MƯỜI ĐỨC LÀNH CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

Trong chú giải có nói đến mười đức lành của người Phật tử đã qui y Tam
bảo như sau:
1- Đồng vui khổ với chư Tăng (Saṅghena saddhiṃ samānasukhadukkho
hoti), là khi chúng tỳ kheo có việc vui hay khổ, thì nguời thiện tín đều có
quan tâm chia sẻ; Tăng chúng vui thì mình hoan hỷ, Tăng chúng khổ thì
mình cùng lo.
2- Khéo giữ gìn thân khẩu (Kāyikavācasikañca surakkhitaṃ hoti), là
người thiện tín phải có hành vi tốt đẹp, lời nói tốt đẹp.
3- Lấy pháp làm trọng (Dhammo adhipateyyo hoti), nghĩa là người thiện
tín luôn luôn sống y cứ giáo pháp, lấy chánh pháp làm chuẩn mực, làm căn
bản, làm kim chỉ nam.
4- Vui chia sẻ tùy khả năng (Yathāthāmena saṃ vibhāgarato’ va hoti),
nghĩa là người thiện tín có tâm hoan hỷ trong việc bố thí xả tài tùy theo sức
tài sản mình có.
5- Cố gắng học hiểu giáo lý của Phật (Jinasāsanaṃ jānituñca vāyamati),
nghĩa là người thiện tín phải cố gắng tìm hiểu học hỏi giáo pháp của bậc Đạo
Sư đã dạy.
6- Có chánh kiến (Sammādiṭṭhiko’va hoti), nghĩa là người thiện tín phải
có tri kiến chân chánh, hiểu đúng với chơn lý, thấy rõ vô thường, khổ não và
vô ngã; hiểu biết nghiệp báo luân hồi.
7- Từ bỏ sự bói toán đoán điềm (Apagato kotuhalamaṅgaliko’va hoti),
nghĩa là người thiện tín không tin theo sao hạn hên xui, mê tín dị đoan.
8- Không xu hướng Đạo Sư khác dù có vì nhân mạng sống (Jīvitahetupi
aññaṃ sa􀄴hāraṃ na uddisati), nghĩa là người thiện tín không vì nhân mạng
sống bị đe dọa hay vì để nuôi mạng mà hướng về thầy ngoại đạo khác bỏ
Đức Phật.
9- Vui thích trong sự hòa hợp (Samaggārāmo’ va hoti), nghĩa là người
thiện tín luôn luôn sống đoàn kết, hoan hỷ trong sự đoàn kết, không chia rẽ,
không phe phái.
10- Thực hành theo giáo lý (Sāsane carati), nghĩa là người thiện tín luôn
luôn thực hành lời dạy của Đức Phật, tinh tấn tu tập.
Đây là mười đức tính tốt đẹp của một người cư sĩ chân chánh trong Phật
giáo, người cư sĩ có mười đức lành này đáng gọi là cận sự nam và cận sự nữ
đệ tử Tam Bảo.
Trích: CƯ SĨ GIỚI PHÁP, Tỳ kheo Giác Giới.

CON ĐƯỜNG KHỔ VUI DO MÌNH TỰ CHỌN

“Một thời, Thế Tôn trú ở Sàva􀄴hi, dạy các Tỷ kheo:

  • Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ngay trong hiện tại
    sống đau khổ, với tổn não, với ưu não, với nhiệt não, sau khi thân hoại mạng
    chung, được chờ đợi là ác thú. Thế nào là năm?
  • Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo không có lòng tin, không có lòng hổ
    thẹn, không có lòng sợ hãi, biếng nhác, ác tuệ. Thành tựu với năm pháp này,
    này các Tỷ kheo, ngay trong hiện tại sống đau khổ, với tổn não, với ưu não,
    với nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là ác thú.
  • Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ngay trong hiện tại
    sống an lạc, không có tổn não, không ưu não, không có nhiệt não; sau khi
    thân hoại mạng chung, được chờ đợi là cõi lành. Thế nào là năm?
  • Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo có lòng tin, có lòng hổ thẹn, có lòng sợ
    hãi, tinh cần tinh tấn, có trí tuệ. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo,
    Tỷ kheo ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không có ưu não,
    không có nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là cõi lành”.
    (Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Sức mạnh hữu học, phần Khổ, tr.307)
    LỜI BÀN:
    Ai sống trên cuộc đời này cũng mong sao cho mình và người thân được
    vui vẻ, hạnh phúc. Tuy vậy, trang bị cho mình những chất liệu để loại trừ
    khổ đau, tăng trưởng an lạc thì không phải ai cũng làm được. Cho nên mưu
    cầu hạnh phúc, an lạc thì ai cũng có nhưng thực tế của mỗi cá nhân lại hoàn
    toàn khác biệt nhau, tùy thuộc vào nỗ lực chuyển hóa của mỗi người.
    Theo tuệ giác của Thế Tôn, những yếu tố gây nên đau khổ cho con người
    trong hiện tại và cả ở tương lai gồm: không có lòng tin, không có lòng hổ
    thẹn, không có lòng sợ hãi, biếng nhác, ác tuệ.
    Người không có lòng tin thì rất dễ làm ác. Lòng tin là nền tảng cho quá
    trình phấn đấu, hướng đến các giá trị đạo đức. Không có lòng hổ thẹn thì
    điều gì cũng làm được. Con người sở dĩ khác với các sinh vật khác nhờ có
    lòng hổ thẹn. Biết xấu hổ với người và với chính mình nên từ bỏ việc ác.
    Không có lòng sợ hãi, chí ít là sợ nhân quả, nên “gieo gió thì gặt bão” là
    đương nhiên. Cộng thêm tính lười biếng lao động, sự lọc lõi khôn ranh,
    chuyên làm việc bất chính để thủ lợi riêng… Tất cả những hành vi này đã
    tạo nên đau khổ, tổn hại và vô vàn ưu phiền trong hiện tại và ở tương lai.
    Người con Phật nhận ra các nguyên nhân của khổ đau nên tinh cần
    chuyển hóa thân tâm. Sống có lòng tin, có lòng hổ thẹn, có lòng sợ hãi, tinh
    cần tinh tấn và có trí tuệ thì chắc chắn hiện đời và đời sau luôn hạnh phúc,
    an lành. Khổ hay vui không phải do số phận an bài hoặc do thần linh chi
    phối mà chính ngay nơi hành nghiệp của chính mình.
    QUẢNG TÁNH

ĐẠO PHẬT TRONG THỜI ĐẠI KỸ THUẬT SỐ

Nhiều người trong chúng ta ngày càng nhận ra tác hại của thiết bị công
nghệ kỹ thuật số. Công nghệ ngày càng phát triển để phục vụ cho đời sống
con người, nhưng tại sao tỷ lệ trầm cảm và lo âu ngày càng gia tăng?
Về mặt trực quan, nhiều người cảm thấy không thể tự chủ và điều khiển
được cuộc sống của chính mình khi màn hình điện thoại ngày càng chiếm
nhiều thời gian, năng lượng và sự tập trung của họ. Quan trọng hơn nữa,
hậu quả đáng lo ngại nhất của công nghệ kỹ thuật số là sự suy thoái tinh
thần sâu sắc do sự mất kiểm soát đối với việc sử dụng mạng xã hội gây ra.
Lạm dụng các nền tảng mạng xã hội sẽ phá hủy mọi ý định tốt đẹp và nỗ lực
mạnh mẽ của chúng ta đối với việc thực hành Phật pháp. Khi đó, việc kiểm
soát các căn trong đời sống hàng ngày, một phương pháp cốt yếu trong Kinh
tạng Pali, sẽ bị lãng quên và phớt lờ một cách vô thức.
