NGƯỜI TRÍ KHÔNG CHỈ NHẮM ĐẾN SỰ THÀNH CÔNG CHO KIẾP NÀY!

  • Nếu bạn tin rằng có luân hồi và đời sống là một tiến trình tái sanh. Như
    vậy, cuộc đời chính là một hành trình sanh tử, tử sanh… Và như vậy, sự
    nghiệp của chúng ta không phải là thành công trong phạm vi kiếp sống này
    mà phải là sự thành công trong cả nhiều kiếp.
    Và cái thành công ấy là gì?
    Đó là: ít tội nhiều phước.
    Vì ít tội nên bạn sẽ ít khổ, vì nhiều Phước mà bạn được may mắn hạnh
    phúc nhiều. Thuận lợi trơn tru hơn trên con đường sanh tử đến khi Niết Bàn
    thì thôi.
    Vậy trong một kiếp người ai ít làm tội, tích phước nhiều thì người ấy là
    người thành công.
    Còn thành công theo quan điểm người đời là địa vị, giàu sang, quyền
    lực,…tất cả những thứ ấy bạn cũng biết rồi, sau một thời gian nữa mình nếu
    có chăng nữa cũng buộc phải bỏ lại, mình bỏ nó hoặc nó bỏ mình, hoặc tự
    tánh của nó sẽ tan hoại. Chỉ có phước báu mới là tài sản, là thành quả của sự
    nghiệp đi theo bạn mãi mãi.
    Đức Phật đã dạy trong Kinh Pháp Cú:
    “Như từ một đống hoa
    Nhiều tràng hoa được làm
    Cũng vậy thân sanh tử
    Làm được nhiều thiện sự.”
    Một đống hoa nếu xâu lại thành tràng hoa thì sẽ xinh đẹp và lợi ích.
    Cũng vậy, thân người này rồi sẽ tan hoại trống không, nếu ai biết tận
    dụng kiếp người tạm bợ này để làm các thiện sự, làm các Phước báu thì kiếp
    người này được sử dụng có lợi ích và ý nghĩa vậy.
  • Nếu bạn hiểu về Định Luật Nhân Quả thì bạn sẽ rất nhiệt tâm, năng nổ
    trong mọi việc làm lành, tạo phước. Bởi vì, tất cả việc ấy dù bạn làm cho ai
    cũng là bạn đang làm cho chính bạn.
  • Bạn lượm cây đinh cho người khác an toàn chính là bạn đang tạo an toàn
    cho bạn.
  • Bạn trồng cây lâu năm cho thế hệ sau được bóng mát chính là bạn đang
    tạo bóng mát cho mình.
  • Bạn đang xây dựng cho thế hệ sau nghĩa là bạn cũng đang xây dựng cho
    mình.
  • Bạn đang giúp đỡ người khác nghĩa là bạn đang giúp đỡ chính mình.
  • Bạn đang cho người khác bữa ăn no nghĩa là bạn đang tạo nhân nó đủ
    cho mình.
  • Bạn đang cho người khác sự hài lòng nghĩa là bạn đang tạo nhân hài
    lòng cho mình.…
    Thật sự, trước mắt chúng ta thường làm điều tốt đẹp cho người khác
    nhưng đằng sau đó là đang làm cho mình.
    Do thấu hiểu được điều ấy mà ngươi Phật tử chân chánh cho đi với lòng
    chân tình, nhiệt tâm và hoan hỷ mà không mong người báo đáp. Vì thực sự,
    công việc ấy là mình đang làm cho chính mình. Vì lý tưởng Phước báu mà
    người Phật tử cống hiến với kiểu.. “tình cho không biếu không”.

NHẬN THỨC CỦA MỘT NGƯỜI TÙY THUỘC VÀO ĐIỀU GÌ?

