LÀ NGƯỜI BIẾT SỐNG MỘT MÌNH

Thiên hạ bao la, nhưng trên đời này có mấy ai gặp được tri kỷ, để nhiều
lúc phải cười đau khóc hận, ôm mối tâm sự một mình. Thế thì đi tìm tri kỷ
cũng như tìm trăng dưới đáy nước, nếu có gặp được cũng chỉ là một cái
duyên, có hợp rồi có tan, như tất cả những nhân duyên trên cõi đời này.
Dù có gặp được tri kỷ, mỗi người cũng vẫn là một thế giới cách biệt, có
cảm thông cũng chẳng làm gì được cho nhau, vì ai nấy đều phải sống cuộc
đời của mình, đối diện với những vấn đề của mình, không ai có thể cảm
nhận được hoàn toàn những điều người khác cảm nhận. Mặc dù vậy, nếu
biết hiện tại có một người tri kỷ, dẫu người ấy ở xa ngàn trùng, cũng cảm
thấy ấm lòng.
Nếu xây đắp hạnh phúc hay sự an lạc của mình trên những đối tượng
bên ngoài hay những gì do duyên hợp, chắc chắn sẽ không khỏi có lúc buồn
đau hụt hẫng, bởi vì những gì do duyên hợp đều phù du huyễn ảo như giấc
mộng, như bọt nước, như sương rơi. Trên thế giới này, tất cả mọi thứ đều
luôn luôn chuyển biến, và con người cũng không ngừng thay đổi, không bao
giờ đứng lại một chỗ. Vì vậy, những vấn đề của ngày hôm qua có thể không
còn là vấn đề của ngày hôm nay, và những nỗi niềm ôm ấp lâu nay đến lúc
nào đó sẽ nhạt nhòa phai tàn cùng với thời gian. Tri kỷ ngày hôm nay có thể
không còn là tri kỷ của ngày mai. Có những người bạn trước đây thật thân
thiết nhưng ngày nay gặp lại nhiều khi cũng chỉ trao đổi vài ba câu chuyện
rồi đường ai nấy đi, vì hoàn cảnh đã thay đổi, tâm tình cũng không còn như
xưa.
Một lúc nào đó, dù có một đời sống thế nào, hạnh phúc hay đau khổ, may
mắn hay bất hạnh, chúng ta sẽ chỉ còn lại một mình, đối diện với chính mình.
Nếu chưa bao giờ biết sống một mình, chắc hẳn sẽ có rất nhiều bất an và
phiền muộn, không biết làm gì cho lấp đầy khoảng trống. Biết sống một
mình không có nghĩa là xa lánh đời, xa lánh người mà chỉ biết đến mình.
Sống một mình như vậy chỉ là theo hình tướng, nếu thực chất vẫn còn đầy
vô minh phiền não thì cũng chẳng ích gì. Biết sống một mình là ý thức được
sự huyễn hóa trong cuộc đời và đi tìm sự thường hằng an lạc nơi chính mình,
qua sự tìm hiểu khai phá thân và tâm mình. Tập trung tư tưởng trong sự
thấy biết thân và tâm, cảm nhận sự sống hiện tại qua từng hơi thở, từng niệm
khởi đến đi là trở về với Tánh Giác thường hằng sẵn có. Và từ nền tảng bao
la của Tánh Giác đó, những năng lực chuyển hóa mầu nhiệm có thể được
phát khởi, cho ta sức mạnh nội tại để có thể an nhiên vượt qua những khó
khăn thử thách trong cuộc đời.
Trong kinh Phật có kể chuyện một vị tỳ kheo khất sĩ lúc nào cũng thích
sống một mình, đi khất thực một mình, thọ trai một mình, ngồi thiền một
mình, không giao du hòa nhập với các tỳ kheo khác trong Tăng chúng. Đức
Phật nghe kể lại mới gọi ông đến hỏi rằng:

  • Nghe nói ông thích sống một mình, vậy ông sống một mình như thế
    nào?
    Khất sĩ đáp:
  • Bạch Thế Tôn, con chỉ sống một mình một nơi, ca ngợi hạnh sống một
    mình, một mình đi khất thực, một mình ra khỏi xóm làng, một mình ngồi
    thiền, thế thôi.
    Phật bảo:
  • Ông đúng là người thích sống một mình – tôi không nói vậy là không
    phải, nhưng tôi biết có một cách sống một mình thật là mầu nhiệm. Đó là sự
    quán chiếu thấy rằng quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới, nên an
    nhiên sống trong hiện tại mà không vướng mắc vào những ước vọng ràng
    buộc. Người thức giả sống như thế, tâm không do dự, bỏ hết mọi lo âu hối
    tiếc, xa lìa mọi tham dục trên thế gian, cắt đứt những sợi dây ràng buộc lôi
    kéo mình. Đó gọi là thực sự biết sống một mình. Không có cách nào sống
    một mình mầu nhiệm hơn thế được.
    Rồi Thế Tôn nói bài kệ như sau:
    Quán chiếu vào cuộc đời
    Thấy rõ được vạn pháp
    Không kẹt vào pháp nào
    Lìa xa mọi ái nhiễm
    Sống an lạc như thế
    Là biết sống một mình.
    Như vậy, sống một mình tức là sống an vui tự tại vì đã thấy rõ được bản
    chất hư ảo của cuộc đời, nên xả bỏ cái Ngã đầy chấp trước si mê, nguồn gốc
    của mọi phiền não đau khổ. Điều nghịch lý kỳ diệu là người biết sống một
    mình lại chính là người biết quên mình đi, như thiền sư Đạo Nguyên nói:
    Học đạo là học về tự ngã – Học về tự ngã là quên đi tự ngã…
    NB
    Namo Buddaya
Advertisement

NƯƠNG TỰA NƠI CHÍNH MÌNH

“Đức Phật dạy người nào muốn hiểu biết thì phải tự mình thấy rõ chân
lý. Thế nên không có chút khác biệt nào giữa những lời tán dương và câu chỉ
trích. Dầu người ta nói thế nào cũng không quấy rầy được bạn. Một người
không tự tin sẽ cảm thấy mình xấu khi bị kẻ khác chê xấu. Hãy tự xét.
Nếu họ nói sai, hãy quên đi; nếu họ nói đúng, hãy học theo họ. Bất kỳ
trường hợp nào xảy ra cũng chẳng có gì. Tại sao phải giận dữ? Nếu bạn có
thể nhìn sự vật như vậy, bạn sẽ thật sự bình an. Chẳng có cái gì là sai cả; tất
cả đều là Pháp. Nếu bạn thật sự sử dụng khí cụ mà Đức Phật đã ban cho bạn,
bạn sẽ không cần phải ganh tị với người khác nữa.
Trong khi những kẻ lười biếng chỉ muốn nghe và tin, bạn có tự tín và có
thể kiếm sống bằng sự nỗ lực của chính mình. Tuy thế, nếu khi thực hành
bạn chỉ sử dụng những gì bạn có thì cũng phiền toái bởi vì chúng là của bạn.
Ban đầu, có lúc bạn nghĩ việc hành thiền thật khó khăn và bạn đã khư khư
nắm giữ những cái tốt của kẻ khác.
Thế rồi, Đức Phật dạy bạn phải làm với những gì bạn có và bạn nghĩ rằng
mọi chuyện đều êm xuôi tốt đẹp. Nhưng rồi bạn lại thấy khó khăn nữa, Đức
Phật lại dạy thêm: Nếu bạn dính mắc và nắm giữ điều gì, dầu của chính bạn
hay của ai đi nữa, bạn cũng gặp phiền toái. Nếu bạn chạy vào bếp nhà hàng
xóm nắm một cục lửa, bạn sẽ bị phỏng tay. Nếu bạn nắm cục lửa nhà bạn,
bạn cũng bị phỏng tay như thường. Vậy thì đừng nắm giữ gì cả.
Đó là lối thực tập áp dụng ở đây — phương pháp trực tiếp. Tôi không
bằng lòng với ai. Nếu bạn đem kinh điển hay tâm lý học tranh cãi với tôi, tôi
sẽ không tranh cãi. Tôi chỉ trình bày cho thấy nhân và quả, để bạn hiểu chân
lý của pháp hành. Chúng ta tất cả đều phải nương tựa nơi chính mình.”
(*) Trích: Mặt hồ tĩnh lặng – Ajahn Chah.

LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY


“Sương mù chỉ có thể tồn tại được khi mặt trời chưa mọc. Khi mặt trời
lên, sương liền tan mất.
Những khổ đau và bất an trong lòng người đời cũng vậy, chúng chỉ tồn
tại khi trong họ chưa có tình thương và hiểu biết. Khi tình thương và hiểu
biết xuất hiện, những bất an và khổ đau sẽ tan biến mất”.(1)
Ánh sáng của người khác, dù rực rỡ đến đâu, cũng không thể xóa bỏ hết
những lạnh lẽo âm u trong lòng của mình. Ánh sáng nằm trong lòng người
này, còn những lạnh lẽo âm u lại nằm trong lòng người khác; cách lòng, luôn
là khoảng cách xa nhất, với không được, đi không tới, nhìn không qua.
Nếu không có năng lực nhìn thấy được nguyên nhân bắt đầu nỗi đau và
cách thức để kết thúc nỗi đau thì cũng không đủ năng lực để có được bình
yên, bất kể ai cũng vậy, dù kẻ đó đáng thương thế nào.
Có được bao nhiêu hiểu biết sẽ đặt xuống được bấy nhiêu đau khổ. Có
được bao nhiêu từ bi sẽ có được chừng ấy bình yên. Không ai có thể vay
mượn từ bi và hiểu biết của người để bình yên.
Khi đi ngang qua, dù thương hay ghét, những dấu vết mà người đời
thường để lại cho nhau phần nhiều là những vết thương; tất cả cũng chỉ do
thiếu tình thương và hiểu biết mà thành.
Người mà chúng ta oán ghét, là người sẽ làm khổ chúng ta; và người mà
chúng ta thương, nhưng thương không đúng cách, là người sẽ bị chúng ta
làm khổ. Thiếu tình thương và hiểu biết rồi mãi làm khổ nhau, dù nhiều khi
không ai muốn.
Cuộc sống như một dòng sông, chảy mãi và đầy bất trắc, những ai chỉ nói
“tình thương” và “hiểu biết” nhưng không thực hành, kẻ đó như người ở
trong dòng nước nhưng lại nằm yên không chịu bơi, không vùng vẫy, không
hành động, kẻ đó nhất định sẽ bị chìm.
Người ngủ an.
Vô Thường.
Núi.27.11.2020
Om Mani Padme Hum


[1] Dịch ý từ một đoạn kinh, từ dòng thứ 9 đến dòng 13, khung thứ hai,
trang 582, bộ kinh mang mã số 374, 大般涅槃經 (kinh Đại Bát Niết-bàn), tập
12 大正新脩大藏經。
P/s: Này Người! Đi đâu làm gì cũng nghĩ mình là con của Phật.

SỰ VÔ THƯỜNG CỦA CUỘC ĐỜI

Tất cả sự vật trên cuộc đời đều biến động, vô thường hay thay đổi. Đây
là ngọn lửa vô thường sẽ dần thiêu đốt tất cả. Con người cố gắng tạo ra mọi
thứ, nhưng rồi ngọn lửa vô thường của thời gian sẽ làm tất cả đều trở thành
con số không.
Qua đó, chúng ta phải hiểu, phải ý thức rằng chúng ta phải đi tìm điều gì
đó trường cửu hơn là những thứ giá trị tạm bợ này.
Tuy rằng trong cuộc sống, chúng ta không thể phủ nhận tất cả vì còn nhu
cầu để sống, để có cái ăn cái mặc, cái nhà để ở, những nhu cầu tối thiểu,
không thể thiếu. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta hãy nhớ rằng tất cả đều vô
thường tạm bợ. Chúng ta không nên xem điều đó là quý giá, là cứu cánh,
mà chúng ta phải hướng đến mục tiêu cao thượng hơn, bền vững hơn,
trường cửu hơn.
Trong kiếp người chỉ bảy tám mươi năm, với một người không hiểu nhân
quả luân hồi sẽ cho rằng con người nên hưởng thụ đầy đủ vật chất của kiếp
người này rồi chết, rồi hết.
Nhưng với con người có trí tuệ, hiểu đạo sẽ thấy rằng bảy tám mươi năm
này không hề là một điểm cuối cùng, chưa phải là sự chấm hết, mà vòng
luân hồi sẽ khiến họ còn tái sanh mãi mãi. Cho nên, cái giá trị bền vững là
những gì con người mang theo từ kiếp này sang kiếp khác. Đó mới chính là
sự bền vững, là tâm nguyện tu tập, là công đức mà chúng ta đang gieo ở
hiện tại, chứ không phải tiền bạc của cải đang có.
Ví dụ như một người giàu có, và rất may mắn không bị bệnh tật, không
bị cháy nhà, không bị con cái phá của, thì họ sẽ giữ được tài sản của cải cho
đến chết, nhưng họ không thể mang theo tài sản đó qua kiếp sau. Nếu họ
giàu có và biết đem tài sản để làm việc phước thiện, giúp người khác tăng
trưởng pháp thiện, thì họ sẽ đem được công đức đó qua kiếp sau.
Vì vậy, nếu trong cái vô thường này mà chúng ta biết tìm ra một cái bền
vững của nhân quả, là công đức lành, là công phu tu hành, là lòng từ bi, là
chí nguyện giải thoát, thì chúng ta không sợ bị ngọn lửa vô thường phá tan.
Trích sách: Pháp Hoa Chân Nghĩa – Phẩm Thí dụ – trang 71, 72 – TS.