Bản thân công nghệ kỹ thuật số không phải là vấn đề. Mà ngược lại, nếu
được sử dụng một cách hợp lý, thì chúng có thể hỗ trợ việc thực hành Phật
pháp một cách hiệu quả. Hãy lấy hai buổi sáng thứ Bảy dưới đây làm ví dụ.
Vào buổi sáng đầu tiên, khi còn nằm trên giường, tôi bắt đầu ngày mới
bằng cách kiểm tra email trên điện thoại. Một vài việc cần làm vẫn ngập tràn
tâm trí tôi, nhưng đến thứ Hai tuần sau thì tôi mới có thể thực hiện chúng.
Muốn thay đổi tâm trạng, theo phản xạ, tôi mở trang WashingtonPost.com,
và tôi đã đắm chìm trong những câu chuyện về Ukraine và bản cáo trạng
mới nhất của Trump. Suốt một giờ trôi qua, tôi xem hết tin này đến tin khác
từ các trang Washington Post, New York Times và Atlantic. Cuối cùng, khi
cảm thấy tâm trí mình đang quay cuồng, chán nản và choáng váng, tôi đã cố
lê mình ra khỏi giường. Nỗi buồn chua chát đã bao trùm hết cả một ngày
thứ Bảy đẹp trời.
Giờ đây, tôi cố gắng thoát khỏi tâm trạng tồi tệ của mình bằng cách lướt
các tài khoản mạng xã hội của mình. Một lần nữa, tôi lại cảm thấy tệ hơn.
Đến khi tôi uống được chút nước, dùng chút thức ăn và ngồi xuống đệm
thiền thì đã gần trưa. Tôi cảm thấy bối rối, lo lắng và chán chường. Tôi đã
không làm gì hữu ích cả. Kết quả kéo theo là phần lớn thời gian ngồi của tôi
trở nên buồn tẻ và khó chịu.
Hai tuần sau, tôi đang trong thời gian cai nghiện công nghệ kỹ thuật số
trong vòng 30 ngày. Tôi đã buộc mình phải hạn chế đến mức tối đa việc sử
dụng công nghệ để thoát khỏi mê cung ngoằn nghoèo của sự mất tập trung
và thôi thúc của sự thèm khát mạng xã hội. Tôi thức dậy. Điện thoại của tôi
nằm ở một góc bụi bặm dưới tầng hầm.
Tôi mở máy tính và nhấn nút để phát bài Ajahn Suci􀄴o Talk đã được tải
xuống từ Dharma Seed vào đêm hôm trước. Giọng nói ấm áp, thông thái và
dí dỏm của một trong những vị tu sĩ tôi yêu thích đã truyền khắp căn phòng.
Tôi nằm đó nửa giờ, lắng nghe, thở chậm, cảm nhận, và khai mở tâm hồn.
Tôi vươn vai và thưởng thức một cốc nước. Lúc này, thiền không phải là một
việc vặt mà là một niềm vui.
Đến trưa, tôi đã thực tập thiền được hai giờ, nghe toàn bộ bài pháp thoại
và đọc được một chương trong Dòng chảy tĩnh lặng (tiểu sử của ngài Ajahn
Chah), một món quà dưới dạng PDF miễn phí từ internet. Tôi cảm thấy vững
chãi, tỉnh thức, và chánh niệm trong từng hành động của mình.
Sự khác biệt giữa hai buổi sáng này đã quá rõ ràng. Đó là trải nghiệm của
bản thân tôi khi sử dụng công nghệ kỹ thuật số với ý thức kiểm soát và
không kiểm soát. Dĩ nhiên, mỗi người sẽ có những cách sử dụng công nghệ
khác nhau để nâng cao tinh thần và truyền cảm hứng cho chính mình. Đặc
biệt, những quyết định nhỏ về cách mà chúng ta chọn tham gia hay không
tham gia vào công nghệ kỹ thuật số, sẽ được cộng dồn qua nhiều tháng nhiều
năm và tạo nên chất lượng cuộc sống của mỗi người. Bạn càng ngày càng
trưởng thành hay tàn lụi đều là do những quyết định nhỏ nhặt ấy mang lại.
