi cùng tôi được?
– Em có muốn con bé gọi em là “mẹ” không? – Một ngày tôi nghe thấy ba
hỏi dì Dot như vậy. Có cái gì đó trong tôi mong muốn vô cùng rằng dì sẽ trả
lời “Có”.
Nhưng dì suy nghĩ, rồi nói:
– Không, em thấy như thế không đúng!
Từ “không” cứa vào tim tôi. Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Dì Dot coi
tôi chỉ là “hàng đính kèm” của ba. Tôi là nước lã.
Nhưng dù tôi có cáu kỉnh, hỗn hào đến đâu, dì Dot cũng không bao giờ
dùng những từ nghiệt ngã để mắng tôi. Có lẽ bởi vì dù sao, chúng tôi vẫn cứ
phải ở với nhau. Dì chẳng có sự chọn lựa nào ngoài tôi, và tôi cũng vậy!
Những lúc buồn, tôi lại đến thăm mộ mẹ. Tôi chạm tay lên tên mẹ trên
bia mộ và cảm thấy như được chạm được vào mẹ. Tôi không bao giờ mang
theo hoa vì lúc nào cũng thấy một giỏ hoa tươi đặt ở đó. Có lẽ là của ba.
Năm 15 tuổi, có lần tôi đi học về, tôi nhìn thấy Michael – đứa con dì Dot
mới sinh. Nó nằm trong nôi và dì Dot đang đung đưa nôi cho nó, nhưng khi
nó nhìn thấy tôi, nó cứ giơ tay lên vẫy.
– Con bế nó được không, dì?

Dì Dot bế Michael lên và đặt vào tay tôi. Trong khoảnh khắc ngắn bằng
một nhịp tim, Michael như kết nối chúng tôi với nhau.
– Con có thích cái áo không? – Dì Dot hỏi khi tôi bóc món quà dì tặng
nhân sinh nhật lần thứ 16 của tôi. Đó là cái áo mà tôi đã từng chạm vào không
biết bao nhiêu lần nhưng không đủ tiền mua.
Lúc đó, dì Dot như trở thành người bạn thân nhất của tôi.
Một Chủ Nhật ở nhà bà, tôi nghe thấy dì Dot nói với cô Annie: “Tôi nghĩ
không nên bắt con bé gọi tôi là “mẹ”. Con bé đã có một người mẹ và nó chắc
muốn giữ từ Mẹ để gọi riêng mẹ nó mà thôi”.
Đó là lý do dì Dot đã trả lời “không” với ba tôi?
Hai năm sau, ba tôi mất vì một tai nạn xe hơi. Tôi gần như ngã gục. Phản
ứng đầu tiên của tôi là tôi phải dựa vào dì Dot – gia đình của tôi.
Và lần đầu tiên, một nỗi sợ ám ảnh tôi. Cha – người thân duy nhất của tôi
– đã ra đi. Có thể ba cũng là đường nối duy nhất giữa tôi và dì Dot. Rồi tôi
sẽ mất cả gia đình? Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Liệu dì Dot cũng cảm
thấy như thế không?
Tôi đi học đại học và ở ký túc xá. Dì Dot chuyển về nhà cũ của mình sau
đám tang của ba tôi.
Cuối tuần, tôi về nhà dì Dot. Nhà dì Dot, không phải nhà của ba và dì Dot
như trước đây.
– Sue hả con! – Giọng dì Dot vang lên ấm áp khi ra mở cửa cho tôi. Chợt
thấy tôi khóc, dì ôm lấy tôi – Bây giờ ba con đã được gặp lại mẹ con rồi.
Tôi cười gượng:
– Vâng, trước đây thì ba luôn đặt hoa lên mộ mẹ …
Dì Dot trông có vẻ hơi khó hiểu, rồi dì nói:
– Không, Susie ạ! Không phải ba đặt hoa ở mộ mẹ con đâu – dì ngập
ngừng – Dì đó…
Một sự thật vỡ ra trong tôi. Một phần của máu là nước lã, đó là sự thật.

Ít lâu sau, trong một lần về thăm, tôi hỏi dì Dot:
– Đã đến lúc con gọi dì là “mẹ” được chưa?
Dì Dot đỏ mặt. Và tôi cảm thấy rõ là mắt dì ướt.
Đúng là mẹ đã hát “tôi không bao giờ phải đi một mình”. Mặc dù mẹ
không còn nữa nhưng có một người mẹ khác luôn đi cùng với tôi
SƯU TẦM