Có hai vũng nước như nhau. Vũng 1 và vũng 2.
Ở vũng 1, có một người bước qua nó với cường độ nhẹ và biên độ ngắn.
Bùn và cặn được khơi lên nhẹ và chỉ thoáng chốc là tự lắng xuống hoàn toàn
khi không còn tác động gì.
Ở vũng 2, có một người bước qua nó với cường độ nặng và biên độ dài
hơn. Khi không còn tác động gì thì quá trình tự lắng của bùn cặn vẫn lâu
hơn nhiều so với vũng 1.
Tại sao căn cơ của mỗi người mỗi khác?
Hãy chiêm nghiệm ví dụ trên và tự ngộ ra trong chính hoàn cảnh của
mình. Nhiều người nghĩ nhận thức tùy thuộc vào tuổi tác, vào sự từng trải,
vào kinh nghiệm… nhưng hoàn toàn không phải như vậy.
Nhận thức của con người tùy thuộc vào sự dính chấp với cường độ và
biên độ nhiều hay ít, và độ tĩnh-tỉnh ổn định hay không ổn định, thường
xuyên hay không thường xuyên. Sự dính chấp vốn là sự ảo tưởng, nó che mờ
đi sự tĩnh-tỉnh. Tĩnh-tỉnh nghĩa là tâm tĩnh lặng và thấy biết như nó là. Nếu
sự dính mắc với cường độ lẫn biên độ quá sâu mạnh thì trở về tĩnh thường
khó khăn, đó là lý do vì sao nó đòi hỏi quá nhiều sự kiên nhẫn.
Khi nhìn vào bên trong bạn, khối dính mắc hay khối đau khổ ấy rất lì lợm,
nó như quả bom nổ chậm. Nó cứ luôn bị thúc giục phải nổ (tức tạo hệ quả).
Vì thế khi nhìn vào bên trong mình, bạn sẽ thấy được sự khó chịu, sự thôi
thúc “tôi phải làm cái gì đó”, sự bứt rứt, đứng ngồi không yên. Khối dính
mắc là động, vì thế nó luôn muốn bạn phải động.
Khi nhìn vào mình, nếu nhiều suy nghĩ không đâu cứ nảy sinh, nghĩa
rằng dao động từ sự dính mắc trồi lên. Nhưng nhiều người lại tiếp tục phản
ứng với sự dao động này, vậy thì cường độ lẫn biên độ dao động lại bị đẩy
lên thêm. Trở về định tĩnh càng khó khăn.
Nói đến đây, bạn sẽ thấy việc không tác động gì thêm quả nhiên là một
bài toán khó, phải vậy không? Tỉnh thức không hề khó, nhưng vì thói quen
tạo ra dao động bên trong chúng ta rất mạnh và khiến điều đó trở nên một
thứ hàng thiết yếu bên trong tư duy bị lập trình hóa của chúng ta.
Nhưng cái thú vị là ở chỗ, khi tạo ra tác động, nhiều người lại không nhận
ra là đang tạo thêm dao động. Vậy chỉ có đau khổ mới có thể kích cho họ
thấy rõ mà thôi.
Trích sách “Bản chất con người là nhận biết” (Trang Ps)