Công nghệ kỹ thuật số thường khiến cho chúng ta không thể tập trung
vào những thứ quan trọng. Thông thường, nó kéo chúng ta đi theo hướng
ngược lại với các giá trị của Phật giáo. Hãy tự cân nhắc xem liệu việc chìm
đắm vào mạng xã hội và các công nghệ kỹ thuật số khiến chúng ta tập trung
hay bị phân tán tư tưởng, bình ổn hay kích động, khoan dung hay phẫn nộ,
hoan hỷ hay ghen tỵ, nhận thức rõ về bản thân hay mơ hồ về giá trị của chính
mình, hạnh phúc hay bị kích thích, suy nghĩ sâu sắc hay nhìn nhận một cách
hời hợt,…
Phương trình đơn giản “sự chú ý của bạn = số tiền mà họ thu được” đã
khiến các công ty lao vào một cuộc chạy đua khốc liệt nhằm lôi kéo sự chú ý
của quần chúng. Những nhu cầu cơ bản của con người như sự an toàn, địa
vị, sự thuộc về,… đã bị khai thác một cách triệt để nhằm tạo ra những trải
nghiệm kỹ thuật số gây nghiện một cách trầm trọng.
Vì vậy, chủ nghĩa tối giản trong việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số là
một phương pháp mà người Phật tử cần áp dụng. Nếu bạn là Phật tử sống
ở thế kỷ XXI và trăn trở về việc làm thế nào để sử dụng kiếp người của mình
một cách ý nghĩa nhất, thì chắc chắn các bạn phải cân nhắc đến phương pháp
này, bởi nó giúp bạn không tiêu tốn thời gian quý giá của mình cho những
việc vớ vẩn và vô nghĩa.
Hơn thế nữa, người Phật tử xem mọi thứ tiếp xúc qua sáu căn cũng là một
dạng thức ăn. Tương tự như vậy, nếu ăn đồ ăn vặt có thể khiến cơ thể bạn
bị bệnh thì việc nghe, nhìn, suy nghĩ về một số vấn đề tiêu cực cũng có thể
khiến tâm bị bệnh.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, trong quyển sách nổi tiếng Trái tim của Bụt,
đã khuyến khích các hành giả thực tập như sau: “Chúng ta có sáu căn là mắt,
tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Chúng tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc và
pháp. Ta phải thấy rằng việc tiếp xúc đó có đem chất độc vào người hay
không. Ví dụ như khi ta xem truyền hình, mắt ta tiếp xúc với hình sắc. Phải
thực tập chánh kiến xem chương trình truyền hình kia có đưa vào trong tâm
ta những độc tố như sợ hãi, căm thù và bạo động hay không… Khi xem một
tờ báo không có chánh niệm, chúng ta có thể tiếp nhận rất nhiều độc tố. Đọc
xong ta có thể mệt nhoài vì những điều ta đọc có thể khiến chúng ta chán
nản, lo lắng và ghê sợ. Chính những câu chuyện hàng ngày cũng có thể mang
nhiều độc tố.”
Trong đó, thầy đã liệt một số phương tiện truyền thông nhất định vào
nhóm “chất độc” bên cạnh những chất gây say gây nghiện mà chúng ta đã
biết như rượu, bia,… Vì vậy, tốt nhất, chúng ta nên buông bỏ những thú vui
nhỏ nhặt mà chúng ta thu lượm được trên mạng xã hội và công nghệ kỹ
thuật số để thành tựu hạnh phúc lớn lao hơn.