NGÀN NƯỚC NGÀN TRĂNG HIỆN

Buổi tối qua khi tôi ra về trời cũng đã thật khuya! Bước ra ngoài, tôi thấy
trăng vằng vặc sáng trên đầu. Con đường nhỏ tôi đi có ánh trăng đổ dài bóng
cây. Không gian trời thu trong và mát lạnh. Những nốt nhạc lời thơ vẫn còn
nhẹ rơi. Nhạc và thơ bao giờ cũng mang lại cho cuộc đời những niềm vui
nho nhỏ bạn hả!
Sáng nay dậy sớm, pha một tách cà phê, ra ngồi sau nhà. Những giọt
sương vẫn còn đọng trên lá cỏ. Không khí lạnh buổi sáng làm tách cà phê
sáng nay của tôi thấy ấm hơn. Sáng nay, tôi muốn chia sẻ với bạn về vấn đề
hạnh phúc.
Vào tuổi bây giờ, tôi nghĩ, hạnh phúc không còn có thể nằm trên mây hoặc
là ở một nơi xa xôi nào đó. Hạnh phúc, tôi nghĩ, là một buổi sáng ngồi yên,
là được nhìn một tia nắng lung linh vướng trong hạt sương, là pha một tách
cà phê thơm uống cùng lá và mây. Là cứ mở lòng ra với những gì đang có
mặt trong cuộc sống mình.
Mở lòng ra để chia sẻ và tiếp nhận.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng những việc làm bình thường và gần gũi với
mình nhất, vì dầu bất cứ trong hoàn cảnh nào chúng ta bao giờ cũng có một
cái gì đó chân thật, dầu nhỏ nhặt đến đâu, để chia sẻ.
Như một giọt nắng trong sáng, như một bông hoa tỏa hương cho cuộc
đời, như một nén trầm thơm, sẽ được gió cuốn đi lan tỏa và chia sẻ đến biết
bao nhiêu người khác. Và tôi nghĩ, đó là phương cách Phật dạy để chúng ta
có được hạnh phúc: làm những việc bình thường với một tâm trong sáng và
rộng lượng.
Ta đâu cần phải tìm cầu một lý tưởng nào, chỉ cần lắng yên và có mặt thôi
phải không bạn. Sống trong cuộc đời nhiều khi điều mà ta cần làm là mở
lòng mình ra để cảm nhận và lắng nghe thôi.
Ở rừng núi, đêm thật tối và trăng sao thật sáng. Trên cao, ngàn sao chi
chít vụn vỡ làm sáng tỏ một dãy thiên hà.
Ngàn nước ngàn trăng hiện
Trong cuộc sống chúng ta thường khép kín mình lại, vì sợ rằng mở rộng
lòng ra cũng có nghĩa là ta sẽ tiếp nhận khổ đau. Nhưng nếu ta mở lòng ra
với một tâm trong sáng, không vướng mắc, chia sẻ và tiếp nhận tình thương,
thì đó lại là một việc hoàn toàn khác.
Vì luật tự nhiên là ta sẽ nhận lại được những gì mình ban ra. Khi tình
thương càng rộng thì hạnh phúc của ta lại càng lớn.
Trong nhà thiền, tâm được ví như một vầng trăng trong sáng, toả chiếu
giữa bầu trời rỗng lặng. Trăng không hề đòi hỏi hay ra điều kiện gì ở nơi
người nhận, nó tĩnh lặng và soi chiếu tất cả. Thế thôi!
Mặt trăng chỉ tỏa sáng. Nó không hề có mục đích muốn mang lại lợi ích
cho bất kỳ ai, hoặc làm cho họ được hạnh phúc. Chỉ là sự cởi mở và chia sẻ
tự nhiên. Và nơi nào có nước thì vầng trăng ấy biểu hiện.
Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt
Vạn lý vô vân vạn lý thiên.
Dịch nghĩa:
Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện,
Muôn dặm không mây muôn dặm trời.
Trần Thái Tông
— Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên

IM LẶNG CŨNG LÀ CHÁNH NGỮ

Khi người ta hỏi một câu mà mình hấp tấp trả lời, cái đó có thể không là
chánh ngữ. Khi người ta hỏi một câu mà mình ngồi im không trả lời, cái đó
có thể là chánh ngữ. Tại vì có những câu hỏi không nên trả lời. Sự im lặng
đó là im lặng sấm sét của kinh Người Bắt Rắn. Chỉ cần im lặng thôi là đủ
hùng hồn chỉ cho người kia thấy sự thật. Nhất là khi những câu hỏi có chủ
ý khơi ra những đàm luận về siêu hình, không ích lợi thật sự.
Chúng ta thường nghe nói về những câu của đệ tử hỏi thầy ngày xưa:
Bạch thầy, thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?
Hoặc: Thầy nói tất cả vạn pháp đều qui về một, vậy thì cái một nó qui về
đâu? Đó là những công án thiền tập, và người ta có khuynh hướng muốn
phân tích, tìm hiểu, lý luận về những công án đó. Ta có thể để ra một, hai
tiếng đồng hồ để thao thao bất tuyệt. Nói mà thấy trong lòng sung sướng, vì
có cơ hội để phô bày kiến thức của mình. Nhưng tất cả những lời nói đó có
thể không phải là chánh ngữ, tại vì nó không giúp ích gì được cho người
nghe. Vì vậy khi nghe câu của đệ tử hỏi, có thầy chỉ ngồi im lặng và mỉm
cười, nhìn người đệ tử với con mắt rất từ bi. Có thầy lại nói: Con uống trà đi.
Hoặc: Con có thấy cây tùng trước sân đẹp quá không? v.v… Sự thật thì đó
là một mệnh lệnh: Sư chú đừng hỏi lôi thôi! Có ly trà trước mặt mà không
chịu uống cho đàng hoàng, mà lại hỏi những chuyện vớ vẩn!
Nếu quý vị là một nghệ sĩ thì nên vẽ một bức tranh, trong đó có một chén
trà đang bốc hơi và đề thêm ba chữ “Drink your tea!”. Đó là những bức họa
có thể treo trong thiền viện. Drink your tea tức là đừng đánh mất sự sống
của anh vào những suy tưởng, và những đàm luận siêu hình, hãy sống sâu
sắc trong giờ phút hiện tại. Drink your tea là một chánh ngữ. Nếu phân tích
các chữ “Uống trà đi” thì mình thấy có gì là Phật pháp ở trong đó đâu? Trong
“Uống trà đi” mình không thấy có vô ngã, vô thường, Tứ diệu đế, Bát chánh
đạo, không thấy có gì cả! Nhưng sự thật thì drink your tea là chánh ngữ, tại
vì nó đưa người kia trở về thực tại, và sống sâu sắc trong giây phút đó.
Các thiền sư thường có ngôn ngữ đặc biệt của họ. Họ chận đứng được đà
suy tư, vọng tưởng của thiền sinh. Nhiều khi họ dùng những câu nói rất lạ
lùng. Ngày xưa đời Lý có thiền sư Thiền Lão (mất năm 1073) ở chùa Trùng
Minh, núi Thiên Phúc. Tuy sống trên núi, mà danh tiếng vang lừng từ trong
triều ra đến ngoài quận. Cho nên vua Lý Thái Tông có lên thăm thiền sư. Khi
lên thăm, vua hỏi: Bạch thầy, thầy ở trên núi này được bao lâu rồi? Câu hỏi
rất đơn giản, thầy có thể trả lời: Tôi ở đây cũng gần 22 năm. Nhưng thiền sư
nói rằng: Bần tăng chỉ biết ngày hôm nay thôi, không có thì giờ để nghĩ đến
ngày hôm qua, nên bần tăng không biết đã sống ở đây bao nhiêu năm rồi!
Đản tri kim nhật nguyệt. Hà thức cựu Xuân Thu là câu của thiền sư trả lời.
Hai câu thơ này tuy văn vẻ và có nhiều ý, nhưng nó chỉ có nghĩa là: Xin mời
bệ hạ uống trà đi, hỏi chi những thứ đó cho phí thì giờ! Tôi ở đây đã 20 hay
30 năm thì đâu có quan trọng gì! Vấn đề là bệ hạ lên đến đây là một cơ hội
rất lớn, chúng ta uống trà với nhau đi! Trong câu trả lời đó cũng không có
triết lý gì ghê gớm cả, nó là một tiếng chuông, và nếu nó là một tiếng chuông,
thì đó là giáo lý đích thực.
Thành ra chúng ta là những cái “bị kiến thức”, những cái “bị chứa” giáo
lý, chúng ta không làm được công vụ của một cái chuông! Tiếng chuông mỗi
khi thỉnh lên thì mọi người đều phải vâng theo, đều phải trở về uống trà và
thực tập hơi thở. Cái chuông đó có thể có công đức hơn chúng ta, và chúng
ta phải truyền đăng cho nó trước. Vì vậy cho nên mỗi khi thỉnh chuông, ta
phải xá chuông trước.
Chúng ta ai cũng có những nỗi khổ niềm đau truyền lại từ ông bà, cha
mẹ. Nó có thể không phải là những nỗi khổ niềm đau mà chúng ta đã gom
góp ở trong kiếp này. Trong chúng ta có thể có một ngọn núi lửa ở chiều sâu,
những bực nhọc, những đau buồn, những giận hờn, những oán trách từ thời
xưa. Cho nên chúng ta phải biết trong ta có một núi lửa, và khi núi lửa đó
cựa quậy thì ta bắt đầu phun lửa, ta biến thành một hỏa diệm sơn, và ta sẽ
đốt cháy. Khi núi lửa sắp phun, nó có những triệu chứng. Người biết về núi
lửa thì khi nghe thấy những triệu chứng đó, họ tìm cách trốn chạy.
Khi có Chánh niệm thì chúng ta biết núi lửa sắp phun, chúng ta phải lo
chạy để có an ninh. Nó phun bằng những lời không chánh ngữ, làm cho
người nói đau khổ, và tạo nên đau khổ, tan nát cho những người chung
quanh.
Cho nên chúng ta phải học nhận diện ngọn núi lửa trong ta và trong
những người khác. Nhận diện để thương, tại vì không phải chỉ người kia
mới có núi lửa mà chính ta cũng có núi lửa ở trong mình. Khi núi lửa trong
ta phun lên thì mọi điều tan nát, do đó chúng ta phải có một chính sách để
có thể đối phó với ngọn núi lửa ở trong ta. Ta có những bực nhọc, những đè
nén, và ta có cảm tưởng rằng nếu nói ra không được thì ta sẽ chết. Tại sao
vậy? Tại vì chúng ta không biết quản lý nó, không biết quản lý cái năng
lượng núi lửa của chúng ta.
Sư Ông Làng Mai

NGƯỜI QUÂN TỬ GIỮ MÌNH NGHIÊM CẨN NGAY CẢ KHI TỐI VẮNG


Cừ Bá Ngọc là đại thần của nước Vệ thời Xuân Thu, được hậu thế tôn là
chính nhân quân tử, không bởi vì người khác không nhìn thấy mình mà
buông thả hành vi của bản thân. Cũng bởi vì đức hạnh này mà ông được
người đời sau đặt cho biệt xưng là “Quân tử bất khi ám thất”. Trong sách
“Liệt nữ truyện” của tác giả Lưu Hướng thời Tây Hán có ghi lại câu chuyện
về ông như sau:
Một đêm nọ, quốc quân của nước Vệ là Vệ Linh Công đang ở cùng phu
nhân trong nội cung thì nghe thấy tiếng xe ngựa từ xa chạy đến, khoảng
chừng đến gần cổng cung thì im bặt. Qua một lúc sau tiếng xe ngựa lại vang
lên, nghe từ gần rồi xa dần, xa dần và cuối cùng thì không còn nghe thấy
nữa.
Vua Vệ Linh Công dò hỏi phu nhân:

  • “Nàng có biết đó là ai không?”
    Phu nhân tự tin đáp rằng:
  • “Đó chẳng thể là ai khác, nhất định là Đại phu Cừ Bá Ngọc”.
    Vua Vệ Linh Công lại hỏi:
  • “Làm sao nàng biết được đó là ông ta?”
    Phu nhân giải thích rằng:
  • “Thần thiếp nghe nói, theo quy định của lễ, phàm thần tử đi qua trước
    cổng cung thì đều phải xuống xe cung kính. Trung thần, hiếu tử sẽ
    không phải chỉ ở trước mặt mọi người mới cố ý làm như thế để thể
    hiện tấm lòng của mình, mà ngay cả những nơi không người họ cũng
    không có hành vi cẩu thả. Cừ Bá Ngọc là người hiền nổi tiếng của nước
    Vệ, có nhân có trí, rất tuân thủ lễ tiết, kính trọng tôn trưởng. Lúc nãy
    nhất định là ông ta đã đi qua cổng cung, dừng xe lại tỏ ý cung kính.
    Tuy trong đêm vắng không ai nhìn thấy, ông ta vẫn tuân thủ lễ tiết.”
    Vua Vệ Linh Công sau đó đã phái người đi hỏi cho rõ sự tình. Kết quả,
    người đi xe trong đêm hôm ấy đúng là Cừ Bá Ngọc. Nhưng vua Vệ Linh
    Công lại cố ý nói với phu nhân:
  • “Phu nhân đoán sai rồi, người đó không phải là Cừ Bá Ngọc!”
    Phu nhân rót một chén rượu rồi cung kính dâng lên vua và nói rằng:
  • “Thần thiếp chúc mừng quân vương! Hoá ra thần thiếp chỉ biết nước
    Vệ có một đại hiền nhân là Cừ Bá Ngọc, xem ra hiện nay còn có một
    đại phu giống như ông ta. Nước có nhiều hiền thần, đây là phúc khí
    của quốc gia, cho nên thần thiếp mới chúc mừng quân vương”.
    Vua Vệ Linh Công nghe xong, không khỏi trầm trồ khen ngợi phu nhân:
  • “Hoá ra là thế, nàng quả thật là bậc nữ nhân tài trí!”
    Đồng thời, Vua Vệ Linh Công cũng nói cho phu nhân nghe sự thật:
  • “Phu nhân xác thực đoán không sai, người đó đúng là Cừ Bá Ngọc!”
    *
  • *
    Trong cuộc sống, đối với những chuyện dù lớn hay nhỏ, khi không có ai
    nhìn thấy, liệu có bao nhiêu người có thể ước thúc bản thân mà làm cho
    đúng?
    Phải là người coi trọng tu tâm dưỡng tính, người có phẩm đức cao, tâm
    địa trong sáng, không vì người khác không biết mà phóng túng bản thân
    mình.
    Theo Epoch Times