Phòng hộ các căn là phương pháp vô cùng quan trọng, và cũng có nhiều
cách để thực hiện điều này, chẳng hạn như giữ chánh niệm liên tục để nhận
biết rõ ràng các giác quan khi cảm nhận sự vật, hay chú tâm vào trạng thái
hỷ lạc của thiền và dùng trí tuệ để chặt đứt gốc rễ của si ám. Theo tôi, tất cả
những cách này đều tốt, nhưng có một điều cơ bản mà chúng ta thường bỏ
qua, đó chính là tránh né ngay từ đầu. Một vị tu sĩ sẽ tránh tiếp xúc với sự
vật hay sự việc mang tính kích động. Đây có lẽ là phương pháp đơn giản
nhưng hữu hiệu đối với các nền tảng mạng xã hội hiện nay.
Đối với bản thân mình, tôi cảm thấy bất ngờ và vui mừng khi lấy lại được
nhiều thời gian và năng lượng như hiện nay. Lúc đầu, tôi cảm thấy bồn chồn
tột độ khi phải cố gắng thích nghi với cuộc sống không có những thay đổi
trạng thái ngay lập tức do việc nhấp chuột hay vuốt màn hình mang lại.
Nhưng chỉ trong vòng một hay hai tuần, tôi đã bắt đầu chuyển sang chế độ
sống và làm việc thoải mái hơn nhiều. Tôi nhận thấy mình đang bắt kịp nhịp
sống với những hoạt động thường ngày như nghe các bài pháp thoại, thiền
định hàng giờ, dọn dẹp tầng hầm, kết nối trực tiếp với bạn bè, thúc đẩy các
dự án công việc tiến triển. Chất lượng cuộc sống của tôi giờ đây đã được cải
thiện rõ rệt.
Nếu nhìn ở một góc độ khác thì đây có thể được xem là một thành tựu
mang tính thụt lùi. Bởi nó kéo chúng ta về với tình trạng của một học sinh
vào năm 1992 (thời kỳ trước khi công nghệ kỹ thuật số được phổ biến rộng
rãi). Nhưng dù sao thì đó cũng là một loại thành công và tôi tin rằng bản
thân phải ăn mừng vì những chiến thắng như vậy. Đối với nhiều người trong
chúng ta, việc thoát khỏi ánh sáng chói lóa của màn hình là điều cực kỳ khó
khăn.
Bằng cách rút phích cắm điện thoại đi, chúng ta có thể đối mặt với những
cảm giác đau đớn hay những tổn thương tâm lý đã âm ỉ từ lâu. Rất nhiều
điều có thể đã bị phớt lờ và lãng quên đằng sau một thói quen tưởng chừng
như bình thường như kiểm tra tin tức liên tục suốt cả ngày hoặc mang điện
thoại vào phòng tắm. Việc thiết lập lại thói quen sử dụng điện thoại thường
đòi hỏi chúng ta phải suy ngẫm và giải quyết những nỗi đau cũ kỹ này.
Nhưng khi đã vượt qua tất cả những điều này, chúng ta có thể phục hồi lại
những ý thức cơ bản về giá trị của bản thân và khả năng kiểm soát đối với
bất cứ điều gì.
Toàn bộ quá trình này có nhiều điểm tương đồng với việc giải quyết
những vọng tưởng khi chúng ta ngồi thiền và việc học cách thoát khỏi những
điều khởi lên trong tâm khiến chúng ta không thể chuyên tâm vào đề mục
quán tưởng. Nhận thức đúng đắn và sử dụng các thiết bị công nghệ một
cách hợp lý là một bước tiến quan trọng trên con đường thực hành giáo pháp
trong thời đại kỹ thuật số này. Cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp
hơn đáng kể và đó cũng là thềm thang cho những tiến bộ trong tương lai.
PHỔ TỊNH

HÃY TỪ BI BẰNG TRÍ TUỆ

Con à ! khi con thương một con gà, nếu nó đang đói, con chỉ có thể cho
nó ăn thóc. Khi con thương một con bò, con chỉ có thể cho nó ăn cỏ. Nếu con
thương một con mèo, con chỉ có thể cho nó ăn cơm. Con không thể lấy một
loại thức ăn mà cho cả thảy chúng mà gọi đó là tình thương yêu bình đẳng
Cũng vậy, đối với các hạng người khác nhau, con nên giúp đỡ khác nhau.
Một người đang bệnh thì hết bệnh là phước báu lớn nhất với họ. Với người
đang khát thì nước uống là thứ quan trọng với họ. Với người đang đói thì
thực phẩm là quý nhất với họ…Giáo pháp tuy quý, nhưng chỉ với ai thiết tha
cần cầu mới có tác dụng. Mỗi người có mỗi phước báu và duyên nghiệp khác
nhau. Nếu không đúng người mà đem trao một loại thuốc cho họ thì đôi khi
vô ích và tác dụng ngược.
Đạo giác ngộ chỉ dành cho bậc trí, không dành cho kẻ ngu. Chỉ ai đầy đủ
phước, ít bụi trong mắt mới có thể gặp minh sư, thấy ra Sự Thật. Còn không,
thì đa phần đang chạy theo tham dục và ảo tưởng của mình dù đó là tham
thiện hoặc ảo tưởng về điều thiện.
Con hãy tỉnh giác và làm tốt việc của thân tâm mình, còn chúng sanh bên
ngoài cứ để vận hành theo duyên nghiệp của họ. Không ai có thể cứu giúp
ai khi họ chưa biết tự cứu mình.
Giữa lòng từ bi của Phật và tham ái của chúng sanh chỉ cách nhau một
niệm tỉnh giác.
Chắc hẳn con từng nghe câu:” Duy Tuệ Thị Nghiệp”- hãy lấy trí tuệ làm
sự nghiệp, khi có trí tuệ ắt hẳn có từ bi mà không còn băn khoăn, nghi ngờ,
do dự. Khi con còn thắc mắc, lúng túng, phiền não…là do Trí Tuệ chưa thông
nên đa phần là xen vào nhân quả của người và tạo tác nhân quả mới cho
mình dù thiện hay bất thiện, mà thiện hay bất thiện đều bị vô thường chi
phối. Con cứ theo đuổi và tạo dựng những thứ vô thường thì hỏi sao không
mệt mỏi.
Việc con có thể làm lúc này là cứ trọn vẹn đón nhận những điều xảy ở
mỗi khoảnh khắc của hiện tại với tâm tỉnh giác, nếu giúp được người trong
khả năng của mình thì cứ giúp với lòng buông xả, tử tế với bản thân bằng
việc giữ gìn chánh niệm thân, khẩu, ý ngay đời sống. Còn duyên nghiệp của
mỗi người thì hãy để họ tự học bài học chuyển hoá lấy.
Đa phần rắc rối xảy ra là do người ta chỉ thích tạo tác và kết nối bên ngoài
mà không biết lúc cần ngồi yên để xem sự tác ý của mình đi về đâu. Khi con
biết ngồi yên thì mọi thứ bên ngoài nó tự làm việc theo tiến trình tự nhiên
của nó.
Cũng vậy, khi tâm tĩnh lặng thì mọi thứ rõ ràng và con tự khắc biết làm
gì để giúp đời và giúp người đúng nghĩa. Còn hơn cứ băn khoăn giúp người
rồi tự làm mình mệt mỏi theo. Điều đó chẳng khác nào không biết bơi mà
muốn cứu người chết đuối. Nếu cần, con có thể quăng cho họ cái phao, bằng
cách giới thiệu vài cuốn sách hay, vị thầy đáng kính, hay vài việc làm hữu
ích…Con đừng tự đồng hoá mình với họ rồi tự trói mình trong những vòng
nhân duyên chằng chịt khổ đau. Tất cả thứ hỗ trợ bên ngoài là duyên, mỗi
người phải tự mình tìm tòi, chiêm nghiệm và giác ngộ lấy. Còn không thì chỉ
là sự bám víu trong một hình thức vi tế của tham ái và bản ngã, dù đó là gia
đình, bạn bè, thầy tổ hay giáo pháp.
Chúc con an lành và tỉnh giác để thấy ra !
Trúc Lan Nhã.
Nguồn : Yuki Lotus